Quảng Bình: Câu chuyện về lãng quên và thức tỉnh

Tỉnh Quảng Bình có nhiều phong cảnh đẹp, di tích lịch sử... giàu tiềm năng du lịch như vậy nhưng dường như chưa được khai thác xứng tầm.
Bao nhiêu năm qua, ngành du lịch Quảng Bình sống được là nhờ "ngôi sao" Di sản thiên nhiên thế giới - Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng. Còn những tiềm năng khác như di tích lịch sử-văn hóa, du lịch biển, du lịch sinh thái… dường như đang rơi vào quên lãng một cách hoài phí.

Không gian phía Đông với đặc trưng du lịch biển, du khách đã quen thuộc với cửa biển Nhật Lệ, Bảo Ninh, vịnh Hòn La, Ngư Thủy… mà ít ai biết tới một bãi Đá Nhảy kỳ vỹ.

Từ chuyện Đá Nhảy bị lãng quên…


Bãi Đá Nhảy là một quần thể núi ở ngay bãi biển, dưới chân đèo Đá Nhảy (còn gọi đèo Lý Hòa), thuộc địa phận xã Hải Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, theo Quốc lộ 1A cách Thành phố Đồng Hới về phía Bắc khoảng 20km vẫn ôm trong mình một vẻ đẹp đến ngỡ ngàng.

Không giống như cửa biển Nhật Lệ e ấp, dịu dàng uốn mình quanh thành phố Đồng Hới, bãi Đá Nhảy sừng sững, gai góc và đầy thách thức với nhiều dáng vẻ khác nhau của những khối đá đen nhấp nhô mọc lên từ cát, nào là hình cóc, hình “trống-mái,” hình trâu nằm, hổ quỳ, voi phục giữa sóng nước mênh mông… Phải chăng vì thế mà dân gian mới gọi tên Đá Nhảy!

Ở đây còn có một cái giếng đá tự nhiên mà dân gian vẫn gọi là giếng Cóc, khuất dưới tảng đá lớn hình con cóc, thành ra người dân quanh đó muốn lấy nước phải chui vào hang múc từng gàu lên. Nước giếng ở kề biển nhưng lại rất trong và sạch, ấm mùa đông, mát mùa hè. Một ngư dân sống ở dưới chân đèo cho biết, họ thường lấy nước này để cúng lễ đền thờ Nam Hải Đại Vương ở cạnh giếng Cóc.

Nếu đi lẫn vào những bãi đá cao, thấp kỳ dị ấy con người như lọt thỏm giữa một không gian thiên tạo kỳ thú, thấy mình thật nhỏ bé, mong manh.

Còn nếu đứng từ trên đỉnh đèo phóng tầm mắt, sẽ thu vào cả một bức tranh thiên nhiên hùng vỹ với những mảng màu đầy ấn tượng, ngăn ngắt của màu trời tiệp với nước biển thẫm xanh nối với những dải cát trắng mịn màng được tô điểm bởi những khối đá đen, thi thoảng vài chiếc thuyền gỗ câu điểm xuyết cho bức tranh thêm sinh động…

Tuy cảnh quan bãi Đá Nhảy có nhiều tiềm năng khai thác du lịch như vậy nhưng cho đến nay khu quần thể này vẫn “án binh bất động” trong tình trạng… hoang sơ dịch vụ. Vài năm trước có dự án xây dựng khu resort nghỉ dưỡng ngay dưới chân đèo Đá Nhảy nhưng không hiểu vì lý do gì mới triển khai được vài phần thô đã ngừng thi công và bỏ hoang cho tới giờ.

Và thực tế, khu cảnh quan này mới chỉ được những người dân trong vùng hay một số rất ít du khách từ những vùng lân cận ghé thăm. Chứ khách du lịch ở tỉnh xa đến Quảng Bình hầu như chỉ biết đến Phong Nha-Kẻ Bàng, biển Nhật Lệ..., nghe tên bãi Đá Nhảy thì đều lạ lẫm, thờ ơ.

Còn có điểm thăm quan được quan tâm như suối nước nóng Bang ở huyện Lệ Thủy, sau vài năm khai thác nay cũng lâm vào cảnh “thoi thóp" qua ngày…

Đến sự thức tỉnh muộn màng

Dường như những di tích lịch sử-văn hóa, du lịch biển, sinh thái... ở Quảng Bình rồi cuối cùng cũng qua cơn "bĩ cực." Vì từ cuối năm 2011, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình cũng đã tổ chức công bố “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Quảng Bình đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025” với những quan điểm được cho là đã bắt đầu thức thời.

Quy hoạch này chỉ rõ, du lịch Quảng Bình cần tập trung phát triển du lịch bền vững, toàn diện và khai thác tiền năng thế mạnh của địa phương. Cũng bởi, việc tận dụng các cơ hội phát triển, quy hoạch tổng thể về phát triển du lịch sẽ tạo điều kiện cho ngành phát triển đúng hướng, đưa Quảng Bình trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn của đất nước.

Đây đều là những nhận thức mà lẽ ra các cấp quản lý ngành ở Quảng Bình cần “thông” từ lâu để có một cơ chế thoáng mà làm mạnh du lịch mới phải, thì có lẽ diện mạo du lịch Quảng Bình bây giờ đã sôi động hơn và chuyển mình năng động hơn trong cơ chế thị trường. Nhưng dẫu sao muộn còn hơn không!

Theo đó, Quảng Bình sẽ đầu tư cho các dự án ưu tiên phát triển du lịch tỉnh, giai đoạn 1 từ năm 2011-2020 dành số vốn 292 triệu USD và giai đoạn 2 từ 2021-2025 là 249 triệu USD. Các dự án tập trung vào nâng cấp hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch, đầu tư xây dựng khu du lịch, phát triển du lịch cộng đồng, xúc tiến quảng bá và bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa-cách mạng…

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình Trần Tiến Dũng cho rằng, việc phát triển du lịch phải mang tính bền vững, cân bằng giữa lợi ích kinh tế và các mục tiêu văn hóa-xã hội, anh ninh quốc phòng mà du lịch đảm nhận.

Cùng chờ đợi và hy vọng vào một cuộc chuyển mình của du lịch Quảng Bình trong tương lai không xa!./.

ChiLê (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục