Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã đồng ý cho thực hiện thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn tại 6 hợp tác xã nông nghiệp, nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong các hợp tác xã nông nghiệp của tỉnh.
Tỉnh cũng đã ban hành chính sách khuyến khích phát triển hàng hóa nông nghiệp tập trung giai đoạn 2017-2020; huy động nguồn vốn ODA hỗ trợ phát triển hợp tác xã...
Đặc biệt, nếu không nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng lực quản lý và chủ động, linh hoạt, tự chịu trách nhiệm, các hợp tác xã sẽ không tránh khỏi việc “dậm chân tại chỗ” và đối mặt với nguy cơ thất bại.
Mục tiêu của Quảng Ninh là đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ có 30 hợp tác xã nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao và liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp.
Theo mục tiêu trên, mỗi địa phương trong tỉnh có ít nhất 3 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao và trên 30% hợp tác xã ứng dụng các công nghệ 4.0, công nghệ sinh học; xây dựng ít nhất 8 mô hình liên kết chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp; các hợp tác xã nông nghiệp có liên kết sản xuất hoạt động hiệu quả trên 90%.
Thực tế, hiện nay các hợp tác xã nông nghiệp ở Quảng Ninh còn hạn chế về ứng dụng công nghệ, hạn chế trong việc liên kết sản xuất với các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, có rất ít hợp tác xã nông nghiệp ở Quảng Ninh chủ động thực hiện ký hợp đồng liên kết với doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nên dẫn đến việc tiêu thụ có lúc còn bấp bênh, giá cả hoàn toàn lệ thuộc vào thị trường.
Nguyên nhân chủ yếu là các hợp tác xã năng lực yếu, chưa mạnh dạn liên kết, chưa có nhiều kinh nghiệm trong đàm phán hợp đồng, thiếu phương tiện vận chuyển thích hợp để thu mua sản phẩm tại đồng ruộng và không có kho để dự trữ, bảo quản…
Tuy nhiên, Chi cục Phát triển Nông thôn Quảng Ninh khuyến cáo các hợp tác xã nông nghiệp không nên quá trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà cần xác định trong xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nếu không có sự liên kết sẽ không có chỗ đứng, không có sự đầu tư về công nghệ sẽ không có khả năng cạnh tranh.
[Người truyền cảm hứng cho nông dân hướng đến sản xuất nông nghiệp sạch]
Trong 288 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, hiện chỉ có khoảng 52 hợp tác xã có ứng dụng kỹ thuật canh tác, công nghệ trong sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp.
Song, nếu căn cứ tiêu chí phân loại ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Quảng Ninh chưa có hợp tác xã nào đáp ứng được các tiêu chí, mà chỉ có 6 hợp tác xã bước đầu ứng dụng một phần sản xuất công nghệ cao, chỉ áp dụng khoa học công nghệ ở một số khâu như: sử dụng giống mới, giống chất lượng có nguồn gốc xuất xứ; dùng màng phủ ni lông; cơ giới hóa khâu làm đất; ứng dụng công nghệ nhà lưới; tưới tiết kiệm nước; bảo quản sản phẩm áp dụng máy móc bán tự động...
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện nay các hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong số hợp tác xã nông nghiệp.
Để đạt mục tiêu 1.500 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đến năm 2020 (nâng tỷ lệ từ 1,8% lên 10%), cần lựa chọn các hợp tác xã đã được đánh giá hiệu quả và đáp ứng được các tiêu chí về đối tượng, loại sản phẩm, công nghệ áp dụng quy mô.
Các lĩnh vực sản xuất được lựa chọn sẽ căn cứ vào Quyết định số 575/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, định hướng đến năm 2030./.