Quảng Ninh: Mục tiêu năm 2025 sẽ có 55% dân số mua sắm trực tuyến

Tỉnh Quảng Ninh đặt ra mục tiêu sẽ đạt doanh số giao dịch thương mại điện tử loại hình doanh nghiệp-người tiêu dùng tăng bình quân 15%/năm trong giai đoạn 2021-2025.
Quảng Ninh: Mục tiêu năm 2025 sẽ có 55% dân số mua sắm trực tuyến ảnh 1Sàn giao dịch thương mại điện tử Quảng Ninh hiện có 138 sản phẩm được niêm yết và giao dịch trực tuyến. (Nguồn: baoquangninh.com.vn)

Với mục tiêu đưa thương mại điện tử trở thành một hoạt động được ứng dụng phổ biến trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hoạt động tiêu dùng hàng ngày của người dân, góp phần nâng cao hiệu quả trong hoạt động quản lý, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng Kế hoạch phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2021-2025 với nhiều điểm nổi bật.

Tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, 50% siêu thị, trung tâm mua sắm, cơ sở phân phối hiện đại, các hộ gia đình và cá nhân sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong mua sắm, tiêu dùng.

Doanh số giao dịch thương mại điện tử loại hình doanh nghiệp-người tiêu dùng sẽ tăng bình quân 15%/năm. Đồng thời có 80% doanh nghiệp có trang thông tin điện tử, thực hiện đặt hàng hoặc nhận đơn đặt hàng thông qua các phương tiện điện tử; 90% các giao dịch mua hàng trên website/ứng dụng thương mại điện tử có hóa đơn điện tử.

Để hoàn thành mục tiêu này, thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh sẽ chú trọng phát triển và hoàn thiện hạ tầng thương mại điện tử trong hệ thống hỗ trợ giao dịch trực tuyến, tích hợp thanh toán, hóa đơn điện tử và các giải pháp xác thực thông tin giao dịch, triển khai trung tâm giải quyết tranh chấp kết hợp với thanh toán đảm bảo, hệ thống quản lý trực tuyến dịch vụ chuyển phát và hoàn tất đơn hàng.

Ngoài ra, các sản phẩm, giải pháp thương mại điện tử cũng sẽ được chú trọng để giúp các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ có thể triển khai, đặc biệt, hỗ trợ nâng cao năng lực cho doanh nghiệp xuất khẩu tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử uy tín trong và ngoài nước.

Đồng thời, tỉnh sẽ tổ chức kết nối giữa doanh nghiệp thương mại điện tử (online) với doanh nghiệp phân phối truyền thống (offline), nhà sản xuất thông qua các chương trình như phân phối thực phẩm an toàn, khuyến mại trực tuyến… nhằm tăng cường hợp tác trong cộng đồng doanh nghiệp và củng cố, nâng cao niềm tin của người tiêu dùng vào giao dịch thương mại điện tử.

[Quảng Ninh tạo đà cho phát triển kinh tế trong năm 2021]

Dự kiến mỗi năm tỉnh Quảng Ninh sẽ hỗ trợ 10 đơn vị là các doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở sản xuất được hỗ trợ xây dựng phần mềm quản lý bán hàng, quản lý doanh nghiệp, marketing, logistics, tích hợp giải pháp thẻ thanh toán thương mại điện tử trên trang website…

Đồng thời, mô hình chuỗi cung ứng thông minh, vận dụng dữ liệu lớn để dự báo thị trường cho một số mặt hàng nông sản chủ lực cũng sẽ được xây dựng.

Ngoài ra, sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Quảng Ninh (teqni.gov.vn) sẽ được nâng cấp và bổ sung nhiều tính năng mới, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp cung cấp thông tin, tạo cơ hội giao thương, thực hiện các giao dịch mua bán, thanh toán qua mạng Internet. Phấn đấu giai đoạn 2021-2025 sẽ có 350-400 doanh nghiệp tham gia Sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh.

