Xã Minh Hóa là một xã miền núi đặc biệt khó khăn của huyện Minh Hóa, nằm ở khu vực phía Tây tỉnh Quảng Bình, nơi có đặc điểm địa lý của xã vùng biên giới, địa hình phức tạp, có cả suối Nước Sạt, sông Rào Nan; bốn đập và lòng suối nhỏ hẹp, độ dốc lớn.
Nơi đây, là vùng rốn lũ của huyện Minh Hóa, mỗi năm đón từ 2-3 cơn lũ lớn, sạt lở đất gây thiệt hại nhiều về người và tài sản. Câu “sống chung với lũ” được thể hiện rõ ở vùng đất này.
Năm 2020, xã Minh Hóa đón 2 đợt lũ dâng cao lịch sử do ảnh hưởng của cơn bão số 8 và cơn bão số 9 vào khu vực miền trung, làm cho xã Minh Hóa bị ngập lụt sâu và cô lập trong thời gian dài.
Theo báo cáo nhanh, tổng hợp những thiệt hại do thiên tai gây ra của Ủy ban Nhân dân xã Minh Hóa chỉ trong vòng 3 ngày từ 18-21/10, với loại hình thiên tai áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt đã làm cho 14 người bị thương, số hộ bị ngập sâu từ 2-5m là 738 hộ/1.000 hộ, số người bị ảnh hưởng lên tới 3251 người trên tổng 5 thôn.
Thiệt hại về phòng học, phòng chức năng công vụ, nhà ở tập thể, nhà bán trú cho học sinh bị ngập nước từ 1-3m là 24 cái. Kèm theo những thiệt hại về cơ sở vật chất, trang thiết bị của các cơ sở y tế, và giáo dục lên tới hàng trăm triệu đồng.
[Lũ trên sông tại Thừa Thiên-Huế đang lên, cảnh báo ngập lụt diện rộng]
Thiệt hại nhiều nhất là ảnh hưởng đến các phượng tiện sản xuất, hoa màu và các con vật nuôi. Chỉ trong 3 ngày mưa lũ đã chết và trôi 160 con trâu, bò, ngựa. Số gia cầm cũng chết và bị cuốn trôi gần một nghìn con. Diện tích ao hồ nhỏ thiệt hại hoàn toàn lên tới hàng trăm triệu đồng.
Bà Cao Thị Hoài, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Minh Hóa, cho biết: Để chủ động phòng chống và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra tại địa bàn thường xuyên đối mặt với lũ, lũ quét. Chính quyền địa phương xã Minh Hóa đã đưa ra các phương án, thành lập Ban chỉ đạo và tiểu ban chỉ đạo phòng chống lụt bão nhằm kịp thời tuyên truyền vận động đến bà con nhân dân ứng phó với bão lũ.
Bám sát chủ trương “4 tại chỗ” là: Chỉ huy tại chỗ; huy động lực lượng tại chỗ; sử dụng phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ để tuyên truyền vận động người dân không chủ quan, chủ động tích trữ lương thực trong 10 ngày; sơ tán người và tài sản, vật nuôi lên vùng an toàn. Gia cố nhà cửa, vườn tược kiên cố trước mỗi mùa mưa bão.
Trước những diễn biến bất thường của thời tiết và biến đổi khí hậu, công tác tuyên truyền vận động, giải thích và cung cấp thông tin cho người dân phải được đặc biệt quan tâm. Nâng cao hiệu quả tuyên truyền vận động bằng nhiều cách, trong số đó sử dụng phương tiện loa phát thanh tại các thôn xóm đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Khi phóng viên phỏng vấn ông Thái Văn Dũng, Bí thư chi bộ thôn Tân Lý về hiệu quả của các loa phát thanh đưa thông tin đến người dân, ông Dũng cho hay: Loa phát thanh rất cần thiết trong việc đưa thông tin, cơ chế chính sách của Đảng và chính quyền phổ biến cho người dân được biết.
Tuy nhiên do hiện tại, các thôn sáp nhập nên cụm dân cư đông, hệ thống loa phát thanh treo trên ngọn cây xoan không thể đáp ứng được nhu cầu nghe tin tức của người dân. Bản thân các cán bộ thôn xóm vẫn phải dùng loa cầm tay, hoặc đọc trực tiếp vào Mic tại nhà văn hóa để phát thanh cho nhân dân được nắm thông tin, do đó mất nhiều thời gian, công sức và hiệu quả tuyên truyền không được đến từng người dân, nhất là ở những hộ xa, hẻo lánh.
Cũng theo ông Dũng, xã chuẩn bị được lắp thiết bị loa truyền thanh công nghệ thông tin mới cho cả xã. Trong đó thôn Tân Lý được khảo sát lắp thêm 3 cụm loa phát thanh mới.
Ông và người dân mong muốn nhà thầu sớm triển khai lắp đặt để người dân được lắng nghe tin tức nhanh nhất, đầy đủ và chính xác nhất. Đặc biệt trong mùa mưa lũ, và tuyên truyền phòng chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn thôn, xã vùng biên giới. Chủ động phòng tránh thiên tai và giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Cũng như nắm bắt kịp thời thông tin, xử lý khắc phục hậu quả thiên tai, chống ô nhiễm môi trường và phục hồi sản xuất ổn đinh cuộc sống sau mưa lũ./.