Quảng Ninh sẽ xây đặc khu kinh tế Vân Đồn

Quảng Ninh hướng tới xây dựng đặc khu kinh tế Vân Đồn

Tỉnh Quảng Ninh hy vọng sớm hoàn chỉnh đề án xây dựng đặc khu kinh tế Vân Đồn mà tỉnh đang theo đuổi để sớm trình lên Trung ương.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong một chuyến thăm và khảo sát thực địa Khu hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Trong các ngày 19-21/3 tới đây, tỉnh Quảng Ninh sẽ tổ chức cuộc hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Phát triển đặc khu kinh tế - Kinh nghiệm và cơ hội.”

Tỉnh Quảng Ninh hy vọng thông qua hội thảo sẽ được lĩnh hội những kinh nghiệm thực tiễn, củng cố cơ sở lý luận từ các đặc khu kinh tế trên thế giới để sớm hoàn chỉnh đề án xây dựng đặc khu kinh tế Vân Đồn mà tỉnh đang theo đuổi để sớm trình lên Trung ương.

Tiềm năng Vân Đồn

Khu kinh tế Vân Đồn là một trong 14 khu kinh tế ven biển của cả nước, có tổng diện tích trên 2.200km2, trong đó vùng biển rộng hơn 1.600km2, gồm 600 hòn đảo lớn nhỏ nằm trong vịnh Bái Tử Long.

Từ năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thành lập Khu kinh tế Vân Đồn với mục tiêu đưa khu vực này trở thành trung tâm du lịch sinh thái biển đảo chất lượng cao và dịch vụ cao cấp, đồng thời là trung tâm hàng không, đầu mối giao thương quốc tế.

Tại hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2012, Quảng Ninh đã đưa ra danh mục ưu tiên đầu tư ở khu vực này, trong đó tập trung vào các lĩnh vực như du lịch và dịch vụ giải trí; thương mại đầu mối; sân bay; casino.

Tỉnh cam kết thực thi cải cách hành chính, công khai danh mục dự án thu hút đầu tư, có cơ chế ưu đãi đầu tư đối với từng dự án và hoàn thiện cơ sở hạ tầng đến chân công trình.

Những năm gần đây, Khu kinh tế Vân Đồn có bước phát triển khá toàn diện và hiện đang có 79 dự án đầu tư với tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt 9.800 tỷ đồng cùng với hơn 160 doanh nghiệp với số vốn đăng ký hơn 1.360 tỷ đồng đang hoạt động tại khu kinh tế này.

Vân Đồn hiện đang được triển khai nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết chín phân khu chức năng và đến nay đã hoàn thành công tác khảo sát phục vụ lập quy hoạch phân khu của bốn khu chức năng quan trọng là Khu đô thị Cái Rồng 2.200ha; Khu đô thị Đoàn Kết 4.400ha; Khu công viên phức hợp phía Đông đảo Cái Bầu 2.000ha; Khu đô thị và cảng phía Bắc đảo Cái Bầu 2.000ha.

Mới đây, tỉnh Quảng Ninh đã lập đề án xây dựng Đặc khu hành chính-kinh tế Vân Đồn để trình Trung ương xem xét nhằm tiến hành thí điểm.

Hội thảo quốc tế chuyên đề về đặc khu kinh tế lần này sẽ là cơ hội để Quảng Ninh lắng nghe các ý kiến của các học giả, những người có kinh nghiệm về phát triển đặc khu trong nước và trên thế giới.

Ông Vũ Ngọc Giao, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho biết Quảng Ninh có thuận lợi lớn để xây dựng đặc khu hành chính-kinh tế Vân Đồn. Đó là sự tạo điều kiện của trung ương, sự quyết tâm vào cuộc của tỉnh và sự đồng thuận của nhân dân trong việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế theo hướng “một tâm, hai tuyến, đa chiều - hai mũi đột phá.”

Mặt khác, Vân Đồn là địa phương được thiên nhiên ưu đãi, có nguồn tài nguyên thủy hải sản phong phú, lại nằm ở vị trí địa lý tương đối giống Thâm Quyến khi bắt đầu thành lập đặc khu.

Nằm giữa hai trung tâm kinh tế lớn của tỉnh là Hạ Long và Móng Cái, giáp với Trung Quốc, thị trường này có hàng tỷ dân và từ Vân Đồn có thể tiếp cận 1/4 thế giới sau khoảng 4 giờ bay. Vì thế, việc xây dựng đặc khu kinh tế ở Vân Đồn là hoàn toàn có thế.

Xây dựng đặc khu kinh tế Vân Đồn, Quảng Ninh hy vọng sẽ tạo bước đột phá trong việc thu hút được các nhà đầu tư trong và ngoài nước mà không phải trông chờ vào nguồn ngân sách nhà nước.

Các nội dung chính của hội thảo sẽ tập trung trao đổi và thảo luận về kinh nghiệm của quốc tế đối với phát triển các đặc khu kinh tế, khu kinh tế tự do, trong đó trọng tâm là thể chế, cơ chế chính sách (đất đai, tài chính, ngân hàng, thuế, nhân lực...); nền hành chính (tổ chức bộ máy, thủ tục hành chính...); lợi ích và những khó khăn, thách thức; chiến lược phát triển ngành nghề; thu hút nguồn lực đầu tư; giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ.

Chuẩn bị cho đặc khu

Để chuẩn bị xây dựng đặc khu hành chính kinh tế Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh đã đẩy mạnh việc lập quy hoạch khu vực này, trong đó chú trọng việc việc dành quỹ đất để xây dựng sân bay, trung tâm vui chơi giải trí phức hợp (casino, khách sạn 5 sao, khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi).

Tỉnh cũng chú trọng việc thu hút và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và năm nay, Quảng Ninh dự kiến dành khoảng 70 tỷ đồng cho công tác này.

Ngoài ra, Quảng Ninh đã cử các lãnh đạo, quản lý của mình đi học về cách quản lý tại nước ngoài. Đồng thời, tạo điều kiện để thanh niên của tỉnh được đi học thạc sỹ, tiến sỹ ở nước ngoài hy vọng trong vòng 10-15 năm sau có lớp kế cận đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và của tỉnh.

Tuy nhiên, việc xây dựng đặc khu hành chính-kinh tế ở Vân Đồn (và Móng Cái) đã được nhiều lãnh đạo Trung ương đưa ra cảnh báo.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung đã từng đặt vấn đề cần phải đưa ra bài toán kinh tế đầu ra của các khu ra sao sau 5-10 năm. Nếu dự án này trông chờ quá nhiều vào ngân sách nhà nước thì rất khó khăn, bởi trong trung hạn và dài hạn, ngân sách nhà nước là khó khăn.

Nguyên thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Cao Viết Sinh cũng đề cập, việc huy động vốn lớn như trên liệu có đem lại lợi thế cạnh tranh so với các khu kinh tế ở quốc tế không và khi xây dựng các khu kinh tế, hành chính rồi thì ai sẽ đầu tư vào đây.

Nhiều lãnh đạo các bộ, ngành trung ương cũng lưu ý, dự án thí điểm xây dựng khu hành chính, kinh tế đặc biệt, tự do ở Vân Đồn, Móng Cái cần đưa ra đánh giá tác động rủi ro của dự án; cần có nghiên cứu đánh giá sự tác động biến đổi thị trường thế giới, tác động của yếu tố bên ngoài đến đề án.

Song, tỉnh Quảng Ninh vẫn được các bộ, ngành trung ương đánh giá cao về tư duy sáng tạo, năng động của đề án xây dựng đặc khu hành chính-kinh tế Vân Đồn./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục