Quảng Nam: Mở rộng vùng trồng sâm gắn với chế biến và du lịch

Sản lượng sâm Ngọc Linh khai thác hằng năm của huyện Nam Trà My hiện đạt từ 5-7 tấn, tương đương giá trị khoảng từ 300-400 tỷ đồng và được dự báo sẽ tiếp tục tăng lên hàng chục tấn thời gian tới.
Sâm Ngọc Linh là sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. (Nguồn: TTXVN)

Sâm Ngọc Linh là cây dược liệu quý, được xem như “Quốc bảo” của Việt Nam. Là một trong hai địa phương sở hữu loại sâm quý hiếm này, tỉnh Quảng Nam đang đầu tư để mở rộng diện tích trồng sâm gắn với chế biến và phát triển du lịch nhằm nâng cao giá trị của cây sâm Ngọc Linh.

Mở rộng vùng trồng sâm

Cây sâm Ngọc Linh có tên khoa học là Panax vietnamensisHa et Grushv, phân bố tập trung chủ yếu trên dãy núi Ngọc Linh ở độ cao từ 1.200m- 2.500m thuộc địa phận giữa tỉnh Quảng Nam và Kon Tum.

Ở Quảng Nam, huyện Nam Trà My được xem như “thủ phủ” của cây sâm Ngọc Linh.

Trước đây, diện tích trồng sâm của huyện Nam Trà My chỉ tập trung ở 3 xã vùng cao Trà Nam, Trà Linh và Trà Cang với diện tích khoảng vài chục hécta.

Xác định được tầm quan trọng của việc phát triển cây sâm Ngọc Linh, tỉnh Quảng Nam đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người dân tham gia trồng loại cây dược liệu này như một hướng đi để xóa đói giảm nghèo.

Đặc biệt, từ năm 2015 đến nay, khi triển khai Đề án “Bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh đến năm 2030” của Chính phủ, huyện Nam Trà My đã phát triển và nhân rộng mô hình trồng sâm ra 7/10 xã.

Bước đầu đã cho kết quả khả quan với tỷ lệ cây sống đạt trên 70%. Vùng nguyên liệu sâm của huyện hiện được mở rộng khoảng trên 1.600ha, với hơn 1.200 hộ dân tham gia.

[Bảo hộ giá trị sâm Ngọc Linh như thương hiệu quốc gia Việt Nam]

Bí thư huyện ủy Nam Trà My Lê Thanh Hưng cho biết, việc phát triển cây sâm đã làm thay đổi nếp nghĩ, tập quán canh tác của người dân địa phương, vốn trước đây chỉ sống chủ yếu dựa vào khai thác thiên nhiên. Nay nhiều hộ dân đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng để trồng sâm dưới tán rừng.

Từ năm 2015 đến nay, nguồn vốn của các tổ chức tín dụng cho người dân vay trồng sâm lên đến hơn 100 tỷ đồng. Qua đó, góp phần giải quyết công ăn việc làm, giảm hộ nghèo, tăng hộ giàu ở nhiều xã.

Với sự quan tâm của Chính phủ cũng như tỉnh Quảng Nam, huyện Nam Trà My đã được hỗ trợ gần 400 tỷ đồng để triển khai các dự án phát triển hạ tầng cho vùng sâm của huyện cũng như việc nghiên cứu khoa học để bảo tồn nguồn gene gốc của giống sâm Ngọc Linh.

Bên cạnh đó, huyện cũng đẩy mạnh hợp tác với quận HamYang, tỉnh Gyeongsangnam (Hàn Quốc) để trao đổi, học tập kinh nghiệm trồng và phát triển sâm, đưa thương hiệu sâm Ngọc Linh vươn ra thế giới.

Hiện nay, huyện Nam Trà My đã thành lập được Hợp tác xã sâm Ngọc Linh. Đây là tiền đề quan trọng để địa phương phát triển bền vững vùng nguyên liệu sâm, tạo đầu mối cung cấp sâm cho các nhà máy chế biến.

Những kết quả nghiên cứu khoa học gần đây cho thấy, sâm Ngọc Linh nằm trong nhóm những loại sâm tốt nhất thế giới nên nhu cầu tiêu thụ của thị trường ngày càng lớn.

Hiện nay, giá sâm các loại bình quân từ 75-100 triệu đồng/kg; loại đặc biệt 1 củ nặng từ 200 gram trở lên có giá lên đến 200 triệu đồng/kg.

Sau 5 năm, mỗi héc ta trồng sâm có thể giúp người dân thu về gần 50 tỷ đồng. Nhờ giá sâm tăng cao nên những năm gần đây huyện miền núi Nam Trà My xuất hiện nhiều tỷ phú về sâm.

Hướng tới chế biến sâm và phát triển du lịch

Sâm Ngọc Linh được trưng bày tại triển lãm. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Sản lượng sâm Ngọc Linh khai thác hàng năm của huyện Nam Trà My hiện đạt từ 5-7 tấn, tương đương giá trị khoảng từ 300-400 tỷ đồng và được dự báo sẽ tiếp tục tăng lên hàng chục tấn trong thời gian tới.

Với giá bán sâm củ tươi đắt đỏ như hiện nay, có rất ít người tiêu dùng tiếp cận được với loại sâm này. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp đang đầu tư nghiên cứu để cho ra mắt các loại sản phẩm được chế biến từ sâm Ngọc Linh như nước uống tăng lực, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, gói sủi sâm, trà Ô long sâm, rượu sâm.

Bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, đại diện Công ty trách nhiệm hữu hạn Sâm Sâm, cho biết sâm Ngọc Linh là một loại dược liệu quý, rất tốt cho sức khỏe.

Thời gian qua phía công ty đã nghiên cứu, đầu tư nhà máy để sản xuất ra những sản phẩm chế biến sâu từ thân, củ, hoa, lá của cây sâm thành những viên uống thực phẩm chức năng, mỹ phẩm với giá cả hợp lý để người tiêu dùng dễ dàng mua, sử dụng thường xuyên khi có nhu cầu.

Bước đầu cho thấy, người tiêu dùng đón nhận tích cực những sản phẩm này.

Nhằm tạo ra một địa chỉ tin cậy để mọi người có thể tìm mua đúng sâm củ Ngọc Linh và các sản phẩm từ loại sâm này, từ năm 2017 đến nay, huyện Nam Trà My đã tổ chức phiên chợ sâm hàng tháng, qua đó góp phần ngăn chặn tình trạng buôn bán sâm Ngọc Linh giả.

Đồng thời, vào tháng 8 hàng năm huyện Nam Trà My cũng duy trì tổ chức Lễ hội sâm Ngọc Linh nhằm tôn vinh, quảng bá một loại cây “quốc bảo” của Việt Nam mà địa phương đang sở hữu.

Hiện nay, hạ tầng giao thông từ trung tâm huyện Nam Trà My lên đến vùng trồng sâm Ngọc Linh đã được nâng cấp, xây mới tạo điều kiện thuận lợi để địa phương phát triển du lịch.

Đầu năm 2019, tỉnh Quảng Nam đã cho phép huyện Nam Trà My đưa vào hoạt động điểm du lịch vườn sâm Ngọc Linh-Tăk Ngo tại xã Trà Linh với diện tích rộng 85ha nằm ở độ cao 1.800m so với mực nước biển.

Đến đây, du khách sẽ có cơ hội tìm hiểu về quá trình sinh trưởng, phát triển của sâm Ngọc Linh cũng như khám phá những nét văn hóa của đồng bào dân tộc Xê đăng, Cadong./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục