Dịp Hè năm nay, Cô Tô đang trở thành một trong những địa điểm du lịch biển đảo thu hút đông du khách của tỉnh Quảng Ninh.
Trung bình mỗi ngày địa phương đón hơn 2.000 khách du lịch đến tham quan, du lịch, ngày cao điểm có thể lên tới trên 5.000 khách, bằng dân số toàn huyện.
Bảy tháng đầu năm 2023, huyện Cô Tô (Quảng Ninh) đã đón khoảng 230.000 lượt khách, gấp 1,6 lần so với năm 2022, đạt 92% chỉ tiêu cả năm 2023. Doanh thu ước đạt trên 575 tỷ đồng.
Có được kết quả khả quan này là do từ đầu năm đến nay, bên cạnh các sản phẩm du lịch truyền thống như tắm biển, khám phá ẩm thực, tham quan các điểm du lịch nổi tiếng, mùa du lịch năm nay, Cô Tô đưa vào 2 sản phẩm du lịch mới độc đáo, gây ấn tượng với du khách là sản phẩm lặn biển thể thao giải trí và tham quan tuyến đảo Cô Tô lớn-đảo Thanh Lân-đảo Cô Tô con-đảo Cá Chép.
Đã có gần 40.000 lượt khách sử dụng các sản phẩm du lịch này và đánh giá tốt chất lượng dịch vụ. Sau khi trải nghiệm, các du khách đã chia sẻ hình ảnh và thông tin trên các nền tảng mạng xã hội, tạo sức lan tỏa rộng rãi, từ đó, thu hút ngày càng đông du khách đến Cô Tô.
[Quảng Ninh: Thành phố Móng Cái tấp nập khách du lịch dịp cuối tuần]
Từ ngày 9/7/2023, tuyến bay Hạ Long-Cô Tô bằng thủy phi cơ do Công ty Cổ phần Hàng không Hải Âu (thuộc Tập đoàn Thiên Minh) chính thức được đưa vào khai thác.
Với hành trình chỉ khoảng 35 phút, du khách vừa có thể tiết kiệm thời gian so với các phương tiện thông thường khác, vừa có cơ hội chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của các địa danh trên Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long.
Cùng với “hiệu ứng” của các sản phẩm du lịch mới, huyện Cô Tô đã tập trung nguồn lực, tổ chức sớm các chương trình hoạt động chào đón Khai mạc du lịch hè năm 2023, chỉ đạo các khách sạn, nhà hàng chủ động chuẩn bị các điều kiện cần và đủ, nâng cao chất lượng dịch vụ, sẵn sàng tiếp đón và phục vụ khách du lịch.
Các đơn vị cũng đã thực hiện công tác chỉnh trang, nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, hạ tầng, các dịch vụ du lịch, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu của khách du lịch. Đồng thời, xây dựng văn hóa, văn minh trong kinh doanh, nâng cao chất lượng phục vụ, bán hàng đúng giá niêm yết, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh du lịch.
Nhờ đó, thời gian lưu trú của du khách đến huyện đảo Cô Tô cũng tăng lên. Nếu năm 2018, khách đến Cô Tô chỉ lưu trú 1,6 đêm/khách thì đến nay, thời gian lưu trú đã kéo dài lên gần 2 đêm/khách.
Qua đó, đưa khu vực thương mại, dịch vụ tăng trưởng cao, chiếm 67,1% cơ cấu kinh tế của huyện. Đồng thời, tạo được trên 1.650 việc làm ổn định với mức thu nhập từ 8-20 triệu đồng/người/tháng cho người dân địa phương.
Theo ông Nguyễn Hải Linh, Trưởng Phòng Văn hóa-Thông tin H-TT huyện Cô Tô, để du lịch địa phương phát triển đúng hướng và thu hút thêm được các doanh nghiệp tiềm lực đầu tư ở lĩnh vực này, trong thời gian tới, huyện Cô Tô sẽ tập trung mọi nguồn lực để phát triển ngành du lịch theo hướng du lịch xanh, bền vững; giảm dần rác thải nhựa; phát triển chú trọng đến cảnh quan môi trường; gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, đa dạng sinh học biển; giảm thiểu thiên tai, phòng chống biến đổi khí hậu; giữ vững an ninh chủ quyền biên giới quốc gia; bảo đảm an sinh và trật tự an toàn xã hội.
Bên cạnh đó, huyện khuyến khích, thu hút các nguồn lực để đầu tư phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch dựa trên đặc điểm địa hình, thiên nhiên, sinh vật phong phú để tạo ra sự khác biệt của Cô Tô. Chú trọng đến chất lượng, chiều sâu để nâng cao khả năng cạnh tranh; tăng cường quảng bá, xúc tiến, phát triển sản phẩm thu hút khách vào dịp thấp điểm, mùa thu và mùa đông.
Trước mắt, huyện sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng bãi tắm Hồng Vàn đạt tiêu chuẩn; kêu gọi đầu tư cải thiện hạ tầng giao thông, hệ thống cảng, bến thủy nội địa, bãi tắm; phát triển thương hiệu, sản phẩm du lịch đặc sắc của biển đảo; huy động nguồn lực xúc tiến, quảng bá để thu hút du khách đến đảo Thanh Lân.
Đồng thời, hỗ trợ, hướng dẫn xây dựng các sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch xanh (như khách sạn tiêu chí xanh...) gắn với “Đề án huyện Cô Tô nói không với rác thải nhựa.”
Huyện tăng cường mở các lớp bồi dưỡng, kỹ năng nghiệp vụ, đặc biệt là ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động du lịch. Qua đó, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của huyện đảo./.