Ngày 5/7, tại thắng cảnh Hang Câu, Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố quyết định và trao bằng chứng nhận chỉ dẫn địa lý tỏi Lý Sơn cho Ủy ban Nhân dân huyện đảo Lý Sơn.
Việc công nhận chỉ dẫn địa lý tỏi Lý Sơn sẽ là điều kiện để cơ quan chức năng có căn cứ để bảo vệ quyền lợi, giải quyết tranh chấp thương mại, mạo danh tỏi Lý Sơn đang diễn ra trên thị trường.
Theo chỉ dẫn, tỏi Lý Sơn có đặc điểm về hình thái và hóa học khác với tỏi các nơi khác. Cụ thể, hình dạng bé với ba chỉ số đặc thù là: củ nhỏ, trọng lượng trung bình khoảng 7,87 (gram/củ); chiều cao trung bình khoảng 26,22 (mm); đường kính củ trung bình 24,95 (mm).
Ngoài ra, vỏ củ và vỏ tép có màu trắng vôi đặc trưng, thịt tỏi có màu trắng ngà và sắc xanh đặc trưng; mùi vị thơm dịu đặc trưng, không nồng hắc, ít cay, có vị ngọt đầu lưỡi.
Về hóa học, hai đặc điểm nổi bật của tỏi Lý Sơn là hàm lượng kali và hàm lượng các hợp chất lưu huỳnh hữu cơ bay hơi.
[Tỏi Lý Sơn mất mùa và mất giá, nông dân huyện đảo lao đao]
Bà Phạm Thị Hương - Phó chủ tịch Hội đồng Nhân dân huyện Lý Sơn cho biết, chính quyền địa phương luôn trăn trở tìm giải pháp căn cơ để cây tỏi giữ vững được thương hiệu, chỗ đứng trên thị trường nhất là giá trị kinh tế cao mà nó mang lại cho người dân huyện đảo.
Trên cơ sở đó, huyện đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ngãi và được hỗ trợ để thực hiện dự án “Chỉ dẫn địa lý tỏi Lý Sơn."
Quá trình thực hiện dự án cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhất là việc đối chứng các sản phẩm tỏi trên toàn quốc khi có một số vùng tỏi có diện tích lớn, địa lý tương đối giống Lý Sơn như Khánh Hòa, Ninh Thuận, Hải Dương…
Vì vậy, sau 2 năm trời ròng rã, tỏi Lý Sơn mới chính thức được công nhận chỉ dẫn địa lý. Đây là tin vui đối với người trồng tỏi trên đảo cũng như giúp người tiêu dùng có cơ sở để nhận diện về nguồn gốc, xuất xứ, trang bị logo đặc trưng về sản phẩm này - bà Hương chia sẻ.
Theo ông Đinh Hữu Phí - Cục trưởng Cục sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, để thương hiệu hay chỉ dẫn địa lý tỏi Lý Sơn phát triển bền vững, huyện cần triển khai một loạt các biện pháp như xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện đúng quy chế quản lý; dán tem nhãn mác; đảm bảo truy xuất nguồn gốc, chất lượng đúng như chỉ dẫn địa lý đã quy định.
"Việc đăng ký và bảo hộ chỉ dẫn địa lý tỏi Lý Sơn rất kỳ công và thật sự khó. Tuy nhiên, việc bảo vệ nó còn khó hơn, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tỉnh Quảng Ngãi cũng như bà con nông dân đang trực tiếp sản xuất tỏi và xa hơn nữa là sự vào cuộc của các cơ quan thực thi để tỏi Lý Sơn khi lưu thông trên thị trường đảm bảo được uy tín như đã được khẳng định" - ông Phí nhận xét.
Huyện Lý Sơn hiện có khoảng hơn 300ha tỏi, sản lượng tỏi mỗi năm đạt khoảng 3.000 tấn, được tiêu thụ khắp các tỉnh, thành trong cả nước./.