Quảng Ngãi: Thêm bệnh nhân ở Ba Tơ bị viêm da dày sừng

Xã Ba Nam, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi vừa ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc hội chứng viêm da dày sừng bàn tay bàn chân.
Quảng Ngãi: Thêm bệnh nhân ở Ba Tơ bị viêm da dày sừng ảnh 1Khám và hội chẩn cho người dân mắc hội chứng viêm da dày sừng lòng bàn tay, bàn chân tại xã Ba Điền, huyện Ba Tơ. (Ảnh: Thanh Long/TTXVN)

Ngày 14/4, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết ngày 8/4, Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi đã tiếp nhận bệnh nhân Phạm Thị H, 14 tuổi do Trạm y tế xã chuyển lên, chẩn đoán mắc hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân.

Bệnh nhân hiện đang sống tại Làng Dút 1, xã Ba Nam, huyện Ba Tơ. Đây là xã không nằm trong vùng can thiệp và trước đây chưa từng ghi nhận trường hợp mắc bệnh.

Ba Nam là xã vùng sâu vùng xa của huyện miền núi Ba Tơ, cách trung tâm huyện 40km về phía Tây-Nam, đời sống còn nghèo nàn, lạc hậu. Người dân có thói quen gặt lúa không phơi, cất trong chòi, khi sử dụng thì mới đem thóc ra phơi khoảng 1-3 nắng rồi xay xát lấy gạo nấu ăn. Kết quả kiểm tra tại gia đình bệnh nhân cho thấy thấy hiện tại họ đang sử dụng gạo cũ, ngả mầu, có nhiều hạt màu đen và ẩm mốc.

Ngay khi nhận được thông tin, Sở Y tế và Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Quảng Ngãi đã cử các đoàn công tác về chỉ đạo, hỗ trợ huyện Ba Tơ trong khám, điều trị bệnh và triển khai các hoạt động can thiệp cộng đồng tại xã Ba Nam như tăng cường giám sát dịch tễ, vệ sinh môi trường, tuyên truyền, hướng dẫn người dân thay đổi cách thu hoạch, bảo quản thóc gạo, phơi khô thóc trước khi cất giữ để phòng tránh nhiễm vi nấm mốc, đồng thời tổ chức khám sàng lọc, cấp thuốc bổ cho người dân, tổng vệ sinh môi trường tại xã Ba Nam.

Bộ Y tế tiếp tục phối hợp, hỗ trợ địa phương triển khai các hoạt động giám sát và can thiệp phòng, chống hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân.

Cục Y tế dự phòng khẳng định hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân đã được các cơ quan chuyên môn Bộ Y tế xác định là do nhiễm độc tố vi nấm do ăn gạo bị mốc trên cơ địa người bị thiếu vi chất dinh dưỡng.

Nếu người dân thu hoạch, cất giữ, bảo quản và sử dụng lương thực không đảm bảo chất lượng để cho nấm mốc phát triển thì vẫn tiềm ẩn nguy cơ tái mắc bệnh trong cộng đồng.

Để khống chế bệnh, biện pháp can thiệp chính là sử dụng thóc, gạo không bị nấm mốc kết hợp với hỗ trợ tăng cường dinh dưỡng và vệ sinh môi trường. Việc cung cấp gạo mới cho người dân thay thế gạo cũ là giải pháp trước mắt. Về lâu dài, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, hướng dẫn người dân thay đổi hành vi trong thu hoạch, cất giữ, bảo quản và sử dụng lương thực, đặc biệt là gạo đảm bảo chất lượng không để nấm mốc có điều kiện phát triển là rất cần thiết.

Thời gian qua, Bộ Y tế đã phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi, các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Y tế và các bộ, ngành để chỉ đạo triển khai đồng bộ các biện pháp can thiệp.

Trong năm 2013, chính quyền địa phương tiếp tục cấp 450 tấn gạo do Chính phủ hỗ trợ và trên 100 tấn gạo từ các nguồn hỗ trợ khác cho toàn bộ người dân trong vùng mắc bệnh, đồng thời vận động, hướng dẫn, giám sát người dân thu hoạch, phơi khô thóc trước khi cất vào chòi, ăn gạo trắng thay cho gạo cũ và cấp phát thùng tôn trữ thóc, gạo cho các hộ gia đình.

Ngành y tế đã hỗ trợ trên 200 triệu đồng để mua thuốc bổ gan, viên đa vitamin cấp phát cho người dân; tuyên truyền, hướng dẫn người dân ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất và vệ sinh phòng bệnh; đồng thời triển khai các biện pháp giám sát dịch tễ, quản lý các trường hợp mắc bệnh trước đây và người có nguy cơ cao tại cộng đồng.

Chính quyền và các ban ngành địa phương phối hợp đẩy mạnh công tác vệ sinh môi trường thông qua triển khai phong trào vệ sinh yêu nước, cung cấp nước sạch và vận động người dân tích cực tham gia vệ sinh môi trường, cải thiện điều kiện sống. Các biện pháp can thiệp đã mang lại hiệu quả khống chế tỷ lệ mắc và tử vong do hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục