Quảng Ninh lập các chốt liên huyện kiểm soát dịch tả lợn châu Phi

Trước tình hình cấp bách, các địa phương trong tỉnh đã chủ động lập các chốt, trạm kiểm dịch hoạt động 24/24 giờ không chỉ tại các tuyến quốc lộ mà cả các đường liên huyện, liên tỉnh để ngăn dịch.
Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh tổ chức tiêu hủy chôn lấp toàn bộ đàn lợn bị nhiễm dịch tả châu Phi. (Ảnh: Văn Đức/TTXVN)
Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh tổ chức tiêu hủy chôn lấp toàn bộ đàn lợn bị nhiễm dịch tả châu Phi. (Ảnh: Văn Đức/TTXVN)

Chỉ trong vòng 4 ngày, tỉnh Quảng Ninh liên tiếp xuất hiện 3 ổ dịch tả lợn châu Phi ở 2 địa phương cách nhau khoảng 200km. Như vậy, dấu hiệu dịch tả lợn châu Phi đang có nguy cơ lan rộng trên địa bàn Quảng Ninh là hiện hữu.

Trước tình hình cấp bách, các địa phương trong tỉnh đã chủ động lập các chốt, trạm kiểm dịch hoạt động 24/24 giờ không chỉ tại các tuyến quốc lộ mà cả các đường liên huyện, liên tỉnh để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan thông qua vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn giữa các địa phương trong tỉnh.

Đến nay, toàn tỉnh đã lập 13 chốt kiểm dịch, gồm 5 chốt (lập theo quyết định của Ủy ban Nhân dân tỉnh) trên các tuyến quốc lộ, tiếp giáp với các tỉnh thành lân cận là chốt cầu Đá Bạc (thành phố Uông Bí) và chốt kiểm soát liên ngành tại Trạm thu phí cầu Bạch Đằng (thị xã Quảng Yên) tiếp giáp Hải Phòng, chốt kiểm soát tại cầu Vàng trên Quốc lộ 18A, chốt kiểm soát tại cầu Đá Vách trên tỉnh lộ 188 đều thuộc thị xã Đông Triều, chốt kiểm soát tại xã Tân Dân (huyện Hoành Bồ) trên Quốc lộ 279.

[Quảng Ninh: Khẩn trương dập ổ dịch tả lợn đầu tiên ở Đông Triều]

Ngoài ra, 8 chốt khác (do chính quyền cấp huyện lập), gồm: 4 chốt tại thị xã Đông Triều (bến đò Đông Mai, xã Nguyễn Huệ; bến phà Triều, tỉnh lộ 332, xã Hồng Phong; bến phà Đụn, tỉnh lộ 333, xã Yên Đức; tỉnh lộ 345, xã An Sinh); 3 chốt tại thành phố Uông Bí (chốt liên huyện Uông Bí-Đông Triều tại xã Phương Nam, chốt tại đường đê Hang Son, phường Phương Nam, chốt tại Trạm khe Trâm, xã Thượng Yên Công) và 1 chốt liên huyện Hoành Bồ tại xã Bằng Cả.

Tính đến 16 giờ ngày 11/3, các chốt kiểm dịch đã kiểm soát được 235 phương tiện, vận chuyển 6.235 con lợn; số xe không đầy đủ giấy tờ, phun tiêu độc khử trùng, yêu cầu chủ hàng cho xe quay đầu về nơi xuất phát là 11 xe (vận chuyển 342 con lợn).

Đến ngày 12/3, với 3 ổ dịch hiện có, Quảng Ninh đã tiến hành chôn hủy 106 con lợn bị bệnh với trọng lượng hơn 2.800kg ở 2 địa phương là Đông Triều (2 ổ dịch ở xã Yên Đức và Bình Dương) và Hải Hà (1 ổ dịch ở xã Quảng Thịnh). Ở các huyện, thị xã, thành phố còn lại, tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm đã ổn định. Một vài đàn lợn có báo cáo ốm, nghi bệnh; tuy nhiên kết quả xét nghiệm âm tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Theo nhận định của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Ninh, nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi bùng phát rộng trên địa bàn tỉnh thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ lợn bệnh, sản phẩm của lợn bệnh, lợn nhập lậu… (kể cả các sản phẩm thịt lợn đã qua chế biến chín), các hoạt động thương mại, du lịch của nhân dân các nước, các tỉnh đã và đang có dịch bệnh hoặc có thể thông qua vật chủ trung gian như chim trời tiếp xúc với lợn chết, có mầm bệnh được mang từ nơi này, nơi khác là rất cao. Sự chủ quan lơ là, ỷ lại của người chăn nuôi, chưa tích cực thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để bảo vệ đàn lợn.

Quảng Ninh đã thành lập đội phản ứng nhanh hỗ trợ các địa phương xử lý ổ dịch, thành lập đoàn kiểm tra đôn đốc các địa phương thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, thông báo đường dây nóng báo cáo dịch bệnh và tổ chức hội nghị tập huấn cho cán bộ các phòng nông nghiệp ở các địa phương và cho các hộ chăn nuôi, hộ kinh doanh giết mổ, các cơ sở sản xuất giống...

Quảng Ninh đã bố trí ngân sách tỉnh 10,5 tỷ đồng và ngoài ra các địa phương cấp huyện chủ động bố trí bổ sung kinh phí để triển khai việc phòng chống dịch tả lợn châu Phi. Các địa phương đã chủ động kinh phí in tờ rơi phát cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn, tổng số 14.000 tờ. Một số địa phương như Quảng Yên, Uông Bí, Hải Hà đã triển khai ký cam kết đến các hộ chăn nuôi, giết mổ, kinh doanh trên địa bàn.

Các địa phương đã cấp phát 72.000 kg vôi bột và 7,089 lít hóa chất khử trùng tiêu độc chuồng trại phục vụ phòng chống dịch.

Ngoài ra, Quảng Ninh cũng thực hiện tốt việc hỗ trợ phòng chống dịch theo quy định hiện hành của Nhà nước đối với các hộ nông dân, chủ trang trại, gia trại, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất trong lĩnh vực chăn nuôi có lợn mắc bệnh dịch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục