Quảng Ninh cần làm gì để phát huy giá trị di sản độc đáo Vịnh Hạ Long?

Vịnh Hạ Long không còn làng chài nghìn năm tuổi, những vùng nuôi trồng thủy hải sản đẹp cũng đang mất dần; những bãi biển đẹp thì đầy rác, ô nhiễm nước thải, tiếng ồn và ánh sáng...

Vẻ đẹp trên Vịnh Hạ Long. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Vẻ đẹp trên Vịnh Hạ Long. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Quảng Ninh là điểm đến mà hầu hết du khách quốc tế luôn chọn dừng chân trên hành trình khám phá Việt Nam. Bởi nơi đây có nhiều tài nguyên độc đáo từ biển, rừng, dịch vụ nghỉ dưỡng-giải trí cho đến thương mại vùng biên giới…

Đặc biệt, Vịnh Hạ Long chính là giá trị cốt lõi của điểm đến này nhờ vẻ đẹp gây ngỡ ngàng và vô cùng ấn tượng. Tuy nhiên, để di sản có thể thực sự là “điểm chạm” cho những cảm xúc đẹp, cho những lần trở lại của bước chân du khách thì vẫn còn đó nhiều việc cần làm.

Tiếc cho những giá trị truyền thống trong lòng di sản

Những năm qua, mặc dù Quảng Ninh đầu tư phát triển khá mạnh hạ tầng, nhưng một trong những điểm yếu của du lịch địa phương là tính mùa vụ và sự kém kết nối vẫn khó giải quyết triệt để. Đơn cử như về đường thủy, hiện giữa Hạ Long-Vân Đồn, giữa Hạ Long-Hải Phòng chưa thể thông suốt. Đường bộ tuy đã kết nối tốt hơn nhưng để kết hợp được các thế mạnh đồng thời đường bộ, đường thủy thì vẫn là câu chuyện “biết rồi khổ lắm nói mãi.”

“Những người làm kinh doanh như tôi gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động giữa hai vịnh Hạ Long-Cát Bà. Câu chuyện này đã nói rất nhiều năm nhưng vẫn chưa giải quyết được. Năm vừa qua UNESCO đã công nhận Vịnh Hạ Long-quần đảo Cát Bà là di sản thế giới nhưng thực tế hai địa phương Quảng Ninh-Hải Phòng vẫn chưa có bất cứ chính sách gì để kết nối hai vịnh với nhau, mặc dù Thủ tướng đã có chỉ đạo trong việc kết nối du lịch liên vùng,” Chủ tịch kiêm CEO Tập đoàn Lux Group Phạm Hà chia sẻ.

Theo ông Phạm Hà, tính mùa vụ ở một trong những địa phương được đánh giá là điểm đến hàng đầu cả nước và nổi tiếng toàn cầu còn thể hiện ở chỗ cứ vào Hè là Vịnh Hạ Long lại quá tải, trong khi đó mùa Đông là mùa khách quốc tế đến lại trở thành mùa thấp điểm. Do đó, phải làm sao để cân bằng giữa lượng khách mùa Hè với mùa Đông.

Copy of 6.jpg
Hình ảnh du thuyền hoài niệm về những cánh buồm nâu truyền thống trên vịnh một thời. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Nhiều năm trước, hình ảnh Vịnh Hạ Long từng xuất hiện trên truyền thông quốc tế với hình ảnh rất đặc trưng của những chiếc tàu gỗ với cánh buồm nâu no gió, thì nay đã trở thành dĩ vãng. Vô số tàu sắt lớn hiện đại lần lượt hạ thủy mang theo một diện mạo mới mẻ cho toàn vịnh nhưng cũng vô tình gieo bao nỗi tiếc nuối vẻ đẹp dung dị ngày nào trong lòng những người làm du lịch và cả du khách.

Nhà sáng lập DIDI Travel Bùi Trí Nhã, người từng thiết kế nhiều chuyến đi cho các nhóm khách thích những trải nghiệm khác biệt ở Việt Nam cho rằng khi những cánh buồm nâu không còn trên vịnh ấy cũng là lúc chúng ta đánh mất vẻ đẹp truyền thống, mất đi một bản sắc rất riêng.

“Tệp khách cao cấp của chúng tôi đã không còn quá kỳ vọng vào việc có thể tìm thấy những hình ảnh con thuyền mang biểu tượng truyền thống của Hạ Long trước kia khi trở lại. Những con tàu 5-6 sao mà họ được phục vụ ở Vịnh Hạ Long giờ đây cũng không khác gì ở các nước châu Âu. Những con tàu quá hiện đại ấy đã vô tình làm mất đi vẻ đẹp hài hòa với cảnh quan di sản. Họ muốn gì đó dung dị hơn, bản sắc hơn và thực sự gần gũi với thiên nhiên khi đến Việt Nam,” ông Bùi Trí Nhã chia sẻ.

Đồng quan điểm và luyến tiếc với những giá trị truyền thống đã không còn được gìn giữ và bảo tồn trong không gian di sản, ông Phạm Hà cho rằng những cái hay nhất đã không còn. Tiếc nhất là Vịnh Hạ Long đã không còn làng chài nghìn năm tuổi với cuộc sống dân chài, những điệu hát cổ; những vùng nuôi trồng thủy hải sản đẹp cũng đang mất dần. Đáng báo động là những bãi biển đẹp thì đầy rác; ô nhiễm quá nhiều từ nguồn nước thải trên vịnh, ô nhiễm không khí với lượng bụi lửng rất cao, ô nhiễm từ tiếng ồn và ánh sáng của các con tàu lớn ngủ đêm trên vịnh.

