Tỉnh Quảng Ninh đã tập trung triển khai 5 nhóm nhiệm vụ chủ yếu để tăng cường thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh, với mục tiêu thu hút hơn 1 tỷ USD vốn FDI vào khu vực này.
Năm nhóm nhiệm vụ này bao gồm tăng cường chất lượng thu hút đầu tư; nâng cao hiệu quả quản lý, xúc tiến đầu tư; bảo đảm quyền sở hữu, lợi ích gắn với trách nhiệm của nhà đầu tư; tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, quản lý của các cấp chính quyền; sự tham gia của các tổ chức chính trị, xã hội đối với đầu tư.
Nghị quyết 12-NQ/TU ngày 28/11/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã xác định rõ mục tiêu thu hút nguồn vốn FDI vào địa bàn tỉnh; trong đó đề ra mục tiêu thu hút vốn FDI vào địa bàn khu công nghiệp, khu kinh tế đạt ít nhất 1 tỷ USD vào năm 2023, ưu tiên thu hút các nhà đầu tư đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, châu Âu đảm bảo đúng định hướng phát triển kinh tế-xã hội, phù hợp với tiềm năng và lợi thế so sánh của tỉnh, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao.
Quảng Ninh xác định chủ trương thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, ưu tiên dự án có công nghệ mới, tiên tiến, quản trị hiện đại, giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu; tập trung ưu tiên phát triển các khu công nghiệp theo hướng công nghệ cao, phát triển khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp chuyên dành cho một ngành hoặc nhóm ngành, công nghiệp hỗ trợ, hình thành các chuỗi sản xuất-liên kết, ưu tiên phát triển ngành công nghiệp đón đầu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư…
Tính riêng 9 tháng năm 2023, tỉnh đã tiếp và làm việc với trên 110 lượt đoàn nhà đầu tư nước ngoài đến làm việc, nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư và mở rộng quy mô.
Cuối tháng 8 vừa qua, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Quảng Ninh đã tổ chức chương trình xúc tiến đầu tư chủ động đối với một số nhà đầu tư lớn đến từ các thị trường tiêu biểu, như: Samsung Electronics Việt Nam (Hàn Quốc), VSIP (Singapore), Unilever Việt Nam (Anh), Công ty TNHH GreatStar Industrial Việt Nam, Công ty TNHH Deli Việt Nam (Trung Quốc).
Các nhà đầu tư đều bày tỏ sự quan tâm đến công tác đảm bảo các hạ tầng thiết yếu như điện, nước, viễn thông, nguồn nhân lực chất lượng cao và đặc biệt quan tâm đến các thủ tục cải cách hành chính trong lĩnh vực đầu tư, GPMB, thủ tục Visa, chính sách thuế tối thiểu toàn cầu, việc chính quyền hỗ trợ, thúc đẩy các nhà đầu tư trong triển khai thực hiện vai trò trách nhiệm xã hội với cộng đồng (CSR).
Các nhà đầu tư FDI lớn cũng rất ấn tượng về những chuyển động tích cực của tỉnh Quảng Ninh những năm gần đây trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhiều năm liên tiếp dẫn đầu cả nước về Chỉ số PCI…
Trong 9 tháng năm 2023, tỉnh Quảng Ninh đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 19 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đạt 826,54 triệu USD. Cộng với việc điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 36 lượt dự án, nâng tổng vốn thu hút FDI trên địa bàn tỉnh đạt 853,93 triệu USD, đạt trên 71,2% kế hoạch năm.
Năm 2023, Quảng Ninh đặt mục tiêu phấn đấu thu hút hơn 1 tỷ USD vốn FDI vào các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh. Tính đến giữa tháng 9, tỉnh đã thu hút hơn 750 triệu vốn FDI, gần bằng 65% kế hoạch cả năm 2023.
Trong những tháng cuối năm, tỉnh Quảng Ninh tập trung đẩy mạnh triển khai và thực hiện đồng bộ, hiệu quả cao các giải pháp được đưa ra từ đầu năm như cải thiện môi trường đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục thu hút các dự án FDI theo hướng có chọn lọc. Trong đó, ưu tiên các dự án công nghệ cao thân thiện với môi trường, sử dụng ít tài nguyên, tạo nhiều công ăn việc làm cho lao động địa phương./.