Bên cạnh đó, sẽ có nhiều sự kiện về xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm qua môi trường internet được tỉnh tổ chức như tuần bán hàng trực tuyến, Phiên chợ trực tuyến… nhằm đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử trong cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Không những thế, tỉnh Quảng Ninh sẽ phối hợp với Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương trong việc kết nối Sàn giao dịch Thương mại điện tử của tỉnh Quảng Ninh với các Sàn Thương mại điện tử của các tỉnh, thành trong cả nước, đồng thời kết nối các chương trình hợp tác quốc tế về lĩnh vực thương mại điện tử.

Đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh sẽ tập trung thông tin tuyên truyền về thương mại điện tử, thông tin về chính sách, cơ hội xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch đặc biệt là tiềm năng xuất khẩu của địa phương và danh sách các doanh nghiệp xuất khẩu thông qua trang thông tin điện tử thành phần Sở Công Thương và trang tin Sàn giao dịch thương mại điện tử Quảng Ninh.

Thêm vào đó, tỉnh sẽ phát triển nguồn nhân lực, nâng cao hiệu quả và năng lực quản lý nhà nước về thương mại điện tử, đẩy mạnh cung cấp trực tuyến các dịch vụ công liên quan tới hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các thủ tục hành chính công. Triển khai các ứng dụng, sử dụng giải pháp phần mềm quản lý trực tuyến đối với các hoạt động quản lý nhà nước về thương mại điện tử.

Quảng Ninh: Mục tiêu năm 2025 sẽ có 55% dân số mua sắm trực tuyến ảnh 2Người tiêu dùng có thể tham khảo, lựa chọn sản phẩm OCOP Quảng Ninh chỉ qua một vài thao tác đơn giản trên sàn giao dịch thương mại điện tử Quảng Ninh. (Nguồn: baoquangninh.com.vn)

Quảng Ninh là một trong số các địa phương tiên phong xây dựng sàn giao dịch thương mại điện tử. Từ năm 2016 đến nay, sàn giao dịch thương mại điện tử không ngừng được nâng cấp, hoàn thiện, tiệm cận với các sàn giao dịch hiện đại, đáp ứng được nhu cầu truy cập và đặt hàng của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Hiện sàn giao dịch thương mại điện tử Quảng Ninh www:http//teqni.gov.vn (chủ quản là Trung tâm Xúc tiến thương mại và Phát triển công thương) đang niêm yết khoảng 300 sản phẩm OCOP của tỉnh và đạt hàng nghìn lượt truy cập/ngày.

Sàn đã ký kết với các đối tác phân phối chuyên nghiệp, như Giao hàng nhanh - GHN Express, giao hàng Vietel, VNPT...

Để tăng cường quảng bá và tiêu thụ sản phẩm OCOP, từ tháng 4/2019, sàn đã thiết lập liên kết trên các sàn giao dịch điện tử lớn, có tiếng như Lazada, Shopee, Fado, Tiki... 

Ngoài website:http//teqni.gov.vn , Trung tâm cũng đang quản lý 2 trang thông tin, giới thiệu các sản phẩm OCOP đặc trưng của tỉnh là: http//qnitrade.gov.vn và http//thuonghieuquangninh.gov.vn. 

Theo thống kê của Trung tâm Xúc tiến thương mại và Phát triển công thương, 10 tháng năm 2020, truy cập của cả 3 website đạt gần 860.000 lượt, tăng khoảng 10% so với cùng kỳ. 

Đặc biệt, số lượt đơn đặt hàng trên website: teqni.gov.vn tới nay đạt trên 2.500 đơn, doanh thu đạt trên 1,2 tỷ đồng. Nhiều sản phẩm có số lượng bán hàng cao như sá sùng, ruốc hàu, ruốc trai, nước mắm, chả mực...

Ông Nguyễn Kiên, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Phát triển công thương Quảng Ninh, cho biết hiện nay nhiều đặc sản của Quảng Ninh đã lên sàn thương mại điện tử, tạo kênh mua sắm mọi lúc, mọi nơi cho người tiêu dùng.

Chính vì vậy, việc quản lý và đầu tư nâng cấp giao diện, quy mô và liên kết bán hàng với các đơn vị lớn, các thị trường tiềm năng luôn được Trung tâm chú trọng và đổi mới từng ngày./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục