Quảng Bình, Nam Định, An Giang muốn hợp tác đầu tư kinh tế với doanh nghiệp Pháp

Với những lợi thế và điểm mạnh khác nhau, cả ba tỉnh thành đều là những địa phương rất năng động, sáng tạo và mong muốn thúc đẩy các hoạt động hợp tác đầu tư kinh tế với Pháp.

Quang cảnh buổi làm việc giữa lãnh đạo của ba tỉnh Quảng Bình, Nam Định và An Giang với lãnh đạo Nghiệp đoàn các Doanh nghiệp của Pháp tại trụ sở MEDEF International. (Ảnh: Thu Hà/TTXVN)
Quang cảnh buổi làm việc giữa lãnh đạo của ba tỉnh Quảng Bình, Nam Định và An Giang với lãnh đạo Nghiệp đoàn các Doanh nghiệp của Pháp tại trụ sở MEDEF International. (Ảnh: Thu Hà/TTXVN)

Ngày 6/12, tại thủ đô Paris, trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Pháp, lãnh đạo của ba tỉnh Quảng Bình, Nam Định và An Giang, bao gồm ông Vũ Đại Thắng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình; ông Phạm Gia Túc - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định và ông Lê Hồng Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang; cùng Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng đã có chuyến thăm và làm việc với lãnh đạo Nghiệp đoàn giới chủ doanh nghiệp của Pháp (MEDEF).

Tại buổi làm việc, hai bên đã trao đổi về môi trường đầu tư tại Việt Nam, lợi thế, tiềm năng hợp tác của các doanh nghiệp Pháp với những lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư tại mỗi tỉnh, thế mạnh và cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư với các nhà đầu tư nước ngoài của từng địa phương.

Ông François Corbin, Phó Chủ tịch MEDEF International kiêm Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Pháp-Việt thuộc MEDEF, bày tỏ vui mừng được đón tiếp các lãnh đạo cấp cao của ba tỉnh Nam Định, Quảng Bình và An Giang, coi đây là một dịp rất đặc biệt khi được làm việc với đại diện các địa phương ở ba miền Bắc, Trung, Nam của Việt Nam.

Ông cho biết Nghiệp đoàn giới chủ Pháp hiện có hơn 750.000 công ty thành viên. Hằng năm, MEDEF International tổ chức nhiều phái đoàn lãnh đạo của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Pháp, với các dự án cụ thể, đến các nước có tiềm năng hợp tác đầu tư, đặc biệt là các nước đang phát triển.

Theo ông Corbin, Việt Nam là một thị trường luôn được MEDEF International quan tâm ưu tiên thúc đẩy.

Trên cơ sở mối quan hệ hợp tác với Việt Nam, được xây dựng từ rất nhiều năm qua, MEDEF International thường xuyên tổ chức đưa các đoàn doanh nghiệp Pháp đến Việt Nam và trong năm 2024 tới, các hoạt động này tiếp tục được triển khai.

Ông Corbin cho rằng dư địa hợp tác giữa hai nước còn nhiều, hai bên lại có lịch sử chung, có quan hệ truyền thống lâu đời và đó là lý do để thúc đẩy mối quan hệ lên tầm cao mới trong mọi lĩnh vực, từ kinh tế tới giáo dục, y tế, văn hóa. Buổi gặp mặt chính là cơ hội để các bên tìm ra những điểm mạnh của nhau, cũng như những cơ hội hợp tác trong tương lai.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các địa phương của Việt Nam đã kêu gọi MEDEF International thúc đẩy các hoạt động xúc tiến đầu tư và thương mại cho các doanh nghiệp Pháp vào Việt Nam nói chung và đến với Quảng Bình, Nam Định và An Giang nói riêng. Với những lợi thế và điểm mạnh khác nhau, cả ba tỉnh thành này đều là những địa phương rất năng động, sáng tạo và mong muốn thúc đẩy các hoạt động hợp tác đầu tư kinh tế với Pháp.

Bí thư tỉnh Quảng Bình, ông Vũ Đại Thắng khẳng định nhiều doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp Pháp đã đến Quảng Bình đầu tư trong những năm gần đây. Địa phương này hiện đang là điểm đến được đánh giá rất tiềm năng, an toàn và khác biệt của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, bởi nơi đây hội tụ nhiều yếu tố rất thuận lợi như thiên nhiên ưu đãi, sự phong phú về rừng, cảnh quan và bãi biển đẹp, có nhiều danh thắng và di sản ấn tượng, có không gian rộng lớn thuận lợi để phát triển công nghiệp năng lượng đặc biệt là năng lượng tái tạo, điện gió, điện Mặt Trời, có lợi thế phát triển du lịch-dịch vụ, bất động sản, nông nghiệp và kinh tế biển...

Ông Vũ Đại Thắng nêu rõ Chính phủ Việt Nam thời gian qua đã sửa đổi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư để có thể đẩy nhanh các quy trình, đơn giản hóa thủ tục và tạo hành lang thông thoáng, điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài tới Việt Nam làm ăn và hợp tác kinh doanh.

Để đón làn sóng đầu tư nước ngoài đang ngày càng mạnh mẽ, tỉnh Quảng Bình đang tiến hành rà soát quỹ đất khu công nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng chương trình hành động, thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ, kết nối với các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn.

