Bài 3: Khơi thông dòng chảy để văn hóa Việt tỏa sáng trên thế giới
Nền văn hóa của Việt Nam có lịch sử hàng nghìn năm đã luôn và sẽ là sức mạnh trường tồn của dân tộc. Tuy nhiên, để vận dụng được sức mạnh ấy trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, các chuyên gia, nhà quản lý văn hóa xác định rằng phải từng bước tháo gỡ các điểm nghẽn gây cản trở sự phát triển.
‘Sợi dây cơ chế’ trói buộc văn hóa
Theo Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, chúng ta tự hào về những thành tựu và di sản cha ông ta để lại đồng thời có trách nhiệm gìn giữ, bảo lưu và phát triển phù hợp với xu thế thời đại.
“Lý luận tốt là cần, nhưng áp dụng đúng và linh hoạt những cơ sở lý luận đó vào tình hình thực tế mới là điều kiện đủ để giành thắng lợi. Vì vậy, việc nghiêm túc nghiên cứu những giá trị lịch sử, định hướng đúng và chọn lựa những giải pháp phù hợp vào cuộc sống là nhiệm vụ quan trọng của chúng ta và các thế hệ con, cháu mai sau,” bà Thu Phương cho biết.
Nhìn nhận từ bối cảnh hiện nay, Việt Nam đã có những phát triển mạnh mẽ về mặt kinh tế, chính trị, xã hội nhưng văn hóa chưa được đầu tư đúng mức, chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu hưởng thụ tinh thần của đông đảo người dân.
"Đã đến lúc văn hóa phải thực sự trở thành một trụ cột phát triển của Việt Nam. Sức sống của Đề cương vào thời điểm hiện nay sẽ tạo nên sự khởi đầu đột phá về văn hóa," bà Thu Phương nhấn mạnh.
[Chặng đường mới của xây dựng thương hiệu về du lịch văn hóa Việt]
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Phương khẳng định rằng theo cương lĩnh về văn hóa năm 1943, một dân tộc độc lập phải có một nền văn hóa độc lập và muốn quảng bá văn hóa thì phải xuất khẩu được văn hóa, phải để công nghiệp văn hóa trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn.
Tuy nhiên, chúng ta lại đang thiếu khung thống kê về văn hóa quốc gia làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách, dự đoán xu hướng phát triển của ngành và thu hút đầu tư nhiều hơn từ các khu vực công và tư nhân cho phát triển văn hóa.
Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Phương nhấn mạnh rằng nguồn tài nguyên quan trọng là cơ sở dữ liệu chưa nhận được sự đầu tư thích đáng. