Trong bối cảnh nguồn ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, bằng quyết sách đúng đắn, Quảng Ninh đã huy động được một nguồn lực to lớn từ xã hội để phát triển hạ tầng giao thông hiện đại đồng bộ, hạ tầng kỹ thuật tốt, thu hút ngày một nhiều nhà đầu tư đến với tỉnh.
Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Quảng Ninh xác định tiếp tục kiên định mục tiêu “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư” với nguồn vốn ngân sách cấp tỉnh dự kiến trên 21.600 tỷ đồng (Nghị quyết số 12/NQ-HĐND ngày 18/6/2021 của Hội đồng Nhân dân tỉnh khóa XIV).
Nguồn vốn này sẽ được phân bổ đầu tư cho những dự án động lực, trọng điểm có tính chất kích thích, khơi thông nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế khác.
Hiện tỉnh đang tiếp tục bố trí sử dụng vốn ngân sách nhà nước để kích thích, khơi thông, khai thác tối đa nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác tập trung đầu tư cải thiện hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
Ngoài các công trình Đại hội Đảng bộ tỉnh quyết nghị, Quảng Ninh ưu tiên nguồn lực thực hiện các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ, chế biến chế tạo, kinh tế số, xã hội số và chính quyền số và môi trường.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh cho biết từ năm 2013, trong khi khung pháp lý về đầu tư theo hình thức đối tác “công-tư” (PPP) chưa đầy đủ và đồng bộ, tỉnh Quảng Ninh đã mạnh dạn nghiên cứu và ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 5/12/2013 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh chỉ đạo các cấp ủy lãnh đạo thí điểm áp dụng hình thức đầu tư PPP với các mô hình “đầu tư công-quản lý tư” và “đầu tư tư-sử dụng công.”
Từ đầu năm 2014 trong quá trình thu hút đầu tư xây dựng cơ sở, hạ tầng phục vụ phát triển, Quảng Ninh đã chủ trương thí điểm ở một số dự án. Ngay từ những công trình ban đầu, hình thức đầu tư này đã cho thấy những tác động tích cực trong việc nâng cao năng lực quản lý, tăng nguồn thu và giảm thiểu rất nhiều chi phí từ ngân sách…
[Tiền Giang: Tăng hiệu quả đầu tư công cho phát triển kinh tế năm 2022]
Trong giai đoạn 2014-2020, tỉnh Quảng Ninh đã huy động, thực hiện đầu tư 29 dự án theo hình thức PPP, với tổng nguồn vốn trên 46.000 tỷ đồng; trong đó, vốn Nhà nước tham gia vào các dự án PPP khoảng 5.163 tỷ đồng, chiếm 11% (chủ yếu tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng).
"Như vậy, cứ một đồng ngân sách Nhà nước bỏ ra, có thể huy động được 8-9 đồng từ khối tư nhân tham gia đầu tư vào Quảng Ninh," bà Nguyễn Thị Thu Hà cho biết.
Đến nay, nhiều công trình trọng điểm, có tính chất động lực thúc đẩy liên kết nội vùng, liên kết vùng, bảo đảm các tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh từng địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đã hoàn thành, đưa vào sử dụng được phát huy tối đa, bổ sung cho nhau.
Điển hình như dự án cầu Bạch Đằng, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, cao tốc Vân Đồn-Móng Cái, cao tốc Hạ Long-Vân Đồn, cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai…
Theo ông Vũ Văn Khánh, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ninh, tuyến đường cao tốc Vân Đồn-Tiên Yên (được đầu tư bằng ngân sách nhà nước) và Tiên Yên-Móng Cái (được đầu tư bằng hình thức PPP) có tổng vốn đầu tư 11.195 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong tháng 4/2022.
Khi đó, Quảng Ninh sẽ trở thành tỉnh sở hữu đường cao tốc xuyên tỉnh dài nhất Việt Nam hiện nay, tạo thành tuyến cao tốc ven biển duy nhất kết nối trực tiếp, đồng bộ tới cả 3 khu kinh tế gồm khu kinh tế ven biển Quảng Yên, khu kinh tế Vân Đồn và khu kinh tế Cửa khẩu Móng Cái; đồng thời, kết nối với các tuyến cao tốc dài nhất nước ta là Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng-Móng Cái, góp phần rút ngắn thời gian di chuyển từ Thủ đô Hà Nội tới Cửa khẩu quốc tế Móng Cái chỉ còn 3 giờ so với 6 giờ trước đây.
Đặc biệt trong năm 2021, trong bối cảnh tình hình kinh tế-xã hội trong nước tiếp tục chịu nhiều tác động tiêu cực do đại dịch COVID-19, Quảng Ninh vẫn là điểm thu hút đầu tư của nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước nhờ thực hiện các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp về thủ tục cấp phép đầu tư, triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh.
Việc khởi công, khởi động 4 dự án với tổng nguồn vốn đầu tư lên đến 280.000 tỷ đồng, gồm dự án Khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh tại thị xã Quảng Yên và thành phố Hạ Long; dự án Sân golf 27 lỗ tại thị xã Đông Triều; nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh tại thành phố Cẩm Phả và dự án Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh tại thành phố Móng Cái trong thời điểm dịch, bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp tiếp tục minh chứng cho hướng đi đúng đắn của tỉnh Quảng Ninh trong thực hiện xúc tiến đầu tư, huy động nguồn lực ngoài ngân sách để tiếp tục hoàn thiện đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật hiện đại, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội bền vững.
Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội cho rằng từ khi Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo hình thức công tư được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV ngày 18/6/2020 đã tạo hành lang pháp lý vô cùng thuận lợi, lan tỏa niềm tin để các nhà đầu tư lớn mạnh dạn thực hiện các dự án mang tính đột phát, đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội bền vững.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng việc tỉnh Quảng Ninh thu hút được nguồn lực lớn đầu tư cùng lúc trong giai đoạn này khẳng định niềm tin, sự kỳ vọng của nhà đầu tư đối với môi trường đầu tư, kinh doanh của Quảng Ninh.
Quảng Ninh quyết tâm duy trì mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt khoảng 10%/năm./.