Quảng Ninh: Hỗ trợ tiêu thụ gỗ rừng bị đổ gãy do ảnh hưởng bão

Đối với doanh nghiệp, đơn vị thu mua, chế biến lâm sản, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu cần thống nhất mức giá, thực hiện công khai trên toàn tỉnh; có giải pháp xử lý, tiêu thụ gỗ rừng bị đổ gãy do bão.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tường Huy chủ trì cuộc họp. (Nguồn: báo Quảng Ninh)
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tường Huy chủ trì cuộc họp. (Nguồn: báo Quảng Ninh)

Ngày 19/9, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã họp bàn giải pháp hỗ trợ tiêu thụ gỗ rừng bị gãy đổ do bão số 3 (bão Yagi) và khắc phục thiệt hại về lâm nghiệp.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Tường Huy chia sẻ với những khó khăn của các cấp chính quyền, doanh nghiệp và người dân trồng rừng trên địa bàn chịu ảnh hưởng bởi bão số 3.

Để người dân trồng rừng sớm ổn định cuộc sống, doanh nghiệp tái khởi động sản xuất, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu các địa phương thực hiện ngay các chính sách hỗ trợ, khắc phục bước đầu theo các quy định của Chính phủ và tỉnh; đồng thời, làm việc với các lực lượng như Công an, Quân sự, kiểm lâm, tăng cường nhân lực để phối hợp, hỗ trợ xử lý thu gom cho các hộ trồng rừng, nhất là các hộ ở vùng sâu, vùng xa.

Các địa phương bố trí các bãi tạm chứa để nhân dân tập kết gỗ khi khai thác mà chưa vận chuyển, tiêu thụ được; rà soát, kiểm soát các tuyến đường có nguy cơ sạt lở để có biện pháp xử lý kịp thời, đảm bảo an toàn trong khai thác; cũng như, tăng cường giám sát, phòng cháy chữa cháy rừng trong điều kiện cây rừng gãy đổ, đang khô héo do thiếu nước.

Đối với các doanh nghiệp, đơn vị thu mua, chế biến lâm sản, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu cần thống nhất mức giá, thực hiện công khai trên toàn tỉnh; có biện pháp, giải pháp xử lý, tiêu thụ, thu gom các cây chưa đủ tuổi khai thác với tinh thần chung tay chia sẻ rủi ro, "lá lành đùm lá rách," "là rách ít đùm lá rách nhiều," hỗ trợ tối đa cho người dân.

Tỉnh Quảng Ninh có trên 434.000ha rừng và đất lâm nghiệp, chiếm đến 70% tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh, độ che phủ đạt gần 55%. Cơn bão số 3 có sức tàn phá lớn, với cường độ rất mạnh đã khiến gần 117.312ha rừng trong tỉnh bị hư hỏng. Thiệt hại do cây gãy đổ, ước tính tổng giá trị thiệt hại trên 5.000 tỷ đồng, chủ yếu ở rừng sản xuất.

Hiện việc khắc phục sau bão rất khó khăn, nhất là việc thu gom cây rừng gãy đổ do thiếu nhân lực, cung đường vận chuyển sau bão bị sạt trượt, hỏng hóc; giá thu mua giảm, thiếu khu vực tập kết. Đặc biệt, với cây keo, thời gian thu mua kéo dài sẽ không thể bóc vỏ, làm giảm giá trị gỗ; hạ tầng nhà xưởng băm dăm, dây chuyền thiết bị xuất dăm tại các cảng bị thiệt hại nặng nề... Điều này càng gây khó khăn cho việc thu gom, chế biến, tiêu thụ gỗ.

Tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản gửi các ngân hàng kịp thời giải quyết để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. Đến ngày 19/9, 5 ngân hàng đã triển khai các gói hỗ trợ cho khách hàng đang vay vốn bị ảnh hưởng bởi bão số 3 như: điều chỉnh giảm lãi suất từ 0,5-2%/năm; miễn giảm 100% lãi quá hạn, lãi chậm trả; giảm lãi suất cho vay và hỗ trợ lãi suất đối với khách hàng vay mới, đặc biệt là khoản vay ngắn hạn, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh phát sinh từ ngày 6/9.

Riêng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) ban hành gói tín dụng 200.000 tỷ đồng hỗ trợ cho khách hàng cá nhân vay vốn để phục hồi hoạt động sau ảnh hưởng của bão cả cho vay ngắn, trung, dài hạn với mức lãi suất ưu đãi hơn mức cho vay thông thường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục