Quảng Ninh cần tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực để phát triển

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh, Quảng Ninh cần khẳng định là cực tăng trưởng kinh tế vùng Bắc Bộ, phấn đấu đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2030.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình thăm Trung tâm điều hành thành phố thông minh của tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: Văn Đức/TTXVN)
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình thăm Trung tâm điều hành thành phố thông minh của tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: Văn Đức/TTXVN)

Ngày 31/8, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã làm việc tại tỉnh Quảng Ninh về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV; công tác phòng, chống dịch COVID-19; giải ngân vốn đầu tư công; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong 8 tháng của năm 2020.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh giá cao nỗ lực của tỉnh Quảng Ninh, đạt được những kết quả toàn diện thời gian qua, nhất là trong phòng, chống dịch COVID-19, trong chỉ đạo nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2020.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Quảng Ninh cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, tạo động lực mới để tỉnh phát triển; khẳng định Quảng Ninh là cực tăng trưởng kinh tế vùng Bắc Bộ, phấn đấu đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2030.

Đồng thời, Quảng Ninh cần đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch COVID-19, không được chủ quan, lơ là, hạn chế tối đa tác động của dịch tới các mặt của đời sống kinh tế-xã hội nhưng cũng không được áp dụng các biện pháp cực đoan để đảm bảo các hoạt động kinh tế-xã hội hoạt động bình thường.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình lưu ý, Quảng Ninh cần đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có hành vi tiếp tay cho các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này; ưu tiên đẩy mạnh phát triển kinh tế biên giới, giúp người dân có cuộc sống ổn định, không để người dân có hành vi tiếp tay cho các hoạt động buôn lậu qua biên giới.

Tỉnh cũng cần tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác phòng chống buôn lậu qua biên giới; chủ động làm tốt công tác nắm tình hình, không để xảy ra tình huống bất ngờ trong việc đảm bảo an ninh trật tự, an ninh quốc phòng trên địa bàn.

Về công tác giải ngân vốn đầu tư công, Quảng Ninh tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân; tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng, đảm bảo lựa chọn nhà thầu có năng lực, tránh tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư gây lãng phí nguồn lực; yêu cầu chủ đầu tư cam kết thực hiện đúng tiến độ, kiên quyết điều chuyển nguồn vốn đầu tư công đối với các dự án có tiến độ giải ngân thấp sang các dự án có khả năng hoàn thành, có đóng góp lớn vào phát triển kinh tế-xã hội.

Báo cáo với Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, Quảng Ninh phấn đấu đến năm 2030 xây dựng, phát triển trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh, hiện đại; một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện, trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, là cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.

Tỉnh cũng phấn đấu là đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người trên 15.000 USD/người/năm…

[Infographics] Dự án giao thông hứa hẹn đưa Quảng Ninh vươn tầm cao

Quảng Ninh định hướng phát triển giai đoạn 2020-2025 dựa vào bốn trụ cột gồm: Phát triển dựa vào nguồn lực bên trong là quyết định, chiến lược, cơ bản, lâu dài và nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá; chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” theo hướng bền vững dựa vào: thiên nhiên, con người, văn hóa kết hợp với xu thế hòa bình, hợp tác, hội nhập và cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; kiên trì thực hiện không gian phát triển “Một tâm-hai tuyến-đa chiều-hai mũi đột phá;” tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Nhiệm kỳ 2015-2020, Quảng Ninh đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm là 10,7%, có 15/17 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV cơ bản đạt và vượt; tổng thu ngân sách Nhà nước đạt trên 212.429 tỷ đồng, thuộc nhóm các tỉnh, thành phố có số thu cao nhất cả nước; chất lượng cải cách hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong nhiều năm trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước.

Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị gắn với xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm với nhiệm vụ được tỉnh Quảng Ninh chú trọng.

Quảng Ninh cần tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực để phát triển ảnh 1Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Văn Đức/TTXVN)

Quảng Ninh đã triển khai hiệu quả việc nhập huyện Hoành Bồ vào thành phố Hạ Long, sắp xếp giảm 9 đơn vị hành chính cấp xã; 13/13 địa phương triển khai mô hình cơ quan Ủy ban Kiểm tra-Thanh tra, Cơ quan Tổ chức-Nội vụ, Cơ quan tham mưu giúp việc chung Khối Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội; thành lập Trung tâm Truyền thông tỉnh trên cơ sở hợp nhất các cơ quan báo chí, truyền thông tỉnh…

Công tác cán bộ trên địa bàn tỉnh được đổi mới mạnh mẽ, trong đó tăng cường thực hiện mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tại 3/13 đơn vị cấp huyện và tại 119/177 đơn vị cấp xã; Bí thư cấp ủy không phải là người địa phương tại 100% đơn vị cấp huyện và 150/177 đơn vị cấp xã; thực hiện mô hình 100% Bí thư cấp ủy đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố theo phương châm “Dân tin, Đảng cử...” Tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành đại hội cấp cơ sở và cấp trên cơ sở vào ngày 25/7.

Về phát triển kinh tế, tỉnh Quảng Ninh có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị, du lịch, dịch vụ có bước phát triển đột phá, thúc đẩy liên kết vùng và hợp tác quốc tế.

Quảng Ninh thực hiện chủ trương “Lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư,” trung bình cứ 1 đồng tiền ngân sách bỏ ra huy động được 8-9 đồng tiền vốn ngoài ngân sách tham gia đầu tư vào địa bàn.

Nhờ đó, Quảng Ninh là địa phương duy nhất trong cả nước huy động tư nhân đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai, đường cao tốc…

Về giải ngân vốn đầu tư công, tỉnh Quảng Ninh tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách và thực hiện các giải pháp tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước; quyết liệt đẩy mạnh giải ngân, cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công năm 2020 và kế hoạch trung hạn năm 2016-2020.

Tỉnh phấn đấu đến hết quý 3/2020 đạt tỷ lệ giải ngân 100% các nguồn vốn đầu tư công theo tiến độ thu thực tế.

Tính đến ngày 26/8, tỉnh Quảng Ninh đã giải ngân được 7.973 tỷ đồng, đạt 65% kế hoạch vốn ngân sách địa phương và bằng 98,7% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao.

Trong 8 tháng của năm 2020, các lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện, bắt giữ, xử lý được 2.636 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; trị giá hàng hóa vi phạm hơn 23 tỷ đồng, giảm 14,2% số vụ; xử lý hình sự 30 vụ với 34 đối tượng; xử lý hành chính 1.891 trường hợp, bán thanh lý hàng tịch thu và xử phạt vi phạm hành chính gần 18 tỷ đồng…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục