Ngày 4/10 (tức 20/8 Âm lịch), thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, tổ chức khai mạc Lễ hội truyền thống đền An Sinh năm 2023, thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương tham gia.
Lễ hội đền An Sinh là hoạt động truyền thống mang giá trị nhân văn với ý nghĩa hướng về cội nguồn, là dịp để nhân dân các dân tộc thị xã Đông Triều và du khách thập phương đến dâng hương, chiêm bái, bày tỏ lòng thành kính, tri ân công đức to lớn của các vị vua Nhà Trần, các bậc tiền nhân đã có công gây dựng đất nước; bảo tồn và quảng bá rộng rãi những giá trị của Khu di tích Quốc gia Đặc biệt Nhà Trần tại Đông Triều.
Đông Triều là vùng đất thiêng, bởi là nơi trở về cuối cùng của các vua Trần, đặc biệt là Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông. Bởi vậy, cùng với Thăng Long-Hà Nội và Thiên Trường-Nam Định, Đông Triều trở thành một trong ba trung tâm văn hóa tiêu biểu nhất của Đại Việt thời bấy giờ và được coi là trung tâm văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo, giữ vai trò bồi đắp, bệ đỡ tinh thần cho xã hội và nhân dân trong sự nghiệp xây dựng đất nước.
Đền An Sinh được xây dựng vào thế kỷ XIV, thờ 8 vị vua Trần đặt lăng mộ tại quê gốc xã An Sinh, thị xã Đông Triều, gồm: Thái Tông, Thánh Tông, Anh Tông, Minh Tông, Hiến Tông, Dụ Tông, Nghệ Tông và Giản Định; cùng Khâm Minh Thánh Vũ Hiển Đạo An Sinh vương Trần Liễu, Thiện Đạo Quốc mẫu phu nhân và Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn.
Tòa trung cung đặt tượng thờ Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn. Tiền đường đặt bát hương công đồng và một số đồ tế khí...
Trong số 8 vị vua Trần có 5 vị vua được mai táng tại đây và 3 vị vua được rước thần tượng từ Long Hưng (huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) về. Năm 2013, đền An Sinh nói riêng và Khu Di tích lịch sử Nhà Trần tại Đông Triều, được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích Quốc gia Đặc biệt.
[Lễ hội đền An Sinh: Tri ân công đức của các vua Trần và tiền nhân]
Lễ hội truyền thống đền An Sinh diễn ra vào ngày 20/8 Âm lịch hàng năm -ngày chính giỗ của Anh hùng Dân tộc Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn.
Lễ hội truyền thống đền An Sinh năm 2023 có hai phần. Trong đó, phần lễ có lễ gióng trống, chiêng khai hội; lễ dâng hương tưởng niệm các vua Trần và cầu nguyện quốc thái, dân an. Phần hội kéo dài trong 3 ngày từ ngày 4-6/10 với các hoạt động văn nghệ-thể thao như Liên hoan văn nghệ các làng, khu phố; thi đấu bóng chuyền hơi; đẩy gậy; cờ người… Triển lãm ảnh về Đông Triều và trưng bày cây cảnh nghệ thuật cũng được tổ chức dịp này.
Phát biểu khai mạc Lễ hội, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị xã Đông Triều, ông Nguyễn Văn Ngoãn nhấn mạnh được sự quan tâm của Trung ương và của tỉnh, thị xã Đông Triều tích cực phối hợp với các ban, sở, ngành của tỉnh, các cơ quan nghiên cứu, các nhà khoa học tổ chức nhiều cuộc khai quật khảo cổ, hội thảo khoa học đánh giá về giá trị của các di tích thuộc Khu di tích Nhà Trần ở Đông Triều.
Thị xã phối hợp với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về Khu di tích Nhà Trần ở Đông Triều. Các doanh nghiệp và nhân dân trên khắp mọi miền đã tổ chức phát tâm công đức, huy động nguồn lực xã hội hóa để đầu tư tu bổ, tôn tạo Khu di tích Nhà Trần.
Những nguồn lực đó sẽ trở thành động lực mạnh mẽ để thị xã Đông Triều tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, bảo tồn và phát huy giá trị của Khu di tích Quốc gia Đặc biệt Nhà Trần ở Đông Triều, góp phần đưa Quần thể Di tích và danh thắng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn, Kiếp Bạc được UNESCO công nhận và ghi vào Danh mục Di sản Thế giới./.