Restaurant Lifestyle (14).jpg
Du khách quốc tế trải nghiệm không gian và ẩm thực đậm sắc màu văn hóa Việt Nam trên du thuyền 5 sao trên vịnh. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

“Những vị khách của tôi trả tiền để được hưởng một không gian riêng tư, hoàn toàn yên tĩnh, chứ không phải đến để ngủ trên một thành phố nổi, nghe nhạc xập xình, ánh sáng lòe loẹt đánh khắp vịnh vào buổi đêm như vậy,” ông Phạm Hà thở dài.

Cần sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương

Với những thực tế đáng suy ngẫm hiện nay về hoạt động du lịch trên Vịnh Hạ Long như các chuyên gia, người làm nghề vừa chia sẻ, địa phương cần làm gì để phát huy được giá trị đích thực, để níu chân du khách ở lại lâu, chi tiêu cao?

Theo ông Phạm Hà, chính quyền địa phương cần phải đặt mình vào trải nghiệm khách hàng, nâng tầm trải nghiệm của khách hàng và coi khách hàng thực sự là thượng đế để phục vụ, tạo ra những trải nghiệm dễ dàng hơn, mới mẻ hơn, tăng thêm trải nghiệm đa dạng thay vì cấm các bãi tắm, cấm các hang động, cấm giao tàu thuyền thông suốt giữa ranh giới hai vịnh Hạ Long và Lan Hạ…

“Ngừng cấm sẽ khiến du khách quốc tế đến Vịnh Hạ Long nhiều lần hơn, thậm chí còn giúp chúng ta quảng bá hình ảnh đẹp ra với cả thế giới một cách nhanh chóng, hiệu quả mà Việt Nam không tốn đồng chi phí truyền thông nào. Làm sao những khoảnh khắc hoàng hôn rực rỡ hay bình minh tuyệt đẹp với cảm xúc đang tuôn trào có thể kịp thời khoe trên các trang mạng cá nhân nếu trên vịnh không có sóng điện thoại. Mặc dù ra vịnh là để gần gũi với thiên nhiên nhưng du khách vẫn cần kết nối với cuộc sống, giải quyết công việc từ xa,” ông Phạm Hà bày tỏ.

kayak lan ha 9.JPG
Du khách trải nghiệm chèo thuyền kayak, một trong những hoạt động không thể thiếu trong lòng di sản. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Theo các chuyên gia, Quảng Ninh đã vô tình bỏ lỡ một kênh marketing, truyền thông “miễn phí” hiệu quả nhất, có khả năng định vị thương hiệu điểm đến tốt nhất, thay vì những lễ hội lòe loẹt vừa tốn tiền vừa không hấp dẫn trong thu hút khách quốc tế, đặc biệt là dòng khách cao cấp có khả năng chi tiêu cao.

Trong khi đó, trước vấn nạn rác thải, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam), tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn nhận định đây thực sự là thách thức lớn nhất ở các khu, điểm du lịch, đặc biệt là các khu, điểm du lịch đông khách như Hạ Long.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, rác ở Vịnh Hạ Long đến từ hai nguồn, một là các cơ sở kinh doanh du lịch xả rác bừa bãi, thậm chí là của một bộ phận du khách thiếu ý thức; hai là rác trôi dạt ra biển do người dân sinh sống ở khu vực ven biển xả ra. Rác thải ảnh hưởng rất lớn tới hình ảnh thương hiệu điểm đến. Trong khi đó vấn đề môi trường hiện nay đang được khách du lịch trong nước và quốc tế quan tâm hàng đầu.

“Muốn giữ được hình ảnh thương hiệu điểm đến Vịnh Hạ Long, chính quyền tỉnh Quảng Ninh cũng như thành phố Hạ Long phải vào cuộc thực sự với một chiến dịch lớn để trước hết là tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân, đồng thời áp dụng các biện pháp xử lý nghiêm khắc khi phát hiện những tổ chức, cá nhân, kể cả khách du lịch thiếu ý thức trong giữ gìn vệ sinh môi trường chung, xả rác bừa bãi. Đặc biệt là các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch trực tiếp xả rác thải xuống vịnh thì phải có hình thức dừng kinh doanh và phạt thật nặng,” vị chuyên gia nhấn mạnh.

indochine (21).jpg
Vẻ đẹp hoang sơ trên những hòn đảo nhỏ. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, chính quyền địa phương hoàn toàn có thể ban hành những quy định để xử phạt nghiêm minh. Vấn đề là các cơ quan quản lý thực thi những biện pháp đó như thế nào; vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước vào cuộc ra sao…

“Giữ gìn vệ sinh môi trường là một trong những yếu tố tạo ra năng lực cạnh tranh hàng đầu cho thương hiệu điểm đến du lịch Việt Nam. Nếu không bảo vệ được môi trường, chắc chắn hình ảnh thương hiệu của điểm đến, của di sản thế giới Vịnh Hạ Long sẽ mất đi,” tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn khẳng định./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục