Ngày 21/4, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam tổ chức kỳ họp thứ 7 khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026.
Đây là kỳ họp chuyên đề của Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua một số báo cáo, tờ trình, dự án của Ủy ban Nhân dân tỉnh trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội.
Phát biểu tại kỳ họp, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Phan Việt Cường khẳng định từng bước khắc phục khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, với sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị, cùng với sự đồng thuận, đồng lòng của nhân dân, sự chung tay đầy trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp, toàn tỉnh đã tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều nhiệm vụ, giải pháp ngay từ những tháng đầu năm để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Nhờ đó, kinh tế-xã hội của tỉnh trong 3 tháng đầu năm 2022 đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Quảng Nam đã chủ động có biện pháp phù hợp phòng, chống dịch bảo đảm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19,” tập trung phát triển kinh tế, vừa đảm bảo an sinh xã hội.
Cải cách hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh tiếp tục được cải thiện.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh (GRDP) ước tính tăng 11,24%, cao so với bình quân chung của cả nước.
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn (tính đến cuối tháng 3/2022) đạt 8.954 tỷ đồng, đạt 38% dự toán năm và tăng 18% so với cùng kỳ, dẫn đầu các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Trong số đó, thu nội địa 6.265 tỷ đồng, đạt 35% dự toán năm và tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kỳ họp lần này, Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Nam thống nhất biểu quyết thông qua 19 báo cáo, tờ trình, đề án, dự thảo nghị quyết do Ủy ban Nhân dân tỉnh trình.
Trong số đó, có các đề án có ý nghĩa quan trọng, tác động đến sự phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an sinh xã hội của tỉnh trong giai đoạn tới như: cơ chế khuyến khích bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu giai đoạn 2022-2025; hỗ trợ cải thiện mức sống cho một số đối tượng thuộc hộ nghèo đang hưởng chính sách người có công cách mạng và bảo trợ xã hội; quy định mức khoán kinh phí phục vụ nấu ăn tại các trường có tổ chức nấu ăn cho trẻ em, học sinh ở xã, thôn đặc biệt khó khăn…
Đồng thời, tỉnh cũng quyết định nhiều nội dung quan trọng, chủ yếu về chế độ, chính sách liên quan trực tiếp đến người dân và đảm bảo các nguồn lực, nhằm cụ thể hóa quy định của Trung ương phù hợp với tình hình thực tế địa phương, tạo căn cứ pháp lý để các cấp, các ngành tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong thời gian tới.
Đặc biệt, tại kỳ họp lần này, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh bổ sung 52 danh mục cần thu hồi đất với tổng diện tích là 279,3ha trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố, gồm: Hội An, Điện Bàn, Thăng Bình, Đông Giang, Phú Ninh, Núi Thành, Duy Xuyên, Hiệp Đức và đề nghị chuyển mục đích sử dụng đất 10 danh mục trên địa bàn các huyện Đông Giang, Hiệp Đức, Thăng Bình, Phú Ninh.
Phần lớn các danh mục Ủy ban Nhân dân tỉnh đề nghị bổ sung tại kỳ họp lần này sử dụng vốn ngân sách nhà nước (34/52 danh mục); trong đó có 6/7 danh mục đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh rà soát, báo cáo giải trình làm rõ theo đề nghị của Hội đồng Nhân dân tỉnh.
Để tạo điều kiện cho các địa phương thực hiện các thủ tục đất đai, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, đặc biệt là các dự án đầu tư công đã được cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư, Ban Kinh tế-ngân sách đề nghị Hội đồng Nhân dân tỉnh xem xét, thống nhất thông qua 51/52 danh mục dự án thu hồi đất, trong đó 34/34 danh mục sử dụng vốn ngân sách nhà nước, 17/18 danh mục sử dụng vốn ngoài ngân sách nhà nước.
Đồng thời, đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo rà soát chặt chẽ tính chất hoạt động, mục đích sử dụng đất của các dự án khu dân cư thương mại và chịu trách nhiệm toàn diện về thu hồi đất theo đúng quy định của pháp luật./.