Quảng Nam: Sơ tán người dân tại 93 điểm có nguy cơ cao sạt lở đất

Tỉnh Quảng Nam cũng đã chủ động xây dựng các phương án, lựa chọn các địa điểm tái định cư để di dời các hộ dân nằm trong khu vực nguy cơ sạt lở ở các huyện Bắc Trà My, Nam Trà My, Phước Sơn...
Trong năm 2024, huyện Nam Trà My đã triển khai đồng thời các khu tái định cư tập trung và tái định cư xen ghép tại chỗ cho 250 hộ đồng bào ở các xã Trà Tập, Trà Cang, Trà Linh và Trà Vân. (Ảnh: Đoàn Hữu Trung/TTXVN)

Theo Đề án phòng chống thiên tai của tỉnh Quảng Nam, toàn tỉnh có đến 93 điểm nguy cơ cao xảy ra sạt lở, tập trung ở miền núi,ven sông, ven biển.

Trong đó, nguy cơ rủi ro sạt lở đất đối với người dân ở khu vực miền núi đang ở mức báo động cao.

Những đợt mưa kéo dài khiến nhiều ngôi làng, khu dân cư và cả trụ sở hành chính các huyện miền núi Quảng Nam đối mặt với nguy cơ sạt lở...

Tại trung tâm hành chính huyện vùng cao Nam Trà My, nơi làm việc của hàng trăm cán bộ, nhân viên cũng đang đối mặt với nguy cơ sạt lở đất rất lớn... Khu vực trọng yếu này đã xuất hiện hàng chục vết nứt, ngày càng trở nên nguy hiểm hơn.

Sau đợt mưa bão năm 2020, một phần quả đồi nằm sau lưng trụ sở cơ quan Thi hành án huyện Nam Trà My đã bị sạt lở. Khu vực này hiện đã được kè chắn, tuy nhiên, một loạt trụ sở làm việc khác, gồm Huyện ủy, Ủy ban nhân dân, Tòa án... vẫn đang nằm trong vùng nguy hiểm.

Mới nhất, một vết nứt phía sau trụ sở Công an huyện rộng đến 1,8m; độ sâu quan sát được khoảng 1,5 - 2m nên khi có mưa lớn nguy cơ xảy ra trượt lở đất là rất cao.

Ông Trần Văn Mẫn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam cho biết: Nguy cơ lớn nhất là toàn bộ khu dân cư và trung tâm hành chính huyện sẽ bị đẩy về phía sông Nước Là.

Trước mắt, huyện đã chuẩn bị phương án sơ tán, di dời người dân, cán bộ công chức, lực lượng vũ trang đến các điểm an toàn nếu có sự cố xảy ra.

Không chỉ huyện Nam Trà My, công tác rà soát các điểm sạt lở luôn được các huyện miền núi Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Hiệp Đức... chủ động triển khai, xem đó là phương án tối ưu để phòng ngừa hiểm họa.

Từ việc chủ động rà soát, thời gian qua, nhiều địa phương kịp thời phát hiện các vết nứt, sụt lún trên các sườn núi, đảm bảo công tác sơ tán người dân đến nơi an toàn.

Tỉnh Quảng Nam cũng đã chủ động xây dựng các phương án, lựa chọn các địa điểm tái định cư để di dời các hộ dân nằm trong khu vực nguy cơ sạt lở ở các huyện Bắc Trà My, Nam Trà My, Phước Sơn, Nam Giang, Tây Giang...

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng cho biết: hiện nay nguy cơ rủi ro sạt lở đất đối với người dân ở khu vực miền núi, ven sông, ven biển rất cao, trong khi điều kiện sắp xếp dân cư còn rất khó khăn.

Do vậy, Ủy ban Nhân dân tỉnh đề nghị Ủy ban Nhân dân các huyện rà soát, lập phương án sắp xếp, ổn định dân cư cho các hộ dân chịu ảnh hưởng theo Nghị quyết số 23, ngày 22/7/2021 của Hội đồng Nhân dân tỉnh về quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ sắp xếp ổn định dân cư miền núi Quảng Nam, giai đoạn 2021-2025.

Đồng thời, các địa phương chủ động ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất trong thời gian tới; tăng cường tổ chức thực hiện công tác phòng, chống thiên tai.

Ủy ban Nhân dân các huyện miền núi tập trung rà soát, xác định, thống kê khu vực nguy hiểm để cảnh giới, cảnh báo; chủ động sớm phương án tổ chức di dời người, phương tiện, tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Đối với những nơi chưa có điều kiện để di dời ngay, thì phải có phương án chủ động sơ tán khi có tình huống thiên tai để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục