Quảng Ninh: Nhiều giải pháp để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm 2024

Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sau bão, xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế phù hợp với tình hình mới là một số giải pháp của tỉnh Quảng Ninh nhằm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng năm nay.

Sản xuất tại Khu công nghiệp Texhong Hải Hà. (Ảnh: TTXVN phát)
Sản xuất tại Khu công nghiệp Texhong Hải Hà. (Ảnh: TTXVN phát)

Tỉnh Quảng Ninh triển khai một loạt giải pháp trong 3 tháng cuối năm, nhằm giữ vững tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2024 trên 10%, sau ảnh hưởng của bão số 3.

Bão số 3 đổ bộ, Quảng Ninh nằm trong tâm bão chịu sức tàn phá khủng khiếp, thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hầu hết các hoạt động kinh tế-xã hội của tỉnh.

Nắm bắt được những thiệt hại, khó khăn của doanh nghiệp trên địa bàn sau bão, tỉnh đã liên tiếp tổ chức các hội nghị, các buổi làm việc để lắng nghe, chia sẻ và tìm các giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp.

TTXVN_0809ThutuongQuangninh7.jpg
Nhiều cơ sở kinh doanh khu vực phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long bị ảnh hưởng nặng nề sau cơn bão số 3. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Đến thời điểm này, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã có 3 cuộc họp làm việc với Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng đề nghị chỉ đạo tháo gỡ, thực hiện tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng vay vốn chịu ảnh hưởng do bão số 3. Trong số đó, đề xuất tập trung vào việc miễn giảm lãi, khoanh, giãn, hoãn nợ, triển khai các chính sách cho vay mới bằng các gói tín dụng.

Tỉnh triển khai quyết liệt các giải pháp hỗ trợ nhân dân và doanh nghiệp khắc phục hậu quả của bão số 3; trong đó thực hiện nhanh và hiệu quả việc hỗ trợ và chi trả kịp thời chế độ cho người dân bị ảnh hưởng sau bão bảo đảm chặt chẽ, công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật.

Tỉnh phấn đấu hoàn thành việc xây mới, sửa chữa nhà ở bị thiệt hại do bão cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trong tháng 11/2024.

Tỉnh rà soát, thống kê và dự báo số hộ tái nghèo, cận nghèo để có các giải pháp, biện pháp hỗ trợ; phấn đấu đến hết năm 2025 không còn hộ nghèo theo tiêu chí của tỉnh.

Các ngành, địa phương nghiên cứu xây dựng Đề án khôi phục, tái thiết nền kinh tế sau cơn bão số 3; khẩn trương xây dựng điều chỉnh kịch bản tăng trưởng kinh tế phù hợp với tình hình mới, khôi phục mạnh mẽ các hoạt động sản xuất kinh doanh, cơ cấu lại các khu vực nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, giữ vững đà tăng trưởng kinh tế trên hai con số trong năm 2024; tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp về thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư để xúc tiến, thu hút đầu tư trên địa bàn.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách; tập trung hỗ trợ đối với từng dự án đầu tư công.

Các cấp, ngành, địa phương triển khai có hiệu quả ba đột phá chiến lược, trong đó đẩy mạnh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, bảo đảm liên thông, tổng thể, trọng tâm là các dự án chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI.

Tỉnh hoàn thành dứt điểm các dự án chậm tiến độ hoàn thành trong giai đoạn 2021-2023 trong năm 2024. Phấn đấu giữ vững vị trí nhóm đầu về Chỉ số PCI, Par Index, SIPAS cấp tỉnh; hoàn thành các mục tiêu chuyển đổi số của năm 2024.

Lãnh đạo tỉnh yêu cầu các cấp, ngành, địa phương tập trung vào khâu tổ chức thực hiện với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt; phương châm “chủ trương một, biện pháp mười, quyết tâm hai mươi”, “5 rõ” (rõ trọng tâm, trọng điểm, rõ người, rõ việc, rõ kết quả và rõ lộ trình hoàn thành).

Năm 2024, Quảng Ninh cũng đề ra mục tiêu thu ngân sách nhà nước cả năm không thấp hơn 55.600 tỷ đồng, thu hút vốn FDI cả năm đạt 03 tỷ USD, tổng khách du lịch cả năm đạt trên 19 triệu lượt khách.

TTXVN_0310 Quang Ninh tau bien.jpg
Ngày 30/9/2024, Cảng tàu du lịch quốc tế Hạ Long (Quảng Ninh) đón tàu biển mang tên Costa Serena (quốc tịch Italy) chở gần 3.000 khách du lịch quốc tế và hơn 1.000 thủy thủ đoàn. (Ảnh: TTXVN phát)

Trong 9 tháng năm 2024, tăng trưởng kinh tế GRDP của tỉnh Quảng Ninh đạt 8,02%. Mặc dù thấp hơn 2,07 điểm % so với tốc độ tăng cùng kỳ, thấp hơn 1,61 điểm % so với kịch bản tăng trưởng 9 tháng đầu năm nhưng đây là sự cố gắng nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, nhất là ảnh hưởng nặng nề bởi bão số 3.

Công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng chính, tăng 20,45%, cao hơn 4,05 điểm % so cùng kỳ. Khu vực dịch vụ ước tăng 13,55%, cao hơn 1,76 điểm % so cùng kỳ.

Tổng khách du lịch đến Quảng Ninh 9 tháng ước đạt trên 15,6 triệu lượt, tăng 20% so cùng kỳ, trong đó, khách quốc tế ước đạt 2,59 triệu lượt. Tổng thu du lịch ước đạt 36.856 tỷ đồng, tăng 39% so cùng kỳ.

Kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trong tỉnh ước đạt 2.570 triệu USD, tăng 13,8% so cùng kỳ. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 40.479 tỷ đồng bằng 73% dự toán, trong đó thu nội địa ước đạt 26.434 tỷ đồng, bằng 62% dự toán, bằng 92% so cùng kỳ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục