Từ ngày Quảng Ngãi xảy ra dịch COVID-19 (ngày 26/6) đến nay, chính quyền địa phương lẫn các ngành chức năng của tỉnh đã đồng loạt triển khai nhiều biện pháp thiết thực, hữu hiệu trong phòng, chống dịch.
Nhờ vậy, dịch bệnh đã và đang được khống chế, kiểm soát tốt. Số ca mắc có phần giảm, số ca khỏi bệnh liên tục tăng, khu vực xuất hiện dịch ngày càng thu hẹp…
Để đạt được kết quả trên, không thể không kể đến những “chiến binh” thầm lặng, quả cảm trên tuyến đầu chống dịch.
Người lính mang “quân hàm đỏ’’
Gần một tháng qua, đại tá Võ Văn Dương, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ngãi thường xuyên xuất hiện ở các “chiến tuyến."
Anh không quản ngày đêm, quên cả sự mệt nhọc, vất vả để sát cánh, đồng hành cùng đồng chí, đồng nghiệp; phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng triển khai gấp rút, kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch, không để lây lan diện rộng.
Ngoài vai trò chỉ huy thực thụ, các cán bộ, chiến sỹ mang “quân hàm đỏ” còn ưu ái ví anh như “thủ lĩnh tinh thần," giúp họ vững tâm, bền chí hơn trên tuyến đầu. Trong quá trình đó, đại tá Dương có rất nhiều kỷ niệm để đời.
Đại tá Dương kể lại: "Ngày 3/7, khi nhận diện thôn Thạch By 1, Thạch By 2, phường Phổ Thạnh là “rốn dịch” của thị xã Đức Phổ, chúng tôi ngay lập tức thực thi lệnh phong tỏa diện hẹp. Cùng thời điểm đó, hay tin 15 cán bộ, chiến sỹ của Công an tỉnh Quảng Ngãi vừa tốt nghiệp, được trường Đại học An ninh nhân dân bố trí xe đưa về địa phương, tôi cùng một số anh em khác tức tốc đi đón, trực tiếp dẫn đoàn về đơn vị. Vừa đến nơi, lãnh đạo Công an tỉnh nhanh chóng tổ chức gặp mặt, gấp rút làm công tác tư tưởng, gắn quân hàm rồi điều đi chi viện cho thị xã Đức Phổ."
"Đó là đội quân đặc biệt, nhận nhiệm vụ đặc biệt. Họ lao vào tâm dịch để hỗ trợ phong tỏa vòng trong, bám trụ đến cùng ở đó cho đến khi dịch lắng xuống mới về nhận công tác chính thức," đại tá Dương chia sẻ.
Xe lăn bánh, thẳng tiến thị xã Đức Phổ; đại tá Dương nhất quyết theo cùng. Trên xe, anh liên tục kể những câu chuyện vui, rồi truyền đạt lại những kinh nghiệm về phòng, chống dịch mà anh từng trải, từng đúc kết để những người "lính trẻ" ấy hiểu hơn, tự tin hơn khi sắp sửa đương đầu với đại dịch đang diễn biến phức tạp.
Đai úy Dương Tuấn Vương, một trong những thành viên của “đội quân đặc biệt” hôm ấy cho biết: "Tôi chưa kịp về thăm nhà, chưa kịp nộp hồ sơ, thủ tục cho Công an tỉnh thì nhận lệnh lên đường đi Đức Phổ. Bản thân tôi rất vui và tự hào khi được cơ quan tín nhiệm giao trọng trách. Dù phải công tác trong điều kiện không mấy thuận lợi, đuối sức vì tần suất làm việc tương đối cao nhưng không vì thế mà chúng tôi nản lòng, vẫn cố gắng hằng ngày, hàng giờ để kiểm soát chặt chẽ người ra vào khu phong tỏa, cách ly, tuyệt đối không để lọt, sót trường hợp nào đáng nghi ngờ."
Theo mạch chuyện của đại tá Dương, rạng sáng 6/7, khi người dân còn chìm sâu trong giấc ngủ, chốt kiểm tra y tế Dốc Sỏi, huyện Bình Sơn bất ngờ báo về thông tin, có một lái xe Quảng Nam buôn bán tại Chợ đầu mối nông sản thành phố Quảng Ngãi qua test nhanh có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Anh cùng đồng đội vội vã đến khu vực này để tiến hành phong tỏa, phối hợp cùng với lực lượng của ngành y tế truy vết, xét nghiệm nhanh cho toàn bộ tiểu thương và người dân trong khu vực.
Anh bộc bạch các biện pháp “thần tốc tạm thời” có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nó quyết định đến thắng bại trong phòng, chống dịch. Chính vì thế, nhiệm vụ này cần được thực hiện nhanh nhất và tốt nhất có thể.
Tại cuộc họp bàn biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 do Ủy ban Nhân dân tỉnh tổ chức mới đây, đại tá Dương cười tươi khi thấy chúng tôi tới dự, rồi chỉ tay vào người mình nói vui: "Dịch né thân gày này nên tôi mới có cơ hội xông pha nhiều. So với anh em trong 'tâm dịch' và tuyến đầu cắm chốt (chốt kiểm tra y tế, chốt phong tỏa) thì chưa sánh bằng đâu bởi họ còn gian nan gấp bội lần vì phải ăn, ngủ, sinh hoạt tại chỗ trong điều kiện thiếu thốn đủ bề." Hành động thân thiện, gần gũi pha chút hài hước ấy như xóa tan đi bầu không khí căng thẳng của buổi họp.
