Quảng Ngãi: Vượt qua nỗi đau, Sơn Mỹ đang đổi thay từng ngày

Chủ tịch UBND xã Tịnh Khê Võ Minh Chính cho biết thời gian tới, địa phương chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế lao động từ nông nghiệp qua thương mại dịch vụ, đặc biệt là du lịch.
Quảng Ngãi: Vượt qua nỗi đau, Sơn Mỹ đang đổi thay từng ngày ảnh 1Một góc xã Tịnh Khê, thành phố Quảng Ngãi nhìn từ trên cao. (Ảnh: Đinh Hương/TTXVN)

55 năm sau vụ thảm sát Sơn Mỹ (16/3/1968-16/3/2023), người dân xã Tịnh Khê, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi không quên những nỗi đau nhưng đã biến đau thương thành động lực để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Vụ thảm sát Sơn Mỹ (còn gọi là “vụ Mỹ Lai”) xảy ra ngày 16/3/1968 đã cướp đi sinh mạng của 504 người dân vô tội mà hầu hết là người già, phụ nữ và trẻ em. Tại vùng đất này, Khu Chứng tích Sơn Mỹ đã được xây dựng với hơn 500 tư liệu hình ảnh, hiện vật và đặt tượng Đài tưởng niệm để du khách có thể ghé thăm, tìm hiểu, sẻ chia với những thương đau, mất mát người dân nơi đây đã trải qua.

Vùng đất Sơn Mỹ ngày nay vẫn còn sót lại một số nhân chứng sống với những câu chuyện không thể quên, trong đó có những người mất đi người thân yêu nhất trong ngày định mệnh ấy. Những đau thương, mất mát vẫn còn ám ảnh họ đến bây giờ.

[Quảng Ngãi: Thỏa thuận bản quyền những bức ảnh về vụ thảm sát Sơn Mỹ] 

Nhắc đến sự kiện tàn khốc đó, ông Nguyễn Tri (83 tuổi, thôn Tư Cung, xã Tịnh Khê) vẫn trào nước mắt. “Bước ra khỏi nơi trú ẩn là cảnh hoang tàn, chết chóc. Người thân, bạn bè, hàng xóm mới hôm qua còn nói cười, nay đã thành những thi thể cứng đờ, lạnh ngắt, không nguyên vẹn. Cảnh đó tôi không bao giờ quên. Thấm thía nỗi đau ấy, tôi mong đời con các cháu sau này không bao giờ còn chiến tranh, không còn những cảnh đau thương nữa. 55 năm đã trôi qua, giờ đây thấy quê hương yên bình và thay đổi từng ngày tôi vui lắm!,” ông Tri cho hay.

Dấu vết địa ngục xưa đã mờ theo năm tháng, xong vẫn đủ phản chiếu cho những ai qua đây thấy được một thời tàn khốc chưa từng có do quân xâm lược gây ra trên đất nước ta.

Sơn Mỹ giờ đây đang dần hồi sinh, phát triển. Hệ thống hạ tầng giao thông được đầu tư xây dựng. Trường học từ bậc Mầm non đến Trung học Cơ sở đều đạt chuẩn quốc gia. Hệ thống kênh mương nội đồng được kiên cố hóa, tạo thuận lợi cho phát triển sản xuất. Các phong trào đi vào chiều sâu, 100% thôn và cơ quan đạt chuẩn văn hóa, hộ dân đạt danh hiệu gia đình văn hóa trên 93%. Thu nhập của người dân xã Tịnh Khê đã đạt hơn 40 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã năm 2022 còn 0,86%…

Ông Nguyễn Hồng Mân (70 tuổi, xã Tịnh Khê) cho biết sau ngày giải phóng, gia đình ông cũng như người dân nơi đây nỗ lực phát triển kinh tế. Trước đây chỉ khai hoang ruộng đồng để trồng lúa, giờ áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ông chuyển một phần đất trồng lúa qua trồng dừa xiêm trên đất nhiễm mặn, đào ao thả cá, nuôi bò, gà, vịt. Giờ đây, gia đình ông đã có căn nhà khang trang, kinh tế ổn định, các con học hành xong đều đã có việc làm.

Quảng Ngãi: Vượt qua nỗi đau, Sơn Mỹ đang đổi thay từng ngày ảnh 2Người dân Sơn Mỹ nỗ lực phát triển kinh tế. Ảnh: Đinh Hương – TTXVN

Tịnh Khê đang phấn đấu hoàn thiện các tiêu chí còn lại để đạt được mục tiêu trở thành phường của thành phố Quảng Ngãi vào năm 2025. Trong đó, bứt phá về thương mại, dịch vụ, đặc biệt là du lịch là động lực quan trọng để phát triển kinh tế, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tịnh Khê Võ Minh Chính cho biết thời gian tới, địa phương tiếp tục tập trung thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Xã xác định các giống cây sản phẩm chủ lực, trọng điểm để xây dựng sản phẩm đặc thù, có chất lượng cao, nâng cao đời sống của người dân; đồng thời, chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế lao động từ nông nghiệp qua thương mại dịch vụ, đặc biệt là du lịch.

Để làm được điều này, Ủy ban Nhân dân xã đã đề xuất Ủy ban Nhân dân thành phố, các sở, ngành liên quan tiếp tục đầu tư, cơ cấu lại Khu Du lịch Mỹ Khê thu hút du khách đến tham quan nghỉ dưỡng, đảm bảo mỹ quan, an toàn, thực sự là điểm đến lý tưởng của du khách trong, ngoài nước.

Ở Sơn Mỹ, dấu tích của chiến tranh vẫn còn, thể hiện qua những bia mộ tập thể, những hình ảnh, hiện vật đang được lưu giữ. Những con đường in dấu chân của lính Mỹ trong vụ thảm sát của 55 năm trước giờ đây là những tuyến đường hoa xanh thắm. Những ngôi nhà khang trang mọc lên ngày càng nhiều. Nỗi đau đã nhường chỗ cho sự sống, hòa bình và sự phát triển của quê hương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục