Quảng Ninh: Gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch

Tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều quyết sách thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó phát triển du lịch gắn với văn hóa truyền thống được coi là giải pháp quan trọng.

Chương trình nghệ thuật đặc sắc của các chàng trai cô gái Sán Chỉ khai Hội Hoa sở Bình Liêu năm 2023. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)
Chương trình nghệ thuật đặc sắc của các chàng trai cô gái Sán Chỉ khai Hội Hoa sở Bình Liêu năm 2023. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)

Quảng Ninh hiện có 42 dân tộc thiểu số sinh sống, với số dân hơn 162.000 người.

Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều quyết sách để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tại khu vực này, trong đó phát triển du lịch gắn với văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số được coi là giải pháp quan trọng.

Tỉnh tập trung đầu tư xây dựng 4 làng dân tộc thiểu số gồm Làng dân tộc Tày ở Bản Cáu, xã Lục Hồn (huyện Bình Liêu); Làng dân tộc Sán Chỉ tại thôn Lục Ngù, xã Húc Động (huyện Bình Liêu); Làng dân tộc Dao Thanh Y xã Hải Sơn (thành phố Móng Cái); Làng dân tộc Sán Dìu xã Bình Dân (huyện Vân Đồn) để phát triển du lịch gắn với văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số.

Huyện Bình Liêu, đã khôi phục, duy trì và phát triển các lễ hội đặc sắc của các dân tộc thiểu số như Lễ hội đình Lục Nà của dân tộc Tày, Hội Soóng cọ của dân tộc Sán Chỉ (Sán Chay); Ngày hội Kiêng gió của dân tộc Dao Thanh Phán.

Đặc biệt từ năm 2015, huyện tổ chức lễ hội Hoa sở, một loài hoa đặc trưng của vùng miền núi, biên giới Bình Liêu. Ngoài việc quảng bá, phát triển du lịch, đây cũng là dịp để giới thiệu với du khách gần xa về những nét đẹp văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số của huyện.

Các địa phương khác như Móng Cái, Ba Chẽ, Vân Đồn, Tiên Yên... cũng tích cực khai thác nguồn dư địa từ bản sắc văn hóa các đồng bào đồng bào dân tộc thiểu số để phát triển du lịch.

Huyện Ba Chẽ đang chú trọng phát triển các lễ hội gắn với hệ thống đình, chùa. Như Lễ hội Bàn Vương; Lễ hội Miếu Ông-Miếu Bà; Lễ hội đình Làng Dạ. Trong các lễ hội, du khách được trải nghiệm các nghi lễ cấp sắc, nhảy lửa, múa rùa, múa vật chày, thêu thổ cẩm, hát páo dung, thi nấu xôi ngũ sắc, thi trang phục dân tộc... là các hoạt động mang đậm bản sắc các dân tộc Dao, Tày, Sán Chay ở Ba Chẽ.

Huyện Tiên Yên đã xây dựng Làng Văn hóa dân tộc Tày, thôn Đồng Đình, xã Phong Dụ; quy hoạch mở rộng, đầu tư nâng cấp Đền thờ Đức ông Hoàng Cần, gắn với xây dựng Làng Văn hóa dân tộc Sán Dìu, xã Hải Lạng; duy trì Chợ phiên văn hóa vùng cao Hà Lâu.

Từ nay đến năm 2025, huyện phấn đấu mỗi xã, thị trấn xây dựng, duy trì tối thiểu 1 mô hình tiêu biểu về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa địa phương. Cùng với đó là nâng tầm quy mô, chất lượng các lễ hội dân tộc Dao, Tày, Sán Chỉ, Sán Dìu, đua thuyền truyền thống và nghệ thuật các lễ đặc trưng như lẩu then, cầu mùa, cấp sắc, đại phan, gắn với phát triển du lịch.

Với sự vào cuộc chủ động, tích cực của các ngành, các cấp chính quyền trong tỉnh, hầu hết những di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Ninh như phong tục tập quán, lễ hội, nghệ thuật dân gian, nghề thủ công truyền thống... được bảo tồn, ngày càng phát huy giá trị, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh./.

(Vienam+)
Link bài gốc Copy link
null

Tin cùng chuyên mục