Theo thông tin từ Công an tỉnh Quảng Ninh, năm 2023 toàn tỉnh xảy ra 71 vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh, sinh viên, làm 27 người chết, 98 người bị thương.
Riêng quý 1 năm nay, toàn tỉnh xảy ra 31 vụ liên quan đến thanh, thiếu niên, học sinh, làm chết 10 người, bị thương 39 người; trong đó 7 vụ liên quan đến học sinh (dưới 18 tuổi).
Hậu quả đau lòng
Phòng Cảnh sát Giao thông thuộc Công an tỉnh Quảng Ninh thông tin trong các vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh, có đến trên 71% số vụ liên quan đến học sinh điều khiển phương tiện môtô có dung tích xilanh trên 50 phân khối (chưa đủ tuổi, chưa đủ điều kiện).
Mới đây nhất, chiều 28/3 vừa qua, trên tuyến đường nội thị tại phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long một nam sinh lớp 8 (trú tại phường Hà Khẩu) điều khiển xe máy đến khúc cua đã tự ngã xuống đường và tử vong tại chỗ.
Vụ việc thương tâm khiến dư luận quan tâm bởi em mới chỉ học lớp 8 nhưng đã được giao xe máy để điểu khiển, tham gia giao thông. Camera an ninh của nhà dân xung quanh khu vực cho thấy nam sinh điều khiển phương tiện với tốc độ khá nhanh, dẫn đến hậu quả đau lòng.
Lực lượng chức năng sẽ điều tra làm rõ và triệu tập người giao xe môtô cho người chưa đủ 18 tuổi để xử lý theo quy định của pháp luật.
Trong năm 2023, thông qua công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm và thực hiện việc huy động lực lượng, các đơn vị nghiệp vụ thành lập các tổ công tác đặc biệt tại các địa bàn trọng điểm nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và đảm bảo trật tự an toàn giao thông (gọi tắt là Phương án 12), lực lượng Cảnh sát Giao thông toàn tỉnh đã phát hiện, xử lý 3.978 trường hợp học sinh, sinh viên vi phạm (trong đó có 1.188 trường hợp học sinh).
Các lực lượng chức năng của Công an tỉnh đã lập danh sách 396 trường hợp học sinh, sinh viên vi phạm trật tự an toàn giao thông gửi về Sở Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục có học sinh vi phạm để quản lý, giám sát, xử lý. Thực trạng đáng báo động là lực lượng Cảnh sát Giao thông phát hiện một số trường hợp học sinh lắp biển số giả vào xe môtô để lưu thông.
Giải pháp ngăn chặn
Theo thống kê, số vụ tai nạn giao thông do học sinh, sinh viên điều khiển phương tiện tham gia giao thông đang có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là các vụ giao xe môtô cho học sinh chưa đủ tuổi lưu thông gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Anh Nguyễn Công Phương (43 tuổi), người dân ở phường Hồng Hà, thành phố Hạ Long, cho biết anh nhiều lần bắt gặp các em học sinh mặc áo đồng phục cấp 2, cấp 3 điều khiển xe môtô phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, chở quá số người. Nguy hiểm hơn là, các em không đội mũ bảo hiểm, thậm chí còn cố ý "đánh võng" trước đầu xe khác, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn rất cao. Anh Phương mong muốn lực lượng chức năng, gia đình, nhà trường và cộng đồng xã hội có biện pháp giáo dục cứng rắn cho các em để không gây hậu quả đáng tiếc.
Thời gian qua, lực lượng Cảnh sát Giao thông phối hợp với các nhà trường tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, giáo dục phổ biến quy tắc tham gia giao thông an toàn, tuy nhiên đâu đó vẫn còn những trường hợp học sinh, sinh viên bất chấp quy định, mặt khác cũng có sự tiếp tay từ phụ huynh, người thân giao xe cho con em mình khi chưa đủ điều kiện điều khiển.
Đại tá Nguyễn Thuận, Phó Giám đốc Công an tỉnh, nhận định để xây dựng văn hóa giao thông văn minh, trước tiên việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ phải bắt đầu từ chính mỗi thành viên trong gia đình.
Cùng với sự vào cuộc của lực lượng Công an, ngành Giáo dục, còn cần sự chung tay của toàn xã hội, đặc biệt là các tổ chức đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc các cấp, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ để tăng cường giám sát hoạt động thực thi Luật Giao thông đường bộ từ cộng đồng; nâng cao hơn nữa hiệu quả tuyên truyền giáo dục ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông của từng người dân. Đặc biệt, trong tháng Tư này, đơn vị sẽ tổng rà soát các cơ sở mua bán, sửa chữa, "độ chế" xe máy, các cơ sở trông giữ xe trên địa bàn tỉnh.
Về vấn đề này, ngành Giáo dục tỉnh Quảng Ninh cũng yêu cầu các trường học có giải pháp để việc ký cam kết chấp hành Luật Giao thông đường bộ giữa nhà trường và phụ huynh đi vào thực chất, hiệu quả; rà soát không để tái diễn tình trạng học sinh điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi chưa đủ tuổi, đủ điều kiện.
Các nhà trường tiếp tục phối hợp hiệu quả với lực lượng Cảnh sát Giao thông có biện pháp ngăn chặn việc học sinh gửi xe môtô dung tích xilanh trên 50 phân khối ngoài trường học, xử lý nghiêm các hành vi tiếp tay cho học sinh vi phạm; tiếp tục nhân rộng các mô hình bảo đảm an toàn giao thông trường học./.
Tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh
Theo Chỉ thị mới ban hành của Thủ tướng, sẽ xử lý người đứng đầu chính quyền địa phương nếu để tình hình trật tự và an toàn giao thông liên quan đến lứa tuổi học sinh diễn ra phức tạp.