“Chiến binh” blouse trắng
Trên “mặt trận” chống dịch, còn có những người hùng thầm lặng mang tên “chiến binh blouse trắng." Những y, bác sỹ tại Bệnh viện điều trị COVID-19 tỉnh (cơ sở 1), xã Bình Hải, huyện Bình Sơn luôn làm việc trong môi trường tiềm ẩn những rủi ro, nguy cơ cao.
Bác sỹ Nguyễn Anh Khôi đã có nửa tháng trời gắn bó với bệnh viện này. Anh là người trực tiếp điều trị cho những bệnh nhân COVID-19.
Bác sỹ Khôi cho hay ban đầu anh cảm thấy rất lo lắng, hồi hộp vì số lượng người mắc chuyển về đây khá nhiều cộng với thời gian tiếp xúc với họ kéo dài nên nếu không đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch thì nguy cơ lây nhiễm chéo là rất cao. Tuy nhiên, với sự động viên thường xuyên của lãnh đạo bệnh viện, đồng nghiệp, gia đình mà anh thấy ấm lòng hơn, thấy việc làm của mình càng có ý nghĩa.
[Quảng Ngãi: Ba bệnh nhân mắc COVID-19 được công bố khỏi bệnh]
Anh chia sẻ ngày nào cũng vậy, từ sáng tới khuya, cứ khoác bộ đồ bảo hộ kín mít trên cơ thể, hiếm khi có thời gian cởi ra nên rất nóng, đổ mồ hôi nhớp nháp, ngứa da thậm chí rất bất tiện trong việc theo dõi, thăm khám bệnh nhân. Chưa kể, quá trình điều trị cho bệnh nhân đòi hỏi phải tập trung cao độ nên hầu như số lần anh gọi điện thoại về nhà rất ít.
Nhưng rồi, những trở ngại đó chẳng thể nào kéo lùi quyết tâm của đội ngũ y, bác sỹ nói chung, bác sỹ Khôi nói riêng. Họ vẫn cống hiến hết mình trên hành trình giành lấy sự sống cho bệnh nhân, nhất là những bệnh nhân COVID-19 nặng.
“Có những bệnh nhân lớn tuổi, nặng tai nên tôi không thể trao đổi bằng lời nói trực tiếp được, đành phải ghi thông tin ra giấy cho họ đọc. Vui nhất là lúc chứng kiến bệnh nhân cười thật tươi khi biết bệnh tình của mình được chữa trị có tiến triển tốt, hoặc những khi đón nhận những lá thư cảm ơn với những câu chữ đầy xúc động mà họ dúi vào tay mình," bác sỹ Khôi bày tỏ.
Nhờ sự tận tâm, nhiệt tình của những người như bác sỹ Khôi mà số bệnh nhân mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh được công bố khỏi bệnh ngày càng tăng.
Đến ngày 19/7, có gần 30/212 bệnh nhân mắc COVID-19 xuất viện trong sự hân hoan, chào đón của mọi người.
Sức trẻ nơi tâm dịch
Khi thấy Quảng Ngãi căng mình chống dịch, chàng sinh viên Nguyễn Hữu Thuần đang học tại trường Cao đẳng Y tế Đặng Thùy Trâm (trên đường Nguyễn Chánh, thành phố Quảng Ngãi) đã tự nguyện đăng ký với Sở Y tế tỉnh vào hỗ trợ tâm dịch - phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ.
Thuần được ngành chức năng của tỉnh chỉ định làm Tổ trưởng, dẫn theo 25 sinh viên khác lên đường theo “tiếng gọi con tim." Tổ của Thuần có nhiệm vụ lấy mẫu xét nghiệm cho người dân.
Thuần tâm sự: "Tụi em đều là sinh viên nên còn thiếu kinh nghiệm thực tiễn. Vào đây, các thành viên trong tổ phải mất 3-4 ngày mới thành thục phương pháp lấy mẫu. Mỗi người phải lấy hơn 200 mẫu xét nghiệm/ngày. Cứ đều đặn như thế, những mẫu xét nghiệm được chuyển về điểm tập kết và gửi vào Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để thực hiện các bước tiếp theo, góp phần giảm gánh nặng cho ngành y tế."
Công tác này của nhóm bạn trẻ đôi khi gặp không ít khó khăn vì có nhiều trường hợp người dân không chịu hợp tác, cố tình né tránh hoặc có trường hợp là người già, người tàn tật không đi lại được nên các thành viên phải trực tiếp đến tận nhà thực hiện việc lấy mẫu.
Ngoài ra, do làm việc trong điều kiện thời tiết oi bức, nóng nực nên một số thành viên có dấu hiệu kiệt sức, nôn ói; những thành viên còn lại phải hỗ trợ di chuyển ra chỗ có bóng mát, tiến hành sơ cứu và giúp bổ sung điện giải để sớm hồi phục sức khỏe, tiếp tục công việc.
"Dù thế nào đi nữa, chúng tôi luôn tự nhủ phải thật kiên cường, mạnh mẽ, 'chiến đấu' với dịch. Chừng nào dịch còn thì chúng tôi còn ở đây để phục vụ," sinh viên Nguyễn Hữu Thuần dõng dạc.
Sự hy sinh thầm lặng của các “chiến binh” trên tuyến đầu chống dịch đã góp phần giúp tỉnh Quảng Ngãi dần đẩy lùi dịch bệnh./.