Quảng Ngãi: Bất cập sau tái định cư Hồ chứa nước Nước Trong

Hàng trăm hộ đồng bào Cor nằm trong diện được đền bù, giải tỏa của Dự án Hợp phần di dân, tái định cư Hồ chứa nước Nước Trong, huyện Tây Trà (Quảng Ngãi) đang rơi vào thế khó.
Quảng Ngãi: Bất cập sau tái định cư Hồ chứa nước Nước Trong ảnh 1Ruộng mới do Ban quản lý Dự án cấp cho dân nay trở thành bãi cỏ cho bò vì không có nguồn nước tưới để sản xuất

Hàng trăm hộ đồng bào Cor nằm trong diện được đền bù, giải tỏa của Dự án Hợp phần di dân, tái định cư Hồ chứa nước Nước Trong, huyện Tây Trà (Quảng Ngãi) đang rơi vào thế khó.

Bí thư Đảng ủy xã Trà Xinh Đinh Thế Hùng cho biết quỹ đất ruộng 2ha được Ban Quản lý Dự án Hợp phần di dân, tái định cư Hồ chứa nước Nước Trong cấp cho 30 hộ dân trong thôn vào cuối năm 2013. Để thuận lợi cho hoạt động sản xuất, Ban Quản lý đã thiết kế đường ống dài hơn 1km dẫn nước từ suối Nước Lát về. Tuy nhiên, sau nhiều đợt mưa lớn phía thượng nguồn, đầu ống đã bị vùi lấp, hư hỏng và đến nay vẫn chưa được khai thông. Kết quả là một vùng đất rộng lớn bị bỏ hoang, khô khốc không thể trồng trọt.

Theo ông Nguyễn Tiến, cán bộ địa chính xã, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do sai sót trong việc khảo sát, cải tạo ruộng của Dự án. Đơn vị thi công đã không lường trước được điều kiện thổ nhưỡng, mạnh tay cho xe đào xe múc cày xới cuốn đi hết lớp mùn bề mặt, chỉ còn trơ lại đất đỏ, sạn đá. Thứ hai, họ không tính toán kỹ lưỡng địa hình, giao đất cho dân ở khu vực cao hơn cả nóc nhà. “Cây cối không mọc được, làm sao trồng lúa,” ông Tiến nhận xét.

Ruộng nương bỏ hoang, đồng bào như ngồi trên đống lửa. Càng nghịch lý hơn, khoảng tháng 11/2016, Ban quản lý Dự án lại tiến hành cấp phát phân bón cho các hộ thuộc diện tái định cư bón ruộng, rải rừng.

Quảng Ngãi: Bất cập sau tái định cư Hồ chứa nước Nước Trong ảnh 2Không có ruộng, người dân chất đống phân bón được hỗ trợ. (Ảnh: Phước Ngọc/TTXVN)

Ông Phan Phê, thôn Trà Ôi, xã Trà Xinh bức xúc: "Họ giao ruộng cho mình mà không có nước, chẳng biết làm gì, đành lên rừng làm lúa rẫy được chừng nào hay chừng đó. Phân bón chất đống ở trước sân cũng không biết xử lý làm sao với số lượng lớn nhận về."

Ông Đinh Văn Mai, Phó Chủ tịch xã Trà Xinh, cho hay Ban quản lý Dự án cấp phát phân bón nhưng không tổ chức tập huấn cách bón phân cho nông dân thành ra bỏ không. Thời gian tới, địa phương sẽ hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng bắp và các loại rau ngắn ngày dựa vào nước trời. Song cách ấy cũng chẳng mấy khả thi vì phần rủi nhiều hơn phần may.

Sang xã Trà Thọ, đi từ đầu đến cuối khu tái định cư Bắc Nguyên 2, nhà nhà đều trữ phân. Nhà ít khoảng 50kg, nhiều lên tới vài tấn. Trải qua mùa mưa, bao bì mục nát, phân đổ tràn xuống đất. Tiếc của, một số hộ đem rải bón cho rau cải, xà lách.

Ông Hồ Văn Thông buồn bã kể: "Giờ ruộng không có phải tận dụng phân để bón rau màu thôi chứ không biết làm sao. Bỏ thì phí mà bảo chính quyền chở về rất khó. Tôi khẩn cầu huyện, tỉnh tìm hướng giải quyết vấn đề này cho hợp lòng dân, trường hợp bà con không biết sử dụng cần gom lại chuyển đi nơi khác, chỗ nào có ruộng nước sản xuất được sẽ ưu tiên."

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Trà Thọ Tiêu Viết Phương cho rằng việc cấp phân cho người dân cải tạo đất mới là tốt nhưng không phù hợp thời điểm. Địa phương sẽ có báo cáo cụ thể cho huyện để xin hướng xử lý lượng phân tồn trên địa bàn xã.

Ông Đỗ Đình Phương, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tây Trà, cho biết huyện sẽ xem xét kiến nghị của người dân; chỉ đạo các xã trích nguồn kinh phí dựng nhà bạt để bảo quản tốt hơn số phân mà Ban Quản lý Dự án hỗ trợ. Đồng thời, huyện sẽ yêu cầu đơn vị thi công đường ống dẫn nước cho các khu đồng ruộng mới sớm duy tu, sửa chữa tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân yên tâm sản xuất nông nghiệp, cải thiện đời sống.

Toàn huyện Tây Trà có năm khu tái định canh thuộc Dự án với tổng số hộ được cấp đất sản xuất 215 hộ với 993 nhân khẩu, trong đó có 215 hộ được cấp đất sản xuất ruộng lúa nước (hơn 10ha) và 113 hộ được cấp đất sản xuất vườn rừng (hơn 106ha). Tổng lượng phân cấp hỗ trợ cho các hộ này hơn 358 tấn, trị giá gần 2 tỷ đồng.

Kinh phí bỏ ra lớn nhưng hiệu quả sử dụng thấp đã làm thất thoát không nhỏ nguồn ngân sách nhà nước. Điều ấy trái ngược hẳn tại một số nơi khi người dân phải tự bỏ tiền túi ra mua phân về bón ruộng. Đã đến lúc, Ban Quản lý Dự án Hồ chứa nước Nước Trong có những động thái tích cực để khắc phục tình trạng bất cập này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục