Ngày 15/8, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng đã chủ trì buổi đối thoại với người dân xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ để giải quyết việc người dân chặn đường không cho xe chở rác vào Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Ngay từ sáng sớm, hàng trăm người dân đã đến hội trường Ủy ban Nhân dân xã Phổ Thạnh để tham dự buổi đối thoại này. Do hội trường xã quá nhỏ nên khi buổi đối thoại diễn ra vẫn còn nhiều người dân đứng ngoài trụ sở Ủy ban Nhân dân cùng với nhiều băngrôn, khẩu hiệu.
Đại diện người dân, ông Nguyễn Xuân Ba - 89 tuổi, người dân xã Phổ Thạnh cho rằng Nhà máy được xây dựng ở vị trí quá gần với khu dân cư. Tại buổi đối thoại trước, lãnh đạo huyện giải thích cho người dân không thỏa đáng, không đi sâu vào vấn đề nên người dân bức xúc; nhất là việc xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt không lấy ý kiến của người dân địa phương. Ông Ba cũng cho rằng việc xây dựng nhà máy là đúng nhưng nhà máy hoạt động như thế nào và cần có sự giám sát của người dân địa phương.
Còn chị Nguyễn Thị Thanh cho rằng hố rác được đặt ngay đầu nguồn nước của người dân xã Phổ Thạnh và bãi rác này quá ô nhiễm. Chị Thanh đề nghị việc thu gom rác cần phải tính toán lại, xã nào xử lý rác của xã đó chứ không để người dân xã Phổ Thạnh gánh hết rác của cả huyện Đức Phổ.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng đưa ra những dẫn chứng về tác hại của bãi rác, những dẫn chứng về sai phạm trong quá trình xây dựng nhà máy như: không có ý kiến của người dân, nhà máy cách dân chỉ hơn 300m là không đúng quy định, xử lý rác gây ra ô nhiễm từ ống khói, nguồn nước...
[Quảng Ngãi: Huyện Đức Phổ ứ đọng 300 tấn rác bốc mùi hôi thối]
Tại buổi đối thoại, đại diện các cấp, các ngành của huyện, tỉnh tiếp tục kiên trì giải thích và chứng minh vị trí xây dựng nhà máy đã được cấp thẩm quyền xem xét, phê duyệt và cấp phép đúng quy định; quá trình hoạt động xử lý của nhà máy đảm bảo môi trường.
Không đồng tình với cách giải thích của chính quyền, người dân xã Phổ Thạnh cho rằng người dân không cần biết chỉ số môi trường đạt chuẩn như thế nào, họ chỉ cảm nhận bằng cảm quan, bằng giác quan trực tiếp, bằng những tiếp xúc hàng ngày. Do đó, người dân xã Phổ Thạnh yêu cầu di dời nhà máy.
Kết luận buổi đối thoại, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Trần Ngọc Căng cho rằng nhà máy được xây dựng trên bãi rác cũ. Trong khi đó, bãi rác cũ có khối rác khổng lồ ước lượng khoảng 22.500m3 nếu không xử lý thì 10 năm sau hay hàng chục năm sau sẽ vẫn tồn tại và gây ô nhiễm cho người dân xã Phổ Thạnh.
Xuất phát từ thực tế này, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã giao cho Ủy ban Nhân dân huyện kêu gọi xã hội hóa, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư nhà máy xử lý rác. Trong quá trình xử lý lượng rác cũ, công nhân nhà máy phải khơi lại bãi rác cũ nên việc gây ra mùi hôi, thối là điều không tránh khỏi. Việc xử lý bãi rác cũ phải diễn ra trong khoảng hai năm. Theo ông Trần Ngọc Căng, trước đây bãi rác chỉ tiếp nhận rác của xã Phổ Thạnh, sau đó là rác của ba xã và bây giờ là bãi rác của huyện Đức Phổ.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu chủ đầu tư phải xử lý nước thải, xử lý lượng nước rỉ ra từ bãi rác cũ. Huyện sẽ bố trí ngân sách để xây bờ rào, khoanh bãi rác cũ lại để không cho nước rác thoát ra ngoài.
Nhà đầu tư phải tiến hành xử lý, cam kết bảo vệ môi trường dưới sự giám sát của người dân và cả lực lượng công an. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi cũng chỉ đạo lực lượng chức năng xác minh và xử lý nghiêm những đối tượng quá khích, xúi giục người dân chặn xe chở rác vào nhà máy./.