Sở Y tế tỉnh Quảng Bình cho biết, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, tình hình sốt xuất huyết diễn biến phức tạp. Riêng 10 tháng năm 2019, các ổ bệnh đã xảy ra tại tất cả 8 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Tính đến ngày 27/10/2019, toàn tỉnh ghi nhận 78 ổ bệnh nhỏ, với tổng số 6.819 trường hợp mắc và đã có 2 trường hợp tử vong. Các địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết cao ở các huyện Bố Trạch, Quảng Ninh và thị xã Ba Đồn.
Dự báo thời gian tới, bệnh sốt xuất huyết còn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Vì vậy, tại cuộc họp bàn đẩy mạnh các giải pháp phòng chống sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, diễn ra vào cuối tháng 10/2019, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình Trần Tiến Dũng đã yêu cầu các ngành, địa phương tiếp tục tập trung thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh trong việc triển khai biện pháp phòng, chống xuất huyết trên địa bàn tỉnh.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình cũng yêu cầu tăng cường giám sát tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết, đảm bảo phát hiện sớm trường hợp mắc để thu dung, điều trị kịp thời; tổ chức xử lý triệt để các ổ bệnh ngay sau khi phát hiện, không để dịch bùng phát và lan rộng, kéo dài.
Ông Trần Tiến Dũng yêu cầu các đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hưởng ứng tích cực các biện pháp phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng; tổ chức chiến dịch tổng vệ sinh môi trường diệt loăng quăng, bọ gậy và phun hóa chất diện rộng tại khu vực nguy cơ cao, địa điểm tập trung đông người.
Các bệnh viện đa khoa tuyến huyện và trạm y tế xã, phường, thị trấn thường xuyên cập nhật, thống kê báo cáo ca bệnh sốt xuất huyết và các đơn vị y tế dự phòng chuẩn bị đầy đủ hóa chất phòng, chống dịch theo quy định...
Theo Sở Y tế tỉnh Quảng Bình, nguyên nhân gia tăng số ca bệnh sốt xuất huyết thời gian qua là do sự biến đổi khí hậu toàn cầu, nóng lên của trái đất và tại tỉnh Quảng Bình mùa hè đến sớm, mưa nắng thất thường, nhiệt độ trung bình và lượng mưa đều tăng cao so với các năm trước đây dẫn đến véctơ truyền bệnh phát triển mạnh.
Bên cạnh đó là do môi trường tại các công trình xây dựng, nhà trọ không được quan tâm xử lý nên phát sinh các ổ loăng quăng của muỗi truyền bệnh; sự chủ động phối hợp của người dân và ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại một số địa phương chưa cao; việc triển khai biện pháp phun hóa chất và diệt loăng quăng ở cộng đồng gặp nhiều khó khăn, chưa triệt để; sự vào cuộc của chính quyền địa phương chưa kịp thời; kinh phí cho công tác phòng, chống dịch bệnh còn hạn hẹp.
Thời gian qua, tại Quảng Bình, ngoài việc ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc, các địa phương về tăng cường công tác phòng, chống sốt xuất huyết, Sở Y tế Quảng Bình đã đẩy mạnh công tác giám sát véc tơ truyền bệnh tại các ổ bệnh và những xã, phường trọng điểm...
Cùng với đó, ngành y tế luôn chủ động sẵn nguồn thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị phòng, chống dịch và phối hợp với các địa phương xử lý ổ bệnh, phun hóa chất diệt muỗi tại các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch bệnh./.