Ngày 9/11, Đoàn công tác của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường làm trưởng đoàn đã kiểm tra công tác phòng chống bão số 6 tại Quảng Ngãi.
Đoàn công tác đã đến kiểm tra tại tuyến kè biển Phổ Thạnh và cảng neo trú Sa Huỳnh, huyện Đức Phổ. Đây là những khu vực có sóng lớn, nguy cơ xảy ra triều cường xâm thực các khu dân cư ven biển rất cao.
Hiện tại, có gần 500 tàu thuyền đã vào cảng Sa Huỳnh neo trú an toàn. Các lồng bè nuôi trồng thuỷ sản cạnh đó của người dân cũng được neo kiên cố tại vị trí ít bị ảnh hưởng.
[Từ chiều tối 10/11, 4 tỉnh ven biển chịu ảnh hưởng trực tiếp bão số 6]
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao sự chủ động, linh hoạt của tỉnh Quảng Ngãi trong công tác ứng phó với bão số 6; đề nghị địa phương không được chủ quan vì đây là cơn bão có cường độ rất mạnh, phải nêu cao tinh thần cảnh giác, tổng rà soát tất cả các phương án.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo tỉnh khẩn trương hỗ trợ người dân chèn chống nhà cửa; chậm nhất đến trưa 10/11 phải hoàn tất công tác di dời đến nơi an toàn.
Đối với các tàu đang chạy sang vùng an toàn của Philippines tránh trú phải có văn bản gửi Bộ Ngoại giao để tham vấn, thường xuyên giữ liên lạc để nắm tình hình; phải rút kinh nghiệm ngay khi neo đậu sau “sự cố” của tỉnh Khánh Hòa trong cơn bão số 12 khi có tới 400 chiếc tàu bị chìm dù đã neo đậu kỹ lưỡng.
Bộ trưởng nhấn mạnh tỉnh phải phân công cụ thể những ai chịu trách nhiệm ở xã nào, cụm nào, vùng trũng nào và những điểm di dời dân đến, đặc biệt là các điểm sạt lở ở miền núi, sông suối có nguy cơ xảy ra lũ quét; phải sâu sát để giảm thiểu sự cố đáng tiếc xảy ra do chủ quan.
Báo cáo với Đoàn công tác, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Tăng Bính cho biết, toàn tỉnh hiện còn 189 tàu với 3.162 lao động đang hoạt động trên các vùng biển. Riêng khu vực quần đảo Trường Sa có 96 tàu với 2.290 lao động; đã liên lạc được tất cả các tàu. Các vùng trọng điểm có nguy cơ chịu ảnh hưởng của bão số 6 được xác định sơ bộ là huyện đảo Lý Sơn; các huyện phía Nam của tỉnh gồm: Đức Phổ, Ba Tơ, Mộ Đức, Minh Long, Nghĩa Hành và các xã bãi ngang ven biển. Tổng số hộ dân buộc phải di dời là 3.614 hộ với hơn 13.600 nhân khẩu.
Để ứng phó với bão số 6, tỉnh Quảng Ngãi đã có công văn cho học sinh nghỉ học vào ngày 11/11; huy động tối đa lực lượng tại địa phương hỗ trợ nhân dân đối phó với mưa lũ; yêu cầu chủ các công trình hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện chủ động vận hành công trình theo đúng quy trình vận hành được duyệt và triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho công trình và các khu dân cư vùng hạ du; tổ chức lực lượng thường xuyên trực kiểm tra và sẵn sàng phương án ứng cứu các công trình đê, kè, hồ chứa nước xung yếu.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Nguyễn Tăng Bính, tỉnh đã thành lập Sở chỉ huy tại 2 địa phương là Lý Sơn, Đức Phổ để huy động các lực lượng vũ trang, bộ đội biên phòng, công an... ứng trực, giúp dân di chuyển. Dự kiến, tới sáng 10/11 phải hoàn tất việc di dời 1.000 hộ dân đến nơi an toàn.
Theo dự báo, bão số 6 khả năng làm cho vùng biển Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 9, cấp 10, lượng mưa dự báo đạt khoảng 200mm. Do đó, huyện đảo này đang khẩn trương chuẩn bị các phương án ứng phó bão.
