Quảng Ninh đề xuất đưa 3 trạm thu phí BOT vào quản lý quốc gia

Việc đề xuất đưa các trạm thu phí BOT của 3 dự án vào hệ thống giám sát, khai thác dữ liệu thu phí quốc gia nhằm đảm bảo tính khách quan, minh bạch trong quản lý, giám sát công tác thu phí.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã có Công văn số 2448/UBND-GT1 gửi Bộ Giao thông Vận tải và Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) đề xuất đưa các trạm thu phí BOT (xây dựng-khai thác-chuyển giao) trên địa bàn do tỉnh Quảng Ninh triển khai vào hệ thống quản lý giám sát, khai thác dữ liệu thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ quốc gia.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh được Thủ tướng Chính phủ giao là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai đầu tư 3 dự án giao thông đường bộ theo hình thức hợp đồng BOT gồm dự án cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến (đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, thu phí từ 15/10/2018); "tổ hợp" dự án đường cao tốc Hạ Long-Vân Đồn (hoàn thành và đưa vào khai thác thu phí tháng 2/2019) và cải tạo nâng cấp quốc lộ 18 đoạn Hạ Long-Mông Dương (đã hoàn thành và đưa vào khai thác, thu phí 2/2018); dự án cao tốc Vân Đồn-Móng Cái (khởi công tháng 4/2019 và dự kiến hoàn thành quý 1/2021).

Việc đề xuất đưa các trạm thu phí BOT của 3 dự án trên vào hệ thống giám sát, khai thác dữ liệu thu phí quốc gia nhằm đảm bảo tính khách quan, minh bạch trong quản lý, giám sát công tác thu phí.

[Tổng cục Đường bộ sẽ kiểm tra, giám sát doanh thu 11 trạm phí BOT]

Hệ thống giám sát, khai thác dữ liệu thu phí quốc gia là hệ thống dữ liệu tổng hợp được Tổng cục Đường bộ Việt Nam triển khai, dự kiến đưa vào khai thác trong quý 2/2019.

Hệ thống này không chỉ thực hiện một cách tự động, tức thời nhằm đảm bảo tính khách quan trong việc giám sát thu phí, mà còn là công cụ để nhà đầu tư BOT giám sát nhà cung cấp dịch vụ thu phí khi triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng.

Phần mềm quản lý, giám sát, khai thác dữ liệu thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ sẽ có một đường truyền độc lập được kết nối từ các trạm thu phí BOT về trung tâm giám sát tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Dựa trên những số liệu đã được phân tích cảnh báo, nhà đầu tư BOT sẽ phải giải trình các trường hợp nghi vấn, từ đó cơ quan quản lý nhà nước, trực tiếp là Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ tiếp nhận giải trình này.

Đặc biệt, khi phần mềm đưa vào hoạt động, người dân cũng có thể tự giám sát hoạt động thu phí thông qua điện thoại thông minh hoặc trên trang web của Tổng cục Đường bộ Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục