Quảng Ninh phát huy sức mạnh khối MTTQ, các đoàn thể chính trị-xã hội

Trưởng ban Tổ chức Trung ương đề nghị các bộ, ban, ngành chung tay đồng hành cùng với Quảng Ninh, tăng cường tính đoàn kết của các Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội.
Quảng Ninh phát huy sức mạnh khối MTTQ, các đoàn thể chính trị-xã hội ảnh 1Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh: Trung Nguyên/TTXVN)

Ngày 8/8, các đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương; Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng Đoàn công tác của Ban Tổ chức Trung ương, Ban Dân vận Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đại diện các bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị-xã hội đã thăm và làm việc tại tỉnh Quảng Ninh, đánh giá kết quả thực hiện mô hình thí điểm "Cơ quan tham mưu, giúp việc chung khối Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội cấp huyện." 

Thực hiện Kết luận của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Thí điểm thực hiện việc sử dụng cơ quan giúp việc chung khối Mặt trận Tổ quốc các đoàn thể chính trị-xã hội cấp huyện” năm 2015, tỉnh Quảng Ninh quyết định triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng cơ quan tham mưu, giúp việc chung khối Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội cấp huyện” tại 14/14 địa phương trong toàn tỉnh.

Ngay sau khi mô hình này được phê duyệt và triển khai thí điểm, các địa phương đã chỉ đạo các xã, phường, thị trấn nghiên cứu xây dựng Đề án ở địa phương phù hợp để thực hiện đảm bảo sự liên thông đồng bộ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện.

Đến nay, 7/14 địa phương đã triển khai mô hình “Khối dân vận cấp xã”, 6/14 địa phương triển khai mô hình “Bộ phận tham mưu, giúp việc chung khối Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội”; 1/14 địa phương thực hiện mô hình “Bộ phận phối hợp thống nhất hành động khối Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội.”

Tuy có sự khác nhau về lựa chọn mô hình song các địa phương đều tập trung vào các nhóm nhiệm vụ chung.

Qua sơ kết 2 năm thực hiện mô hình thí điểm “Cơ quan chuyên trách, giúp việc chung khối Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội cấp huyện” tại 12/14 địa phương; lấy phiếu điều tra, khảo sát và nhận được các kết quả đánh giá khích lệ của đại diện tầng lớp nhân dân, đoàn viên, hội viên và đội ngũ cán bộ công chức trực tiếp công tác tại các cơ quan khối, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã phê duyệt Đề án và công bố thành lập Cơ quan chuyên trách tham mưu giúp việc chung khối Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội cấp tỉnh vào ngày 4/4/2018. Đây được coi là mô hình cơ quan khối cấp tỉnh chưa có tiền lệ trong cả nước.

Cơ quan được hình thành trên nguyên tắc không hạn chế vai trò, vị trí, tính chất độc lập của các tổ chức; sự hoạt động hiệu quả hiện tham mưu và triển khai đầy đủ các chức năng, nhiệm vụ được quy định, kể cả nhiệm vụ chuyên biệt.

Cơ quan khối có chức năng tham mưu, giúp việc chung; đồng thời, là cơ quan chuyên môn, nghiệp vụ về công tác Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội theo quy định của Luật, Pháp lệnh và Điều lệ của từng tổ chức.

Theo đó, Thủ trưởng Cơ quan Khối tỉnh Quảng Ninh là Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh.

5 Phó Thủ trưởng là trưởng các tổ chức chính trị-xã hội cấp tỉnh như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Tỉnh Đoàn, Liên đoàn Lao động…

Biên chế của cơ quan được giữ nguyên số hiện có và tiến tới tinh giản. Sự ra đời của Cơ quan Khối không chỉ giảm “hành chính hóa,” giảm sự chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động của từng cơ quan mà còn giúp tiết kiệm nguồn lực, đổi mới và nâng cao hiệu quả giám sát, phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân.

