Quảng Nam: Nhanh chóng tiếp tế cho người dân 2 xã bị cô lập

Ở huyện miền núi Phước Sơn, do bị sạt lở núi nên giao thông trên địa bàn huyện đã bị chia cắt, cô lập khoảng 3.000 người tại 2 xã Phước Lộc, Phước Thành từ ngày 28/10 đến nay.
Các điểm sạt lở trên đường vào xã Phước Lộc, xã Phước Sơn (Quảng Nam). (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)
Các điểm sạt lở trên đường vào xã Phước Lộc, xã Phước Sơn (Quảng Nam). (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)

Do tác hại của bão số 9, nhiều địa phương của tỉnh Quảng Nam phải chịu thiệt hại nặng nề về người và của. Dù cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp, các lực lượng vũ trang cùng các hội, đoàn thể tỉnh Quảng Nam đã, đang khẩn trương triển khai nhiều giải pháp khắc phục, nhưng do địa hình phức tạp, mưa lũ khắc nghiệt nên tỉnh khó có thể nhanh chóng khôi phục.

Đặc biệt, các hộ dân ở 2 xã Phước Lộc, Phước Thành (huyện Phước Sơn) đang bị cô lập do mưa bão mấy ngày qua.

Để sớm khắc phục các thiệt hại do bão số 9 gây ra, giúp người dân khôi phục sản xuất, ổn định lại đời sống, ngày 30/10, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 5, Sư đoàn phòng không 372, lực lượng vũ trang, chính quyền địa phương khảo sát, xây dựng phương án tiếp tế lương thực, nước uống, y tế, nhu yếu phẩm thiết yếu khác đảm bảo trong 30 ngày cho người dân tại 2 xã Phước Lộc, Phước Thành, đang bị cô lập bằng đường không, đảm bảo kịp thời, an toàn nhất.

Theo đó, bão số 9 đã làm sập nhiều công trình của Nhà nước, tài sản của người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, nhất là ở các huyện miền núi.

[Khẩn trương tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương]

Đặc biệt, ở huyện miền núi Phước Sơn, do bị sạt lở núi nên giao thông trên địa bàn huyện đã bị chia cắt, cô lập khoảng 3.000 người tại 2 xã Phước Lộc, Phước Thành từ ngày 28/10 đến nay.

Do bão lũ quá lớn, hầu hết nhà của các hộ dân ở đây đều bị hư hại hoàn toàn, lương thực, thực phẩm, gia súc, nhu yếu phẩm đều bị cuốn trôi.

Trước tình trạng các hộ dân ở 2 xã bị cô lập, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng tìm cách nhanh chóng tiếp cận để tiếp tế lương thực, thực phẩm, nước uống, nhu yếu phẩm thiết yếu khác nhưng do đoạn đường từ trung tâm huyện đến 2 địa phương này khá xa (trên 50km), lại bị chia cắt bởi các điểm sông, suối và sạt lở đất rất phức tạp.

Để khắc phục các tuyến đường, cầu cống, cần mất thời gian dài trong khi thời tiết thường xuyên mưa, lũ, nhất là bão số 10 lại sắp đến nên khả năng tại chỗ của tỉnh Quảng Nam khó tiếp cận được nếu không có sự hỗ trợ, chi viện của các lực lượng thuộc Bộ Quốc phòng, quân khu 5 và các đơn vị, lực lượng chức năng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục