Quảng Ngãi chậm chi trả hơn 22 tỷ đồng cho hộ dân khoán bảo vệ rừng

Việc chậm trễ chi trả tiền sẽ khiến các hộ gia đình nhận khoán mất quyền lợi và Ban quản lý rừng tỉnh Quảng Ngãi không đủ nhân lực để bảo vệ rừng bởi không thể duy trì hợp đồng khoán vì thiếu vốn.
Quảng Ngãi chậm chi trả hơn 22 tỷ đồng cho hộ dân khoán bảo vệ rừng ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Theo báo cáo số 2396/BC-SNNPTNT mới đây của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi, mặc dù Sở này đã có nhiều văn bản đề xuất nhưng đến nay, các cấp có thẩm quyền của tỉnh vẫn chưa bố trí nguồn kinh phí hơn 22 tỷ đồng để thanh toán cho các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia nhận khoán bảo vệ rừng và khoanh nuôi có trồng rừng bổ sung trong năm 2021.

Điều đáng nói, việc giao khoán bảo vệ rừng và khoanh nuôi có trồng rừng bổ sung năm 2021 đã hoàn thành và được nghiệm thu theo đúng quy định.

Việc chậm trễ trong chi trả tiền sẽ khiến các hộ gia đình nhận khoán mất quyền lợi và Ban quản lý rừng phòng hộ tỉnh Quảng Ngãi không đủ nhân lực để bảo vệ rừng bởi không thể tiếp tục duy trì hợp đồng khoán vì “thiếu” vốn.

[Đắk Nông: Điều chỉnh quy hoạch rừng, tháo gỡ khó khăn cho người dân]

Thông qua nội dung hỗ trợ giao khoán bảo vệ rừng, năm 2021, diện tích rừng hỗ trợ giao khoán được nghiệm thu trên địa bàn tỉnh là hơn 63.601ha, phân bố ở các huyện Ba Tơ, Sơn Hà, Sơn Tây, Minh Long và Trà Bồng; trong đó, diện tích khoán bảo vệ rừng theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP là hơn 25.211ha; diện tích khoán bảo vệ rừng theo Nghị quyết 30a/ 2008/NQ-CP hơn 38.390ha. Tổng kinh phí thực hiện là hơn 27,2 tỷ đồng.

Nhiệm vụ hỗ trợ giao khoán bảo vệ rừng vẫn được tỉnh tiếp tục duy trì thường xuyên theo các hợp đồng giao khoán đã ký với hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư tại các xã thuộc khu vực 2,3.

Việc này nhằm mục đích giữ vững sản xuất lâm nghiệp ổn định, phát triển lâu dài, đạt hiệu quả kinh tế cao; đồng thời, góp phần bảo vệ và duy trì diện tích rừng phòng hộ trên địa bàn các huyện miền núi; không gây ô nhiễm môi trường sống; đảm bảo ổn định độ che phủ rừng hàng năm cũng như tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập của hộ gia đình từ việc quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng lên trên 12 triệu đồng/ hộ/ năm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục