Quảng Nam: Khởi tố vụ án hình sự về tội hủy hoại rừng ở Tiên Lãnh

Sau khi xảy ra vụ phá rừng ở xã Tiên Lãnh, Quảng Nam, ngày 22/9, đoàn công tác do Phó Chủ tịch ​UBND tỉnh Lê Trí Thanh đến hiện trường kiểm tra, xác định mức độ sai phạm để xử lý.
Quảng Nam: Khởi tố vụ án hình sự về tội hủy hoại rừng ở Tiên Lãnh ảnh 1Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo xử lý vụ phá rừng tại Tiên Lãnh. (Ảnh: Nguyễn Sơn/TTXVN)

Sau khi xảy ra vụ phá rừng tại xã Tiên Lãnh, Quảng Nam, ngày 22/9, đoàn công tác liên ngành do Phó Chủ tịch ​UBND Quảng Nam Lê Trí Thanh đến tận hiện trường kiểm tra, xác định mức độ sai phạm để xử lý theo quy định của pháp luật.

Do mức độ sai phạm về phá rừng có quy mô lớn, tính chất phức tạp, Cơ quan cảnh sát điều tra công an huyện Tiên Phước đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “Hủy hoại rừng” xảy ra tại khu vực Dội Lớn, khoảnh 5, tiểu khu 556, xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước.

Từ trung tâm huyện Tiên Phước, phải mất gần 4 giờ đồng hồ lội suối băng rừng, đoàn kiểm tra mới có mặt tại khu vực rừng bị tàn phá để chứng kiến những cánh rừng phòng hộ bị chặt hạ, gốc bị đốt cháy đen, những thân cây còn nham nhở vết cưa.

Kiểm tra tại hiện trường, ông Lê Trí Thanh tỏ ra bức xúc vì diện tích rừng bị tàn phá diễn ra trong thời gian dài nhưng chính quyền sở tại cũng như các đơn vị chức năng không giải quyết dứt điểm.

Báo cáo với đoàn công tác, ông Phan Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam cho biết, từ năm 2010 đến ngày 15/9 vừa qua, trên địa bàn xã Tiên Lãnh đã kiểm tra, phát hiện và lập hồ sơ 54 vụ phá rừng để lấy đất sản xuất (chủ yếu trồng rừng nguyên liệu), gây thiệt hại 124, 821ha rừng tự nhiên, trạng thái rừng nghèo (gồm 87,913ha rừng phòng hộ, 36,908ha rừng sản xuất).

Trong tổng số diện tích rừng thiệt hại nói trên có 68,296ha giao khoán bảo vệ rừng (do Ban Quản lý trồng rừng huyện Tiên Phước giao cho nhóm hộ) và 49,359ha ngoài diện tích giao khoán bảo vệ rừng do Ủy ban Nhân dân xã Tiên Lãnh quản lý.

[Thủ tướng yêu cầu xác minh việc phá rừng phòng hộ ở Quảng Nam]

Riêng năm nay phát hiện 10 vụ vi phạm, diện tích rừng thiệt hại 24,790ha, chức năng phòng hộ, Hạt Kiểm lâm đang phối hợp với cơ quan chức năng và chính quyền địa phương điều tra, xử lý.

Trong đó, vụ phá rừng lớn nhất xảy ra tại khu vực Dội Lớn, khoảnh 5, tiểu khu 556, xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước.

Người thuê nhân công tổ chức vụ phá rừng này là ông Phùng Văn Bảy, trú tại xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước, qua khai thác ban đầu ông Bảy khai nhận là từ tháng ​Năm vừa qua, ông Bảy đã thuê người vào khu vực trên dùng cưa lốc, rựa để chặt hạ một khu vực rừng với diện tích khoảng hơn 3.000m2, trữ lượng thiệt hại gỗ khoảng 16m3.

Đại tá Nguyễn Đức Dũng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, qua kiểm tra hiện trường, diện tích rừng khá rộng, nhưng lực lượng bảo vệ mỏng, cần phải huy động cộng đồng dân cư địa phương cùng chung tay bảo vệ rừng.

Các ngành chức năng cũng cần tạo sinh kế ổn định từ rừng cho người dân để họ thực sự bảo vệ và phát triển rừng.

Đối với lực lượng công an, tỉnh kiên quyết xử lý những đối tượng theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong quá trình đó, các lực lượng chức năng tại địa phương cũng cần có sự phối hợp nhịp nhàng hơn để xử lý triệt để đối tượng vi phạm.

Quảng Nam: Khởi tố vụ án hình sự về tội hủy hoại rừng ở Tiên Lãnh ảnh 2Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh trực tiếp kiểm tra tại hiện trường vụ phá rừng. (Ảnh: Nguyễn Sơn/TTXVN)

Đại diện ngành nông nghiệp, ông Huỳnh Tấn Đức, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Nam cho biết, để hạn chế phá rừng, lực lượng kiểm lâm cần phải tích cực hơn nữa trong việc tuần tra, kiểm soát, bảo vệ rừng. Tăng cường tinh thần trách nhiệm trong việc phối hợp hướng dẫn, huy động người dân bảo vệ rừng.

Nhằm từng bước nâng cao mức sống người dân từ rừng, chính quyền địa phương cũng cần linh động, tạọ sinh kế bằng những mô hình thiết thực để người dân yên tâm bám rừng. Bên cạnh đó, cần xử lý nghiêm những đối tượng phá rừng, vì pháp luật phải được thượng tôn.

Phát biểu kết luận với các ngành chức năng về xử lý vụ phá rừng tại Tiên Lãnh, ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam cho biết, qua kiểm tra những khu vực phá rừng với mục đích chủ yếu là trồng keo chứ không phải là lấy gỗ.

Tuy nhiên, đây là rừng khu vực đầu nguồn, phải đảm bảo hệ sinh thái, đa dạng sinh học nên công tác bảo vệ phải được tăng cường.

Thời gian tới, các ngành chức năng thực hiện công tác nghiệm thu, chi trả dịch vụ môi trường rừng phải kịp thời để người dân yên tâm bám rừng.

Đối với Ủy ban Nhân dân xã Tiên Lãnh có dấu hiệu buông lỏng quản lý, trong đó có việc quản lý rừng phòng hộ. Lãnh đạo xã nắm bắt thông tin chưa kịp thời nên phối hợp xử lý chưa thỏa đáng.

Thậm chí khi nhận được tin báo của người dân chậm xử lý, hoặc không xử lý dẫn đến tình trạng mất niềm tin của nhân dân.

Lực lượng kiểm lâm xử lý vi phạm về rừng chậm, có những vụ xử lý hành chính nên không đủ sức răn đe. Còn lúng túng trong phương pháp tuần tra, quản lý địa bàn, nên cần rút kinh nghiệm để làm tốt hơn.

Một số vụ đã khởi tố vụ án nhưng chưa đủ chứng cứ, công tác thu thập thông tin, hiện trường để quá lâu nên không thể khởi tố bị can.

Trước mắt, đề nghị cơ quan công an khẩn trương củng cố hồ sơ để khởi tố bị can đối với vụ phá rừng tại tiểu khu 556; xem xét tính chất vụ án, có thể rút hồ sơ lên tỉnh để xử lý; tìm ra đối tượng chủ mưu để xử đúng người đúng tội, cho dù người đó là ai; và đưa vụ án này ra xử làm án điểm để tăng tính răn đe, giáo dục.

Huyện Tiên Phước cần tích cực phối hợp với cơ quan kiểm lâm để xác định chính xác diện tích rừng bị phá; xác định chính xác diện tích rừng phòng hộ, rừng trồng…

Đồng thời rà soát nhu cầu của người dân cũng như thực tiễn tại địa phương để xem xét cấp đất cho người dân, cấp sổ đỏ cho dân để họ yên tâm sản xuất, bảo vệ rừng. Có như vậy, công tác bảo vệ rừng mới mang tính bền vững./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục