Ngày 12/7, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đã làm việc tại tỉnh Quảng Ninh về tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp của tỉnh, nhiệm kỳ 2015-2020; định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030 và 2045.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đánh giá cao những thành tựu kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng tỉnh Quảng Ninh đạt được thời gian qua.
Quảng Ninh đã đánh giá được đúng lợi thế của mình, có triết lý phát triển, có bước đột phá về cải thiện môi trường đầu tư để phát triển bền vững; triển khai nhiều mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo để có bước tiến nhanh, vững chắc trong phát triển kinh tế-xã hội.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình lưu ý Quảng Ninh cần thường xuyên tổng kết, giám sát công tác sắp xếp, tinh giản bộ máy hành chính để đạt được hiệu lực, hiệu quả, kịp thời có biện pháp khắc phục hạn chế; cần có nguyên tắc, có sự lãnh đạo toàn diện, thông suốt của Đảng. Hệ thống hành chính phải thống nhất. Phát triển kinh tế phải có tầm nhìn, không nóng vội, phải dựa trên lợi ích lâu dài của quốc gia, dân tộc.
Về phát triển kinh tế, Trưởng ban Kinh tế Trung ương gợi ý ngoài nâng cao chất lượng các dịch vụ, Quảng Ninh có hạ tầng giao thông thuận lợi, do đó cần chú trọng phát triển công nghiệp có giá trị gia tăng cao, có trình độ khoa học-kỹ thuật cao, hướng tới phát triển bền vững, lâu dài; xây dựng các cụm ngành công nghiệp để các doanh nghiệp trong cụm ngành có mối liên kết với nhau, tạo ra giá trị gia tăng cao.
[Gần 1.500 tỷ đồng giải phóng mặt bằng cao tốc Vân Đồn-Móng Cái]
Ông Nguyễn Xuân Ký, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh nhấn mạnh đến năm 2025, Quảng Ninh phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, là một trong những đầu tàu kinh tế của miền Bắc.
Tầm nhìn đến năm 2030, Quảng Ninh phát triển theo mô hình đô thị thông minh, đô thị xanh phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu với các chức năng dịch vụ-du lịch-thương mại.
Từ nay đến năm 2030 và 2045, Quảng Ninh phấn đấu xây dựng trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp, hiện đại, phát triển kinh tế xanh dựa trên khoa học công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao; là trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm cảng biển của vùng, cửa ngõ giao thương quốc tế.
Quảng Ninh phát triển dựa vào ba trụ cột: Phát triển dịch vụ tổng hợp hiện đại, trọng tâm là du lịch, cảng biển, dịch vụ cảng biển; phát triển công nghiệp xanh, công nghiệp sạch, công nghệ cao thân thiện môi trường; phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển.
Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, và Đại hội Đảng bộ các cấp, kinh tế của Quảng Ninh tiếp tục tăng trưởng cao. Tỉnh tập trung thực hiện các đột phá chiến lược, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển bền vững. Tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016-2018 là 10,5%; dự kiến đến 2020, tăng trưởng giai đoạn 2016-2020 đạt 11,1% (hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIV của tỉnh).
Tổng sản phẩm bình quân đầu người (GRDP) năm 2018 đạt 5.110 USD, gấp 1,3 lần so với 2015. Thu ngân sách nhà nước (phần thu nội địa) luôn đứng trong nhóm 5 tỉnh dẫn đầu toàn quốc.
Sáu tháng đầu năm 2019, thu ngân sách nhà nước của tỉnh Quảng Ninh đạt 23.924 tỷ đồng. Tỉnh đã thu hút các nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn lớn về du lịch với các sản phẩm đẳng cấp.
Quảng Ninh đa dạng hóa, huy động, sử dụng các nguồn lực, tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông, du lịch, dịch vụ...
Tỉnh tập trung xây dựng, phát triển các khu kinh tế Vân Đồn, khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái; đẩy nhanh tiếp độ lập bổ sung quy hoạch, thành lập khu kinh tế ven biển Quảng Yên.
Quảng Ninh đã quyết liệt cải cách hành chính, liên tiếp trong 2 năm (2017, 2018) chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) dẫn đầu toàn quốc; năm 2018 đứng đầu cả nước về chỉ số cải cách hành chính (Par Index)...
Công tác xây dựng Đảng, đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo hướng một đơn vị thực hiện nhiều chức năng, một người làm nhiều nhiệm vụ; một chức năng, nhiệm vụ chỉ có một đơn vị chủ trì thực hiện, chịu trách nhiệm đến cùng…
Năm 2018, tỉnh đã giảm 622 biên chế công chức, 1.314 biên chế viên chức so với năm 2015; bảo đảm sử dụng đúng bằng số biên chế Trung ương giao và số người làm việc hưởng lương từ ngân sách do Bộ Nội vụ thẩm định, thực hiện lộ trình đến 2020 giảm 10% so năm 2015.
Quảng Ninh cũng nhất thể hóa chức danh Bí thư kiêm Chủ tịch Ủy ban nhân dân tại 3/14 huyện; Bí thư đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Nhân dân cấp huyện đạt 50%, cấp xã đạt 20,4%; Bí thư kiêm Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã đạt 51,6%.../.