Bí thư tỉnh Nam Định, ông Phạm Gia Túc cho hay đây là lần thứ hai ông làm việc với MEDEF International trong năm 2023, thể hiện thiện chí của tỉnh Nam Định đối với việc kêu gọi đầu tư từ các tập đoàn, doanh nghiệp của Pháp. Ông nhấn mạnh hai bên có rất nhiều tiềm năng để thúc đẩy hợp tác đầu tư, tỉnh Nam Định có rất nhiều sức hút đối với các nhà đầu tư nước ngoài bởi ý chí quyết tâm của lãnh đạo tỉnh, đặc biệt là thủ tục cấp phép đầu tư rất nhanh chóng. Các nhà đầu tư đến với địa phương luôn được coi là "những công dân danh dự."

Về phần mình, Bí thư tỉnh An Giang, ông Lê Hồng Quang, khẳng định An Giang là một trong bốn tỉnh, thành trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Đề án thành lập Vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng Sông Cửu Long" từ năm 2019.

Trong những năm gần đây, tỉnh An Giang đã triển khai rất nhiều hoạt động để thúc đẩy một không gian kinh tế với hạ tầng cơ sở và môi trường cởi mở, thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài vào địa phương.

Bên cạnh việc chuẩn bị các điều kiện hạ tầng tốt, với chất lượng nguồn nhân lực, cùng tâm huyết, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, tỉnh đồng thời áp dụng linh hoạt những cơ chế, chính sách của Trung ương theo hướng có lợi cho doanh nghiệp phù hợp với điều kiện của tỉnh và quy định của pháp luật.

Đặc biệt trong đó là các chính sách ưu đãi về thuế, tiền thuê đất, hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ sau đầu tư trong lĩnh vực du lịch, nông nghiệp và nông thôn, cơ chế cấp phép đầu tư chuyển đổi tư duy từ "cấp phép, cho phép" sang "hỗ trợ, chăm sóc, phục vụ nhà đầu tư."

Ông Corbin đánh giá buổi làm việc với đoàn lãnh đạo ba địa phương Quảng Bình, Nam Định và An Giang rất ý nghĩa và hiệu quả vì đã giúp cho MEDEF International có cái nhìn đầy đủ, toàn diện và rõ ràng về lợi thế và tiềm năng đầu tư rất cụ thể của các địa phương tại Việt Nam, cũng như quyết tâm và ý chí của lãnh đạo các tỉnh nói trên đối với việc thu hút vốn FDI từ các nhà đầu tư nước ngoài.

ttxvn-viet-phap2-7996.jpg
Lãnh đạo của ba tỉnh Quảng Bình, Nam Định và An Giang và đại sứ Việt Nam tại Pháp chụp ảnh lưu niệm với ông François Corbin, Phó Chủ tịch MEDEF International kiêm Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Pháp-Việt thuộc MEDEF. (Ảnh: Thu Hà/TTXVN)

Thay mặt MEDEF International, ông cảm ơn lãnh đạo các địa phương Việt Nam đã tới làm việc với MEDEF International, và hứa sẽ truyền tải thông điệp và nội dung của cuộc họp tới cộng đồng doanh nghiệp Pháp, để các doanh nghiệp Pháp thấy được những lĩnh vực mới, sức hút mới của Việt Nam nói chung và ba địa phương Quảng Bình, Nam Định và An Giang nói riêng.

Ông tin tưởng trong thời gian tới sẽ mở ra cơ hội hợp tác và đầu tư giữa hai bên, theo đó, việc xác định rõ những nội dung hợp tác tiềm năng, những dự án hợp tác cụ thể sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc tìm kiếm các doanh nghiệp phù hợp.

Chia sẻ với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Pháp, ông Corbin cho biết MEDEF International đã có mối quan hệ hợp tác với Việt Nam từ hàng chục năm nay và ông rất hân hạnh được đón lãnh đạo ba tỉnh vốn có nhiều tiềm năng hợp tác, nhiều thế mạnh riêng, cũng như nhu cầu phát triển mạnh mẽ của mỗi địa phương.

Ông bày tỏ: "Tôi thực sự ấn tượng về sự năng động của Việt Nam, về sự tăng trưởng mà đất nước này đã đạt được trong những năm qua. Tôi cũng tin rằng sức tăng trưởng của Việt Nam nói chung và 3 tỉnh nói riêng sẽ còn tiếp tục trong những năm tới, vì đất nước này có những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, có nhu cầu cao về phát triển cơ sở hạ tầng, có tầng lớp trung lưu ngày càng đông đảo, cũng như mối quan tâm lớn tới bảo vệ môi trường và chống Biến đổi Khí hậu. Tôi có thể khẳng định các doanh nghiệp Pháp có đầy đủ khả năng và mong muốn phát triển hợp tác với các doanh nghiệp và lãnh đạo Việt Nam để cùng nhau hướng tới một tương lai thịnh vượng chung."

Đánh giá cao buổi làm việc với lãnh đạo MEDEF International, ông Vũ Đại Thắng cũng cho rằng với số lượng thành viên lên tới 750.000 doanh nghiệp trong các lĩnh vực đời sống kinh tế, tổ chức này có thể kết nối và mở ra nhiều cơ hội đầu tư, và đây cũng là nơi có thể quảng bá hình ảnh, tiềm năng lợi thế hợp tác của các địa phương Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục