Quảng Ngãi: Ghi nhận 5 trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu

14 trường hợp này đều được lấy mẫu xét nghiệm bằng phương pháp PCR để xác định, kết quả có 5 trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu.
Quảng Ngãi: Ghi nhận 5 trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu ảnh 1Tiêm chủng vắc xin phòng bệnh bạch hầu tại Đắk Lắk. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Chiều 15/10, ông Nguyễn Xuân Mến, Giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi xác nhận, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 5 trường hợp dương tính và 9 trường hợp nghi nhiễm bệnh bạch hầu.

14 trường hợp này đều được lấy mẫu xét nghiệm bằng phương pháp PCR để xác định, kết quả có 5 trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu, 9 trường hợp còn lại đang tiếp tục làm các xét nghiệm để khẳng định.

Hiện nay, 1 trường hợp đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, 1 người điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi và 12 người đang điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh. Tất cả đều ở huyện miền núi Ba Tơ. Độ tuổi mắc bệnh từ 13 tháng đến 35 tuổi. Đáng chú ý, có gia đình có 2 người đều có triệu chứng mắc bệnh bạch hầu.

Hiện các bệnh nhân đều có sức khỏe ổn định, nhưng vẫn được theo dõi tích cực để dự phòng các biến chứng nguy hiểm.

[Số ca mắc bệnh bạch hầu tại Việt Nam qua các năm]

Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn gây ra với các triệu chứng thường gặp nhất là các mảng màu trắng, có độ dày trong họng và amidan. Vì là bệnh truyền nhiễm nên việc cách ly, đảm bảo an toàn phòng tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện được thực hiện nghiêm.

Bác sỹ Huỳnh Tấn Đạt, Khoa Nhiệt đới, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ngãi cho biết, bệnh bạch hầu là bệnh nguy hiểm, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra các biến chứng về đường hô hấp dẫn đến tử vong, viêm cơ tim, thần kinh. Nếu bệnh nhân mắc bệnh này mà bị viêm cơ tim, cần theo dõi 60 ngày sau khi xét nghiệm vì có diễn tiến muộn hơn so với những biến chứng tắc nghẽn đường thở.

Trước diễn biến phức tạp của bệnh bạch hầu, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi vừa ban hành văn bản hỏa tốc số 4981/UBND-KGVX về việc phòng, chống dịch bạch hầu trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Y tế triển khai các hoạt động vệ sinh phòng bệnh tại các cơ sở giáo dục, các trường học, lớp học, nhà trẻ đảm bảo môi trường thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng, đặc biệt là các huyện miền núi; chỉ đạo tổ theo dõi sức khỏe của trẻ em tại các trường mầm non, trường tiểu học và trung học cơ sở, thông báo cho các cơ sở y tế khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh (sốt kèm theo đau họng, ho hoặc khàn tiếng) để được cách ly, xử lý kịp thời, không để bùng phát ổ dịch. Phối hợp tốt với Trạm Y tế xã trong phòng, chống dịch.

Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chủ động phối hợp với Sở Y tế và chỉ đạo Trung tâm Y tế cấp huyện thực hiện ngay các biện pháp phòng, chống bệnh bạch hầu nhằm ngăn chặn bệnh bạch hầu lây lan ra cộng đồng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục