Dự kiến vào tháng 10/2023, Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ sang Việt Nam kiểm tra lần thứ tư nhằm hướng tới tháo gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam. Do đó, tỉnh Quảng Ngãi đang quyết liệt triển khai các biện pháp nhằm ngăn chặn các hoạt động khai thác bất hợp pháp.
Để chống khai thác hải sản bất hợp pháp (IUU), Ban Chỉ đạo chống khai thác hải sản bất hợp pháp tỉnh Quảng Ngãi liên tục kiểm tra, rà soát các cảng cá, bến cá; đánh giá tình hình thực hiện các quy định kiểm soát việc khai thác hải sản trên địa bàn theo quy định và kiểm điểm, tăng cường các biện pháp nhằm kiên quyết không để tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp xảy ra…
Thượng tá Nguyễn Ngọc Thanh, Phó Tham mưu trưởng, Bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi cho biết Bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi phối hợp với Chi cục Thủy sản tỉnh thường xuyên tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra việc khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản đối với tất cả phương tiện nghề cá hoạt động trên vùng nước nội thủy và lãnh hải của tỉnh Quảng Ngãi. Qua đó, lập biên bản và xử lý theo quy định một số tàu cá, chủ tàu cá vi phạm nhằm răn đe và tuyên truyền giáo dục cho ngư dân thực hiện tốt vấn đề này.
“Ngoài việc tuần tra, kiểm soát, chúng tôi còn đến gặp từng chủ tàu, thuyền trưởng, thuyền viên để phát tài liệu, giải thích cặn kẽ những quy định trong chống khai thác IUU, nhất là các hình thức xử phạt nếu vi phạm...”, Thượng tá Thanh nhấn mạnh.
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi, đến cuối tháng 7/2023, tỉnh có 2.934 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đang hoạt động đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Trong số 207 tàu còn lại có 128 tàu đã nằm bờ nhiều năm và 55 tàu hoạt động ở ngoài tỉnh nhiều năm không về địa phương.
“Hiện Quảng Ngãi còn tàu cá hoạt động trong tỉnh chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Các chủ tàu đã ký cam kết với cơ quan chức năng địa phương sẽ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trong thời gian tới.
Danh sách các tàu này đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống kê hàng tháng gửi cho các cơ quan, địa phương trong và ngoài tỉnh theo dõi, giám sát và xử lý nghiêm khi các tàu này tham gia hoạt động khai thác thủy sản trên biển,” Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Nguyễn Văn Mười cho biết.
Mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp quản lý tàu cá trên địa bàn, nhưng tình trạng phương tiện không đăng ký, đăng kiểm; hành nghề không có giấy phép khai thác vẫn còn diễn ra.
[Việt Nam làm việc với Ủy ban châu Âu về vấn đề khai thác IUU]
Tính từ đầu năm đến nay, thông qua hệ thống giám sát tàu cá, cơ quan chức năng đã phát hiện 81 tàu cá vượt ranh giới cho phép trên biển và 260 tàu cá mất kết nối trên biển trên 10 ngày. Từ đó, xử phạt vi phạm hành chính 31 chủ tàu, thuyền trưởng vi phạm chống khai thác IUU với số tiền hơn 500 triệu đồng.
Nguyên nhân chủ yếu là do các chủ tàu, thuyền trưởng không duy trì hoạt động thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hoạt động trên biển đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m đến dưới 24m; sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m đến dưới 24m khai thác thuỷ sản tại vùng ven bờ, vùng lộng; thuyền trưởng, máy trưởng không có văn bằng, chứng chỉ theo quy định...
Ngư dân Nguyễn Đình Danh, Chủ tàu cá QNg 92503 TS - người vừa bị cơ quan chức năng phát hiện, lập biên bản và đình chỉ khai thác do hoạt động sai tuyến cho biết tàu cá QNg 92503 TS chuyên hành nghề giã cào ở vùng khơi nhưng vừa rồi do tàu mới làm nước nên thử máy ở vùng lộng trước khi ra khơi xem máy có vấn đề gì không. Tuy nhiên, khi đang thử máy khai thác hải sản cơ quan chức năng phát hiện, xử lý.
“Tôi không cố ý hoạt động sai tuyến mà đơn giản chỉ nghĩ thử máy nhưng lúc bị cơ quan chức năng phát hiện thì đúng tàu tôi đang hoạt động sai tuyến nên phải chịu phạt,” ông Nguyễn Đình Danh bày tỏ.
Nhằm góp phần nhanh chóng tháo gỡ "thẻ vàng" IUU của EC, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền đã có văn bản số 3412/UBND-KTN, ngày 19/7 vừa qua, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và địa phương có liên quan tập trung thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nhiệm vụ chống khai thác IUU.
Không để xảy ra tình trạng tàu cá, ngư dân của địa phương bị nước ngoài bắt giữ, xử lý nhằm góp phần cùng với cả nước phấn đấu mục tiêu đến tháng 10/2023 gỡ “thẻ vàng” của EC.
Đặc biệt, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động rà soát, tổng hợp, đánh giá các nội dung làm việc với Đoàn Thanh tra EC, làm cơ sở xây dựng kế hoạch mới nhằm chuẩn bị kỹ, kịp thời về kế hoạch, nội dung làm việc với Đoàn Thanh tra của EC lần thứ tư.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Ngãi Hồ Trọng Phương cho biết: Để chuẩn bị tốt các nội dung làm việc với EC, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ phối họp cùng một số cơ quan chức năng thành lập các Đoàn để đến các tỉnh có tàu thuyền Quảng Ngãi ra vào thường xuyên như Đà Nẵng, Bình Định để làm việc cụ thể với các tỉnh đó về quản lý đội tàu thuyền của tỉnh Quảng Ngãi; thành lập các Đoàn liên ngành kiểm tra, kiểm soát tàu thuyền ra vào cảng, quản lý sản lượng thủy sản sau khi đánh bắt.
“Hiện tại, Quảng Ngãi đang thực hiện tốt các khuyến nghị của EC trong các đợt thanh tra trước đó, đồng thời chạy nước rút để hoàn thành các khuyến nghị của EC đợt tới. Đặc biệt, Quảng Ngãi nỗ lực, quyết tâm cùng với các tỉnh, thành ven biển trong cả nước gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam,” ông Phương nhấn mạnh./.