Quảng Ninh: Nhiều giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công

Nguyên nhân tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chậm đã được các cấp, các ngành của tỉnh Quảng Ninh chỉ ra như vướng mắc về nguồn vật liệu san lấp, gia cố nền móng, giải phóng mặt bằng.
Nhà thầu thi công nút giao cầu 3 Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. (Nguồn: Cổng Thông tin Điện tử tỉnh Quảng Ninh)

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 của tỉnh là hơn 15.130 tỷ đồng.

Tính đến giữa tháng 6, tỉnh Quảng Ninh đã giải ngân được hơn 2.351 tỷ đồng, bằng 15,5% kế hoạch vốn, dự kiến giải ngân đến hết 6 tháng đầu năm 2024 đạt 30,8%, chưa đạt mục tiêu đề ra là 50% kế hoạch vốn giao đầu năm.

Có 12/23 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân thấp hơn bình quân toàn tỉnh, gồm Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông tỉnh đạt 14,5%, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh 13,7%, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 4,2%, Tòa án nhân dân tỉnh 3,7%, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh 0%, Công an tỉnh 0%, Ủy ban Nhân dân các địa phương: Quảng Yên 14,7%, Móng Cái 14,6%, Đông Triều 14,1%, Hải Hà 10,4%, Hạ Long 10,4%, Cẩm Phả 2,4%.

Nguyên nhân tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chậm đã được các cấp, các ngành chỉ ra như vướng mắc về nguồn vật liệu san lấp, gia cố nền móng, giải phóng mặt bằng.

Để khắc phục những tồn tại, khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan cần chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc, xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm cần tập trung chỉ đạo, đánh giá hiệu quả thực hiện hàng tuần/tháng/quý và cả năm 2024; đề cao trách nhiệm nêu gương, phát huy vai trò của người đứng đầu và tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân; chủ động triển khai, nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường quản lý, điều hành, đẩy nhanh tiến độ thi công, nghiệm thu khối lượng hoàn thành, giải ngân vốn đầu tư công kịp thời, hiệu quả đúng quy định.

Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 279 đoạn từ Km0+00 đến Km8+600 chưa thể thi công đồng bộ do không có mặt bằng sạch. (Nguồn: Cổng Thông tin Điện tử tỉnh Quảng Ninh)

Kết quả giải ngân của từng dự án là căn cứ để đánh giá, bình xét thi đua của đơn vị và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu và mỗi cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên.

Cùng với đó, cần nhanh chóng hoàn thành Đề án tổng thể bảo đảm nguồn vật liệu san lấp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Trong ngắn hạn, các sở, ngành, đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục để sớm cung cấp đất, đá san lấp tại các mỏ Bắc Sơn (tại thôn Tây Sơn, xã Bình Khê, thị xã Đông Triều), mỏ Trưng Vương (phường Nam Khê, thành phố Uông Bí); sớm hoàn thiện các thủ tục tại mỏ Đức Sơn (phường Yên Đức, thị xã Đông Triều) và tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các mỏ đất còn lại (mỏ đất Thủy An, thị xã Đông Triều), mỏ trúng đấu giá của Công ty trách nhiệm hữu hạn Nhân Đạt Tiến (phường Nam Khê, thành phố Uông Bí) và mỏ cát Hải Tiến (thành phố Móng Cái).

Các đơn vị nhà thầu cũng cần tranh thủ thời tiết thuận lợi để tập trung nhân lực, máy móc, thiết bị thi công triển khai các công việc trên hiện trường, đảm bảo hoàn thành đúng và vượt tiến độ các công trình, đưa vào khai thác sử dụng phát huy hiệu quả đầu tư.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các địa phương tập trung hoàn thành công tác quy hoạch, chủ động rà soát, không để xảy ra tình trạng dự án chậm triển khai do vướng mắc liên quan đến các thủ tục về quy hoạch xây dựng, đất đai; thực hiện đồng bộ các thủ tục pháp lý liên quan khi thu hồi đất, giải phóng mặt bằng giải quyết chính sách, bố trí tái định cư.

Năm 2025, tỉnh Quảng Ninh dự kiến sẽ bố trí hơn 13.400 tỷ đồng vốn đầu tư công; trong đó, vốn ngân sách Trung ương gần 558 tỷ đồng, ngân sách cấp tỉnh gần 9.836 tỷ đồng, ngân sách cấp huyện 3.025 tỷ đồng.

Riêng nguồn vốn ngân sách tỉnh dự kiến sẽ phân bổ cho: vốn hỗ trợ cho các địa phương khoảng 1.000 tỷ đồng; vốn chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế-xã hội bảo đảm quốc phòng an ninh ở các xã, thôn bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo gắn với xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025 là gần 787 tỷ đồng; vốn chuẩn bị đầu tư, thực hiện nhiệm vụ quy hoạch là 20 tỷ đồng; vốn cho các dự án hoàn thành hơn 310 tỷ đồng; vốn cho các dự án chuyển tiếp hơn 5.639 tỷ đồng; vốn cho các dự án dự kiến khởi công mới năm 2025 khoảng 2.079 tỷ đồng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục