Quảng Ninh nỗ lực duy trì vị trí dẫn đầu về Chỉ số năng lực cạnh tranh

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký khẳng định Quảng Ninh xác định nâng cao năng lực cạnh tranh là mục tiêu chính trị quan trọng và đã được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV quyết nghị.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký. (Ảnh: Văn Đức/TTXVN)

Quảng Ninh là tỉnh có 5 năm liên tiếp giữ vị trí thứ Nhất về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) (từ 2017-2021) và 9 năm liền (từ 2013-2021) trong nhóm 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước.

Để tiếp tục giữ vững vị trí này, chiều 25/5, tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị thúc đẩy triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022 và phân tích chuyên sâu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của địa phương trong năm 2021; bàn phương hướng, giải pháp cải thiện bền vững chỉ số năng lực cạnh tranh năm 2022.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Ký - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh khẳng định Quảng Ninh xác định nâng cao năng lực cạnh tranh là mục tiêu chính trị quan trọng và đã được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV quyết nghị “Hằng năm, giữ vững vị trí nhóm đầu cả nước về Chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS và PAPI.”

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 05-NQ/TU ngày 09/4/2021 của Tỉnh ủy để tổ chức thực hiện bằng các biện pháp hiệu quả.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh nêu lên trăn trở về trách nhiệm của lãnh đạo một số địa phương khi có biểu hiện né tránh trách nhiệm, ngại va chạm, chưa dành sự quan tâm đúng mức để cải thiện, nâng cao năng lực cạnh tranh; cùng với đó là tư duy 5 năm liên tiếp ở trên đỉnh nên còn tâm lý chủ quan.

Theo ông Ký, nếu không có sự thay đổi, quyết tâm cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh thì nguy cơ bị "soán ngôi" có thể xảy ra.

Theo phân tích của các chuyên gia về chỉ số PCI Quốc gia, hiện nay, bên cạnh các chỉ số được chấm điểm và xếp thứ hạng ổn định, ở vị trí tốp đầu, Quảng Ninh cũng còn một số chỉ tiêu có thứ hạng thấp.

Vẫn còn tỷ lệ đáng kể doanh nghiệp không hài lòng khi thực hiện các thủ tục hành chính cấp phép kinh doanh có điều kiện, thể hiện ở một số chỉ tiêu có thứ hạng rất thấp như: Tỷ lệ doanh nghiệp phải hủy bỏ kế hoạch kinh doanh do những khó khăn gặp phải khi thực hiện thủ tục sửa đổi đăng ký doanh nghiệp đạt 11,76% đứng thứ 52/63; tỷ lệ doanh nghiệp phải hủy bỏ kế hoạch kinh doanh do những khó khăn gặp phải khi thực hiện thủ tục đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh có điều kiện đạt 25% đứng thứ 42/63; tỷ lệ doanh nghiệp chưa hài lòng với việc tiếp cận các thủ tục đất đai, thuế phí, quản lý thị trường, phòng chống cháy nổ… cao so với mức bình quân của cả nước.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI), Giám đốc Dự án PCI Quốc gia, với những hạn chế đã được chỉ ra, Quảng Ninh có thể nỗ lực cải thiện, tập trung vào lĩnh vực đất đai; thực hiện mạnh mẽ hơn nữa việc cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt ở các lĩnh vực dễ gây phiền hà cho doanh nghiệp, đồng thời cần tăng cường triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trong khuôn khổ Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã đưa ra 10 kiến nghị về tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh ở Quảng Ninh, trong đó nhấn mạnh cần lấy chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cấp huyện, sở, ngành, làm tinh thần cải cách; cải thiện chất lượng dịch vụ công; mở rộng và nâng cấp các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp.

Chia sẻ thẳng thắn về những vướng mắc mà các doanh nghiệp gặp phải, ông Phạm Văn Thể, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh mong muốn tỉnh duy trì định kỳ chương trình "Càphê doanh nhân" để các doanh nghiệp được gặp gỡ, trao đổi với lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành, qua đó kịp thời tháo gỡ những khó khăn cho các doanh nghiệp.

[Quảng Ninh giữ vững ngôi vị quán quân PCI lần thứ 5 liên tiếp]

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh đề nghị lãnh đạo các sở, ngành, địa phương không được chủ quan, tự thỏa mãn mà luôn nhận diện kịp thời những khó khăn, thách thức của địa phương, đơn vị, ngành, lĩnh vực mình và của nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân để tìm cách tháo gỡ, giải quyết theo quy định với phương châm “làm đúng, làm nhanh, làm hiệu quả,” “nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật" để người dân và doanh nghiệp được thụ hưởng thật, kiên trì thực hiện "cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh chỉ có điểm bắt đầu, không có điểm kết thúc.”

Các cơ quan được giao trọng trách đầu mối các chỉ số thành phần năng lực cạnh tranh giảm điểm và thứ hạng chưa cao cần tiếp tục nghiên cứu, phân tích thẳng thắn tìm ra nguyên nhân thực sự của việc chưa cải thiện hoặc cải thiện nhưng còn chưa tương xứng, chưa nhanh so với các tỉnh, thành phố bạn và so với yêu cầu của doanh nghiệp để xác định rõ trách nhiệm.

Năm 2022, Quảng Ninh đặt mục tiêu cải thiện tổng điểm Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh từ 73,02 lên 75,38 điểm, tăng 2,36 điểm so với năm 2021.

Đối với 10 chỉ số thành phần, tỉnh phấn đấu có 6 chỉ số trong tốp 5, gồm: Chi phí gia nhập thị trường, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, tính năng động, đào tạo lao động, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự.

Đồng thời, tỉnh ưu tiên tập trung và cải thiện vượt bậc điểm số và thứ hạng của 3 chỉ số: Tính minh bạch, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và đào tạo lao động.

Tại hội nghị, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong nâng cao chỉ số PCI của tỉnh giai đoạn 5 năm (2017-2021) và năm 2021./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục