Quảng bá văn hóa truyền thống của Indonesia tới người dân Việt Nam

Batik là một kỹ thuật nhuộm sáp và in các hoa văn lên vải bằng phương pháp thủ công truyền thống có từ lâu đời, được coi là một trong những biểu tượng văn hóa của Indonesia.
Quảng bá văn hóa truyền thống của Indonesia tới người dân Việt Nam ảnh 1Nghệ nhân Ira Ratna Handayani (trùm khăn hồng) đang hướng dẫn kỹ thuật Batik. (Nguồn: Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam)

Nhằm quảng bá và giới thiệu văn hóa truyền thống của Indonesia tới người dân Việt Nam, chiều 31/5, tại Hà Nội, Đại sứ quán Indonesia tại Việt Nam và Hội Hữu nghị Việt Nam-Indonesia (Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam) đã tổ chức Chương trình “Trải nghiệm và giới thiệu Batik truyền thống của Indonesia."

Batik là một kỹ thuật nhuộm sáp và in các hoa văn lên vải bằng phương pháp thủ công truyền thống có từ lâu đời, được coi là một trong những biểu tượng văn hóa của Indonesia.

Một vài ghi chép lịch sử ghi lại dấu tích của Batik lần đầu tiên được tìm thấy ở Indonesia dưới thời Đế chế Srivijaya thông qua các hoạt động giao thương với nhà Đường từ Trung Quốc.

Ngày 2/10/2009, Batik được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại và Indonesia cũng lấy ngày này hàng năm là ngày Batik quốc gia.

Phát biểu khai mạc chương trình, ông Trần Minh Hùng, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Indonesia, cho biết Batik không chỉ đơn thuần là nghệ thuật mà còn là văn hóa, chứa đựng tâm hồn, tình cảm và cuộc sống của mỗi người dân Indonesia. Hoạt động trải nghiệm và giới thiệu về nghệ thuật Batik Indonesia tới công chúng Việt Nam là chương trình nằm trong chuỗi các các hoạt động giao lưu văn hóa nhằm tăng cường sự hiểu biết giữa nhân dân hai nước nhân dịp kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác Chiến lược Indonesia-Việt Nam (2013-2023).

Theo Đại sứ Indonesia tại Việt Nam Denny Abdi, Batik từ lâu đã trở thành một triết lý văn hóa thấm nhuần vào cuộc sống bình dị hàng ngày của mỗi người dân.

“Mong rằng buổi trải nghiệm hôm nay sẽ tích cực thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa người với người và phản ánh mối quan hệ song phương chặt chẽ giữa hai nước” - ông Denny Abdi chia sẻ.

[TP.HCM thúc đẩy hợp tác thương mại đầu tư với các đối tác Indonesia]

Tham gia buổi trải nghiệm, các bạn trẻ Việt Nam được giới thiệu về từng công đoạn tạo nên một tấm vải Batik như: Vẽ phác bằng chì, vẽ bằng sáp, nhuộm màu… đồng thời được tự tay trải nghiệm vẽ các họa tiết lên vải bằng sáp dưới sự hướng dẫn kỹ thuật của nghệ nhân Batik lâu năm Ira Ratna Handayani.

Bà Ratna cho biết các hoa văn trong Batik cực kỳ phong phú, đa dạng vậy nên chúng được sử dụng rộng rãi không chỉ là quốc phục của Indonesia mà còn là trang phục thường ngày của mỗi người dân hoặc được ứng dụng làm đồ trang trí, vật dụng trong gia đình như khăn trải bàn, khăn tay…

“Tự tay vẽ trang trí vải Batik có thể giúp các bạn trẻ rèn luyện lòng kiên trì, sự nhẫn nại đồng thời giúp các bạn được thỏa sức sáng tạo ra những tấm vải mang đậm dấu ấn cá nhân,” bà Ratna chia sẻ.

Kết thúc buổi trải nghiệm, các tấm vải sẽ được ban tổ chức thu lại và được nhuộm màu theo mong muốn của từng tác giả. Ban Tổ chức cũng trao phần thưởng cho ba tấm vải được vẽ đẹp nhất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục