Để đối phó với cơn bão Haiyan đang chuẩn bị đổ bộ vào miền Trung, tại Quảng Ngãi, hàng ngàn hộ dân ở ở các vùng ven biển, vùng hạ lưu các hồ chứa nước nguy hiểm, vùng có nguy cơ sạt lở núi, nứt núi đang được di dời đến nơi an toàn.
Mọi công tác chuản bị ứng phó bão đang dần hoàn chỉnh để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão gây ra.
Có mặt tại xã biển Tịnh Kỳ, huyện Sơn Tịnh vào chiều 9/11, xã đã huy động 4 điểm là Trường tiểu học, Trường trung học cơ sở, Nhà văn hóa, Trạm y tế xã để làm nơi tạm trú cho dân.
“Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước gia đình tui hiện đã có tui cùng 3 đứa cháu đến trường tiểu học Tịnh Kỳ để tạm trú,” ông Nguyễn Vĩnh, xã Tịnh Kỳ cho biết.
Bên cạnh việc di dời đến các điểm an toàn do chính quyền địa phương sắp xếp, chỉ định, nhiều gia đình ở các xã ven biển còn di chuyển đến nhà người quen ở thành phố Quảng Ngãi và những khu vực an toàn khác.
Chị Tâm là người từ xã Bình Châu, huyện Bình Sơn trên đường đến nhà người quen ở thị trấn Sơn Tịnh, huyện Sơn Tịnh nói: "Nhà em là nhà cấp 4, lại gần biển nên sợ không an toàn, con em lại chỉ mới chỉ 13 tháng nên vợ chồng em quyết định đến mang theo những vật dụng cần thiết đến nhà người quen ở nhờ."
Tại xã biển Bình Hải, huyện Bình Sơn, ngay từ sáng sớm, chính quyền đã yêu cầu người dân chèn chống lại nhà cửa, khẩn cấp di dời, sơ tán đến những địa điểm tránh trú bão an toàn như nhà văn hóa, trường học, trạm y tế.
Đến 10 giờ, tại các điểm được chọn làm nơi sơ tán người dân tránh trú bão đã có hàng chục ngàn người. Nhiều gia đình đã đưa người già, trẻ em đến trước, còn đàn ông, thanh niên được huy động ở nhà chèn chống nhà cửa, sau đó mới đến nơi tránh bão.
Ông Phạm Như Sô, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi cho biết, hiện toàn huyện Bình Sơn có 15.000 hộ dân ở các xã Bình Hải, Bình Trị, Bình Đông phải di dời tránh bão Haiyan. Người dân đã được di dời đến những địa điểm tránh trú bão an toàn. Huyện yêu cầu chính quyền cơ sở hỗ trợ người dân trong việc ăn, ở những ngày mưa bão.
Tại huyện miền núi Trà Bồng, tính đến 16 giờ chiều nay đã có 1000 hộ dân vùng có nguy cơ sạt lở, vùng nứt núi được chính quyền địa phương di dời đến nơi ở an toàn.
Từ 8 giờ sáng đến lúc này, thôn Trà Lạc, xã Trà Lâm đã khẩn trương sơ tán hơn 105 hộ dân Làng Cheng, thôn Trà Lạc về trường học thôn. Chính quyền địa phương yêu cầu bà con chỉ mang theo những vật dụng cần thiết như chăn màn, xoong nồi dụng cụ nấu ăn, còn tất cả phải để lại chỗ cũ. Không ai được ở lại, để tránh nguy hiểm đến tính mạng người dân khi bão đỗ bộ vào đất liền.
Già làng Hồ Văn Ban, thôn Trà Lạc, xã Trà Lâm, Trà Bồng cho biết: "Người dân chúng tôi chấp hành chủ trương của chính quyền, phải đi tránh bão, chúng tôi vận động bà con dọn sớm lên trường học, nhà nào neo người thì vận động thanh niên trong thôn giúp sức."
Cùng với việc khẩn trương di dân đến nơi an toàn, chính quyền huyện còn chỉ đạo lực lượng thanh niên, dân quân giúp dân kiểm tra lại tài sản, gạo thóc, dọn lên nơi cao ráo để có gạo ăn trong những ngày tránh bão.
Các thôn xa trung tâm xã, nhà ở tạm bợ, Ủy ban Nhân dân huyện đã chỉ đạo đưa về ngay các điểm trường học và trụ sở Ủy ban Nhân dân xã. Trước mắt xã đề nghị Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện xuất ngay hơn 5 tạ gạo dự trữ cấp ngay cho các hộ dân di dời tránh trú trong các ngày bão lũ; Chỉ đạo cấp ủy, chính quyền di dời dân vào những công trình trường học, trụ sở cơ quan kiên cố, đến 17 giờ chiều nay, công việc phải hoàn thành xong.
Hiện tại tất cả thành viên ban chỉ huy phòng chống lụt bão của huyện Trà Bồng điều về chỉ đạo trực tiếp tại các xã đã được phân công. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện đã chỉ thị địa phương nào để người dân ra ngoài trong thời gian bão đang hoạt động xảy ra thương tích, chết người, đơn vị đó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.
Trong ngày hôm nay, người dân tại các địa phương trong tỉnh đã chủ động chuẩn bị dự trữ lương thực, thực phẩm, xăng, dầu hỏa…để dùng trong nhiều ngày. Chị Hoàng Thị Trang, chủ tiệp tạp hóa tại huyện Sơn Tịnh cho hay, từ sáng nay, nhiều người dân đã đến mua các nhu yếu phẩm như mì tôm, sáp nến, các mặt hàng khô. Lượng hàng bán trong ngày hôm nay gấp 3-4 lần ngày thường.
Tuy vậy đến chiều nay, tại một số địa phương trong tỉnh, công tác di dời dân ở các vùng có nguy cơ sạt lở, các hộ sống ở những ngôi nhà cấp 4 không đảm bảo an toàn vẫn chưa được di dời; chính quyền địa phương cũng như người dân còn khá chủ quan.
Kiểm tra tại huyện Nghĩa Hành, Minh Long, ông Võ Văn Thưởng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã phê bình chính quyền địa phương nơi đây, yêu cầu phải gấp rút di dời dân đến nơi an toàn trước sáng 10/11, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản./.