Tỉnh Quảng Ninh vừa đưa ra quyết sách mới với quyết tâm đưa công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành 1 trong 3 trụ cột chính trong ngành công nghiệp của tỉnh này.
Hai trụ cột khác của ngành công nghiệp Quảng Ninh gồm khai thác khoáng sản, nhất là khai thác than; công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt.
Đây là chủ trương mới, quyết sách mới với chiến lược mới được đưa ra ngay đầu tháng 10 này tại kỳ họp đầu tiên bàn về các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế xã hội của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh khóa XV, nhiệm kỳ 2020-2025.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký khẳng định nhiệm kỳ 2020-2025, Quảng Ninh xác định phải đạt được 3 đột phá trong phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, gồm đột phá về thu hút tổng vốn đầu tư, tốc độ giá trị gia tăng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; đột phá về tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) và thu ngân sách địa phương; đột phá về thu hút lao động chất lượng cao gắn với tăng quy mô, chất lượng dân số thông qua phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo.
Đặc biệt, Quảng Ninh chú ý đến 4 giải pháp cốt lõi là Quy hoạch mặt bằng sản xuất; hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ; nguồn nhân lực sẵn có, dễ tiếp cận; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, môi trường sống an ninh, an toàn, văn minh, thân thiện.
[Quảng Ninh hướng tới trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp]
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký cho rằng quan điểm, định hướng phát triển là phát triển nhanh, bền vững công nghiệp chế biến, chế tạo có trọng tâm, trọng điểm dựa trên tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh và ở vùng, địa phương, khu kinh tế, khu công nghiệp, đặc biệt là các cơ chế ưu đãi trong các khu kinh tế để phát triển khu công nghiệp và dự án công nghiệp chế biến, chế tạo.
Tỉnh ưu tiên thu hút có chọn lọc các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, công nghiệp thông minh, thân thiện môi trường, có giá trị gia tăng lớn, quản trị hiện đại, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất đai, tài nguyên đóng góp lớn vào tăng trưởng GRDP và thu ngân sách.
Quảng Ninh sẽ kết hợp chặt chẽ phát triển nhanh, bền vững công nghiệp chế biến, chế tạo với thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng, tăng nhanh quy mô và chất lượng dân số, bảo đảm quốc phòng-an ninh, bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa.
Cùng đó, phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với phát triển các khu công nghiệp bền vững theo mô hình “3 trong 1” khu công nghiệp-khu đô thị-khu dịch vụ với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại tạo môi trường làm việc và môi trường sống văn minh, hiện đại an toàn, tạo việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng thu nhập cho người lao động và chất lượng cuộc sống cho người dân.
Tỉnh nghiên cứu các cơ chế, chính sách đủ mạnh thuộc thẩm quyền trong việc thu hút đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với tăng quy mô và nâng cao chất lượng dân số thông qua Trường Đại học Hạ Long và Trường cao đẳng nghề Việt-Hàn, các cơ sở dạy nghề chất lượng cao.
Quảng Ninh định hướng phát triển ngành nghề sẽ tập trung lĩnh vực công nghiệp ôtô, công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin, công nghiệp y dược, công nghiệp thời trang, chế biến sâu sản phẩm gỗ, thủy sản…
Cuối tháng 9, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức động thổ Tổ hợp công nghiệp phụ trợ ôtô Thành Công-Việt Hưng do Tập đoàn Thành Công làm chủ đầu tư tại thành phố Hạ Long.
Phát biểu tại buổi lễ động thổ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh mục tiêu của Chính phủ là phải có ôtô thương hiệu Việt Nam và phải có ôtô sản xuất tại Việt Nam có chất lượng, đẹp, thuyết phục được người tiêu dùng Việt Nam sử dụng.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng lưu ý để khuyến khích phát triển ngành công nghiệp ôtô - ngành công nghiệp tổng hợp của rất nhiều ngành công nghiệp khác như cơ khí, điện tử, tự động hóa…
Chính phủ đã thay đổi quan điểm, thay vì đặt ra các tiêu chí nội địa hóa không sát thực tế thì nay đã điều chỉnh theo hướng phát triển công nghiệp ôtô phù hợp với chuỗi giá trị toàn cầu; phân công và hợp tác để cùng sản xuất.
Chính phủ đã coi phát triển công nghiệp hỗ trợ; trong đó có hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô là ngành trọng yếu, nâng cao chất lượng, quy mô, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Từ đó, đã có nhiều chỉ đạo cụ thể, rõ ràng, những chính sách ưu đãi, phù hợp, hấp dẫn…
Tổ hợp công nghiệp phụ trợ ôtô Thành Công-Việt Hưng được xây dựng trên quy mô tổng diện tích 340 ha, thuộc khu công nghiệp Việt Hưng, thành phố Hạ Long, nơi có vị trí chiến lược, nằm ngay bên bờ vịnh Cửa Lục, thuận tiện cho cả giao thương nội địa và quốc tế.
Theo kế hoạch phát triển, Tổ hợp không chỉ là nguồn cung cho các hoạt động sản xuất kinh doanh ôtô mà còn hướng tới xuất khẩu, mang giá trị của ngành công nghiệp phụ trợ ôtô Việt Nam tiếp cận tới các thị trường khu vực và thế giới. Vì thế, tổ hợp này sẽ thu hút và quy tụ thêm nhiều doanh nghiệp trong ngành phụ trợ ôtô, sản xuất linh kiện và phụ tùng, đặc biệt là những bộ phận có hàm lượng công nghệ cao.
Việc triển khai Tổ hợp Công nghiệp phụ trợ ôtô Thành Công-Việt Hưng có ý nghĩa quan trọng đối với tỉnh Quảng Ninh trong việc thực hiện chủ trương thu hút các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo sử dụng công nghệ hiện đại, thông minh, thân thiện với môi trường; tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao; góp phần vào thu ngân sách nhà nước, phát triển kinh tế theo hướng bền vững mà Quảng Ninh đang định hướng tập trung phát triển trong giai đoạn 2020-2025./