Quảng Ninh không chấp thuận dự án nhà máy hóa chất ở gần vịnh Hạ Long

Quảng Ninh không chấp thuận chủ trương thu hút Dự án đầu tư xây dựng công trình nhà máy sản xuất xút 20.000 tấn/năm và các sản phẩm khác tại Khu công nghiệp Việt Hưng, thành phố Hạ Long.
(Ảnh minh họa: Quang Quyết/TTXVN)

Ngày 22/5, Ban Quản lý Khu kinh tế (Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh) đã chính thức có văn bản công bố không chấp thuận chủ trương thu hút Dự án đầu tư xây dựng công trình nhà máy sản xuất xút 20.000 tấn/năm và các sản phẩm khác (chất trợ lắng PAC và chất tẩy rửa javen) tại Khu công nghiệp Việt Hưng, thành phố Hạ Long theo hồ sơ đề nghị của Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất và kinh doanh thương mại Tân Tiến.

Theo văn bản được công bố, trường hợp Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất và kinh doanh thương mại Tân Tiến (có trụ sở ở phường Thượng Thanh, quận Long Biên, Hà Nội) có nhu cầu tiếp tục đầu tư dự án nêu trên tại địa bàn tỉnh Quảng Ninh, Ban Quản lý Khu kinh tế sẽ hướng dẫn thủ tục đầu tư dự án tại địa điểm khác.

Dự án sản xuất hóa chất độc hại kể trên đã gây tâm lý quan ngại cho người dân Hạ Long bởi vị trí của dự án này nằm ngay gần sông Cửa Lục, con sông đổ thẳng ra Di sản - kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.

Trước đó, năm 2015, Công ty Tân Tiến lập hồ sơ đề xuất mở rộng Dự án xưởng sản xuất hóa chất và chế biến bột than tại lô đất M1-2 (đang hoạt động tại Khu công nghiệp Việt Hưng từ năm 2013) với phần mở rộng là xây dựng Nhà máy sản xuất xút 20 ngàn tấn/năm và các thương phẩm khác tại vị trí lô đất M3 Khu Công nghiệp Việt Hưng (rộng 3ha).

Ngày 4/5/2016, Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh lần hai; trong đó, quy mô dự án được điều chỉnh thành phèn lọc nước 982 tấn/năm, xút 20 ngàn tấn/năm; axit clohydric (HCL) 30% công suất 44,9 ngàn tấn/năm; Clo lỏng 2,4 ngàn tấn/năm và javen 3,6 ngàn tấn/năm.

Ngày 20/3/2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án, trong đó có khuyến cáo ảnh hưởng trong trường hợp có sự cố rò rỉ hóa chất Clo ra môi trường.

Trên cơ sở khảo sát thực tế một số dự án sản xuất hóa chất, Ban Quản lý Khu kinh tế đã làm việc với Công ty Tân Tiến để trao đổi về những nguy cơ ô nhiễm môi trường của dự án.

Sau buổi làm việc, hai bên đã ký biên bản về việc xin thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh lần hai đã cấp trước đó để xin cấp lại dự án mới.

Sau đó, Công ty Tân Tiến lập hồ sơ đăng ký đầu tư với dự án mới nhà máy sản xuất xút 20 ngàn tấn/năm và các sản phẩm xử lý nước với mục tiêu chế biến xút 20 ngàn tấn/năm, chất trợ lắng PAC dạng bột 20 ngàn tấn/năm và javen 3,6 ngàn tấn/năm (không sản xuất clo lỏng và axit clohydric thương phẩm).

Sau khi nhận được hồ sơ, Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh đã chủ động chủ trì cuộc họp làm việc với nhà đầu tư, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, các chuyên gia, nhà khoa học và đại diện các sở, ngành của tỉnh Quảng Ninh để xem xét, đánh giá các nội dung đề xuất của dự án trên cơ sở không xung đột lợi ích với các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội khác của cộng đồng dân cư khu vực xung quanh dự án, đảm bảo tuân thủ định hướng phát triển của Quảng Ninh là tăng trưởng bền vững, gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, Dự án trên đã vấp phải sự phản đối của giới kinh doanh du lịch cũng như các chuyên gia về công tác quy hoạch, xây dựng, môi trường bởi lo ngại nguy cơ xảy ra sự cố về môi trường sẽ ảnh hưởng xấu trực tiếp đến vịnh Hạ Long và gây thiệt hại lớn cho ngành du lịch, dịch vụ của Quảng Ninh.

Ông Trần Đông A, từng là chuyên viên cao cấp về công tác quy hoạch, xây dựng và môi trường của tỉnh Quảng Ninh, hiện trú ở Tổ 5, khu 5, phường Hồng Hải (thành phố Hạ Long) nhận định việc từ chối dự án trên của cơ quan quản lý nhà nước là đúng đắn, phù hợp với chủ trương phát bảo vệ môi trường để phát triển bền vững./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục