Chiều 6/5, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi đã có buổi làm việc với Ủy ban Nhân dân tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan về tình hình kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh-quốc phòng trước Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội; ông Đặng Ngọc Huy, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì buổi làm việc.
Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi, trong 4 tháng năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp tính ước giảm 0,89% so với cùng kỳ năm 2022.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng khá, như sản phẩm lọc dầu ước đạt 2,352 triệu tấn, tăng 4,7%; thủy sản chế biến ước đạt 3,7 nghìn tấn, tăng 3,1%; bia các loại ước đạt 72,6 triệu lít, tăng 9,7%; phân hóa học 9,3 nghìn tấn, tăng 2,3%; sản phẩm may mặc ước đạt 5,3 triệu cái, tăng 43,5%…
Sản lượng thủy sản ước đạt 93.529,7 tấn, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng ước đạt 23.321 tỷ đồng, tăng 11,7% so với cùng kỳ.
Tổng thu ngân sách trên địa bàn 4 tháng đầu năm 2023 ước đạt 9.252 tỷ đồng, bằng 75,2% so với cùng kỳ và bằng 37,7% dự toán năm. Tổng chi ngân sách địa phương ước đạt 4.267 tỷ đồng, tăng 22,8% so với cùng kỳ và bằng 24,3% dự toán năm…
Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng kiến nghị một số vấn đề: Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu, đề xuất nâng mức chi đầu tư phát triển, đặc biệt là đối với các địa phương có điều tiết về ngân sách trung ương, sử dụng 50% từ nguồn tăng thu ngân sách địa phương để cải cách tiền lương và 50% để chi đầu tư phát triển.
Ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu hàng năm cho Khu kinh tế Dung Quất tương ứng mức 10-15% số thu trên địa bàn nộp về ngân sách trung ương để tái đầu tư, sửa chữa, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng.
[Quảng Ngãi đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn]
Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, nghiên cứu, điều chỉnh một số chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và kế hoạch sử dụng đất đến năm 2025 quốc gia phân bổ trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi phù hợp với yêu cầu thực tiễn; đồng thời cho phép tỉnh cũng như các địa phương chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh lập Phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai trong quy hoạch tỉnh trên cơ sở chỉ tiêu đất tính toán theo nhu cầu, định hướng phát triển trong thời kỳ quy hoạch, theo hướng mở so với chỉ tiêu đất đai được phân bổ tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09/3/2022 để tạo sự chủ động cho các địa phương, tránh việc phải điều chỉnh quy hoạch sau này…
Tại buổi làm việc Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Trần Phước Hiền và lãnh đạo các sở, ngành, cơ quan đã làm rõ một số vấn đề Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh yêu cầu như vì sao tăng trưởng Quảng Ngãi âm; về Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững; tình hình lạm phát, hạ lãi suất; khó khăn trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn; những khó khăn, bức xúc của người dân huyện Tây Trà (cũ) sau khi huyện Tây Trà sáp nhập với huyện Trà Bồng; những vấn đề liên quan nguồn vốn ODA; những khó khăn trong quá trình quy hoạch tỉnh…
Phát biểu tại buổi làm việc, Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội đã thông tin về tình hình kinh tế-xã hội của Việt Nam cũng như một số dự báo của các chuyên gia về tình hình kinh tế thời gian tới.
Phó Chủ tịch Quốc hội đồng tình với các giải pháp lớn của tỉnh Quảng Ngãi trong thời gian tới; đồng thời lưu ý tỉnh cần tiếp tục quyết liệt thực hiện điều hành của Chính phủ; khuyến khích cán bộ dám nghĩ dám làm; đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh cơ cấu lại hệ thống ngân hàng.
Tỉnh có giải pháp tổng thể để hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó cải cách hành chính, đổi mới sáng tạo, điều hành và vai trò của người đứng đầu rất quan trọng.
Đối với các kiến nghị của Quảng Ngãi, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh ghi nhận, tiếp thu, tổng hợp và sẽ kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương./.