Ông Nguyễn Văn Danh cùng với hàng trăm người dân huyện đảo Lý Sơn khẩn trương chằng chống lại nhà cửa để bảo vệ tài sản, tính mạng của mình; chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm để sử dụng trong những ngày mưa bão.
Tính đến trưa 9/11, có 320 phương tiện tàu cá và gần 40 lồng bè nuôi cá thương phẩm cùng hàng trăm ca nô, thuyền thúng đã được ngư dân đưa vào Vũng neo đậu tàu thuyền Lý Sơn tránh bão an toàn. Một số phương tiện tàu thuyền của huyện đảo hành nghề tại ngư trường Hoàng Sa-Trường Sa cũng đã tìm được nơi neo trú an toàn.
Lý Sơn có 15 công trình dự án đang thi công, trong đó có 5 công trình có thể chịu ảnh hưởng trực tiếp bão số 6. Huyện Lý Sơn đã yêu cầu các đơn vị thi công có điểm dừng kỹ thuật an toàn; đồng thời di dời các trang thiết bị thi công, vật liệu xây dựng đến nơi an toàn; công nhân tuyệt đối không ở lại các lán trại trên công trường.
Ông Lê Văn Ninh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Lý Sơn, cho biết: “Chúng tôi đã chỉ đạo các địa phương kiểm tra, rà soát, lên phương án di dời dân nếu bão đổ bộ vào Lý Sơn. Ủy ban nhân dân huyện cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng trên huyện đảo phải sẵn sàng cho người dân vào tránh, trú bão. Tất cả mọi phương án phải nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản cho nhân dân.”
Do ảnh hưởng của cơn bão số 5, đêm 30/10/2019, con tàu PV Alliance có trọng tải 5.000 tấn đã bị mắc cạn tại vùng biển xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
Tàu PV Alliance trực thuộc Công ty PV Trans, do ông Trần Đắc Định, quê ở tỉnh Nam Định làm thuyền trưởng. Tàu mang số hiệu Imo là 9081239, nhập cảng Dung Quất ngày 19/10.
Sau nhiều ngày mắc cạn, tàu PV Alliance đang đối mặt với nguy cơ bị hư hại nặng do bão số 6. Điều khiến các cơ quan chức năng lo ngại là nguy cơ tràn dầu có thể xảy ra gây ảnh hưởng đến môi trường biển.
Ông Lê Văn Lương, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi, cho biết các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi đã có cuộc họp khẩn nhằm bàn giải pháp bảo vệ tàu chở dầu, tránh xảy ra sự cố gây tràn dầu hoặc ảnh hưởng đến luồng hàng hải.
“Tàu PV Alliance hiện chứa 16.000 lít dầu DO và trên 60.000 lít dầu FO. Dầu DO ở dạng lỏng nên rất dễ lan ra biển nếu tàu gặp sự cố, do đó chúng tôi đã yêu cầu chủ tàu hút hết dầu DO ra khỏi tàu và chuẩn bị phương án xử lý nếu xảy ra sự cố tràn dầu. Nhưng lượng dầu FO lại ở dạng đặc, không thể đưa ra khỏi tàu trước khi bão ảnh hưởng đến tỉnh Quảng Ngãi, nên chủ tàu phải neo giữ, chống va đập vào đá gây hư hỏng cho con tàu," ông Lương cho hay.
Bão số 6 được dự báo khá mạnh, tàu PV Alliance khó tránh khỏi bị ảnh hưởng nếu bão đi vào đất liền. Do đó, phương án neo tàu phải tính đến việc chấp nhận tàu bị sóng đánh dạt lên bờ, tuyệt đối không để tàu bị cuốn trôi ra biển.
“Nếu sóng đánh dạt tàu lên bờ sẽ gây hư hỏng nhưng dễ khắc phục. Nhưng nếu bị cuốn trôi thì có thể sẽ bị vỡ hoặc nhấn chìm, gây tràn dầu, làm ảnh hưởng đến luồng hàng hải tại cảng Dung Quất,” ông Lương lý giải./.