Kết quả thí điểm, triển khai mô hình cho thấy nhiều ưu điểm như bảo đảm sự phối hợp, thống nhất; tiết kiệm nguồn lực; rõ hơn sức mạnh của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội; giảm hành chính hóa, huy động sự tự nguyện của nhân dân, tăng tính thuyết phục, hiệu quả; đổi mới và nâng cao hiệu quả giám sát, phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.

Bộ máy biên chế tinh gọn, tiết kiệm, giảm từ 33 ban chuyên môn của 6 tổ chức xuống còn 6 ban, giảm được 69 vị trí chức danh lãnh đạo trưởng, phó các ban chuyên môn của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội.

Trao đổi, thảo luận về những ưu điểm cũng như tồn tại trong quá trình triển khai mô hình Cơ quan Khối, các đại biểu đã đặt vấn đề về quy chế làm việc của Khối, cơ chế thủ trưởng sau khi thực hiện. Việc phát triển hội viên đoàn viên trong các tổ chức có hiệu quả hay không? Cần nhanh chóng đánh giá hiệu quả hoạt động trong khối so với trước khi thành lập...

[Những hình ảnh đẹp ghi dấu ấn cho du lịch Quảng Ninh]

Tại buổi làm việc, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai cho rằng, muốn tinh gọn, nâng cao hiệu quả của các bộ máy, nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ phải triển khai vào thực tiễn. Mô hình này cũng vậy, muốn có hiệu quả phải được triển khai nhanh vào thực tiễn và giao cho tỉnh Quảng Ninh triển khai thí điểm.

Trên thực tế, trong quá trình triển khai, tỉnh Quảng Ninh đã rất thận trọng nghiên cứu văn bản của Trung ương, nghiên cứu cơ chế vận hành của các tổ chức và đã vận dụng sáng tạo vào thực tiễn tình hình phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương, để từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động tham mưu của khối. Quảng Ninh có rất nhiều nỗ lực, nhất là trong việc ban hành quy chế, chương trình, kế hoạch. Đây là mô hình chung đầu tiên của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị.

Đánh giá kết quả bước đầu, Trưởng ban Dân vận Trung ương tán thành với những ưu điểm của mô hình trên và cũng đưa ra những hạn chế còn tồn tại để tỉnh Quảng Ninh rút kinh nghiệm.

Bên cạnh đó, đồng chí Trương Thị Mai gợi mở Quảng Ninh tiếp tục nghiên cứu và làm rõ thêm việc cơ quan này là cơ quan tham mưu, giúp việc hay là cơ quan điều hành khối? Cơ chế nào trội hơn? Cơ chế thủ trưởng khối có cần làm rõ hơn hay không? Một số tổ chức chính trị cần được quan tâm hơn nữa như Mặt trận Tổ quốc, công đoàn… để nhiệm vụ không bị lu mờ.

Phát biểu tại buổi làm việc, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính khẳng định, Khối Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị tại tỉnh Quảng Ninh luôn giữ quyết tâm cao, trách nhiệm trong việc triển khai thí điểm đề án.

Qua những kết quả thực tiễn đã đạt được, đồng chí Phạm Minh Chính đề nghị tỉnh Quảng Ninh tiếp thu nghiêm túc ý kiến của các đại biểu để đưa vào hoàn thiện tổng kết mô hình thí điểm này.

Trưởng ban Tổ chức Trung ương đề nghị các bộ, ban, ngành chung tay đồng hành cùng với Quảng Ninh, tăng cường tính đoàn kết của các Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội; phải bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của đoàn viên, hội viên và quyền lợi ích hợp pháp của nhân dân; phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Khối.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc cho biết, mô hình thí điểm triển khai tại tỉnh Quảng Ninh là mô hình mới, phức tạp và còn nhiều bỡ ngỡ.

Qua buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh mong muốn Trung ương cùng các bộ, ban, ngành tiếp tục tham gia ý kiến, góp ý để Quảng Ninh hoàn thiện tốt nhất trong quá trình triển khai mô hình này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục