Sáng 11/4, Ủy ban Nhân dân thành phố Móng Cái (Quảng Ninh) tổ chức Lễ công bố quyết định và đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đền Xã Tắc nhằm tôn vinh và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của di tích; qua đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ Quảng Ninh trong việc tham gia bảo vệ, tu bổ, tôn tạo, gìn giữ và phát huy giá trị di tích lịch sử nói riêng và các di sản văn hóa nói chung.
Đây cũng là hoạt động nhằm kích cầu du lịch ngay sau khi Quảng Ninh đã kiểm soát được dịch COVID-19 và chuẩn bị cho mùa du lịch hè 2021.
Đền Xã Tắc tọa lạc tại một vị trí đặc biệt, cạnh bờ sông Ka Long (ranh giới biên giới Việt-Trung), thuộc khu 3 phường Ka Long, thành phố Móng Cái.
Năm 2005, đền Xã Tắc đã được công nhận là di tích cấp tỉnh theo quyết định số 2332/QĐ-UBND tỉnh Quảng Ninh ngày 18/7/2005. Không chỉ là một địa danh du lịch, một địa điểm văn hóa tâm linh, Đền Xã Tắc còn là "cột mốc" vững bền khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia cùng những nét đặc trưng trong sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân Việt Nam nơi biên cương của Tổ quốc.
[Lễ hội đền Xã Tắc - một cột mốc văn hóa nơi biên ải]
Ngày 4/11/2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 3238/QĐ-BVHTTDL về việc xếp hạng Di tích cấp quốc gia đối với Di tích lịch sử đền Xã Tắc.
Theo Hồ sơ xếp hạng di tích, đền Xã Tắc được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 13, đầu thế kỷ 14 dưới thời nhà Trần để thờ thần Xã Tắc - Bản cảnh thành hoàng của châu Móng Cái xưa. Tại đây thờ Xã Tắc Đại Vương, Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng, Cao Sơn Đại Vương, Long thần thổ địa của bản thôn và các vị tiên công của những dòng họ đã có công đến khai khẩn vùng đất này.
Trước kia, đền Xã Tắc được xây dựng tại mép sông Thác Mang với quy mô khá lớn gồm ba gian nhà, mặt quay về hướng Nam, mái lợp ngói âm dương.
Đầu thế kỷ 20, trong một lần bão lớn, đền bị sạt lở và được nhân dân di chuyển vào trong khu vực Xoáy Nguồn với quy mô nhỏ hơn trước.
Trải qua những biến đổi thăng trầm của thời gian, đến nay, đền được trùng tu nhiều lần. Đợt trùng tu lớn nhất là vào năm Kỷ Mão 1879. Trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979, đền bị phá hủy, chỉ còn lại một vài tấm bia và nền móng cũ.
Sau năm 1989, đền được phục hồi lại với quy mô nhỏ. Năm 2009, đền Xã Tắc đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh ra Quyết định cho phép phục hồi, giao Ủy ban Nhân dân thành phố Móng Cái làm chủ đầu tư giai đoạn I và Ban Trị sự Giáo hội phật giáo tỉnh Quảng Ninh làm chủ đầu tư giai đoạn 2, triển khai dự án bằng nguồn vốn xã hội hóa.
Đền Xã Tắc ngày nay được xây dựng theo hướng Nam, trên một khu đất cao, thoáng mát với diện tích khuôn viên khoảng 20.000m2, phía Đông giáp sông Ka Long. Ngôi đền chính có diện tích 308m2, được xây dựng theo kiểu chữ "công," trong đó tòa tiền đường gồm ba gian hai chái, hai gian chung đường và ba gian hậu cung.
Đền được xây dựng chủ yếu bằng gỗ lim, mái lợp ngói vảy rồng, tường xây gạch. Đền có hai tầng tám mái với những họa tiết hoa văn chạm trổ truyền thống, tinh xảo, mái lợp ngói mũi hài.
Hiện nay, đền Xã Tắc vẫn còn lưu giữ được ba tấm bia cổ có niên đại từ những năm 1879, trên đó có ghi danh những người đã góp công, góp của để trùng tu, xây dựng lại đền.
Đền Xã Tắc là một di tích lịch sử văn hóa có quy mô lớn và lịch sử lâu đời, là địa điểm sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh của cư dân Móng Cái và các vùng lân cận.
Ngoài những ngày cúng rằm và mồng một hằng tháng, hằng năm, tại đền còn diễn ra 5 ngày lễ chính là ngày 16/1, 2/5, 16/8, 16/12, 18/12 (Âm lịch). Trong những ngày này, người dân trong khu vực được chia thành 5 tổ. Trong một năm, mỗi tổ được phân công lo một lễ chính. Ngày 16/1 là ngày lễ cầu an.
Lễ hội đền Xã Tắc gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ gồm các nghi lễ chính như: Lễ cấp thủy (lấy nước) tại đền Xã Tắc-bến sông Ka Long-ngã ba Xoáy Nguồn; lễ mộc dục (tắm tượng) tại đền; lễ nghinh thần (rước thần Xã, thần Tắc du hương/du xuân) theo cung đường từ đền Xã Tắc-đường Tuệ Tĩnh-cầu Hòa Bình-đại lộ Hòa Bình-vòng xuyến Trà Cổ-đường Hùng Vương-cầu Ka Long và trở về đền; lễ an vị tượng tại đàn tế; lễ tế Xã Tắc; lễ dâng lễ vật của các địa phương, các cơ quan, đơn vị, nhân dân trên địa bàn thành phố; lễ cúng chúng sinh; lễ thả thuyền giấy, đèn hoa đăng trên sông Ka Long; lễ xuất tịch tại đền Xã Tắc.
Phần hội có chương trình văn nghệ dân gian, các trò chơi truyền thống và nhiều hoạt động thể dục thể thao.
Nhân dịp này, thành phố Móng Cái tổ chức Đại hội Thể dục thể thao phường Trà Cổ; giải Giao hữu bóng đá khối các trường Trung học phổ thông trên địa bàn thành phố; chương trình văn nghệ, các trò chơi dân gian, hoạt động khởi động mùa du lịch và phố đi bộ phường Trần Phú.../.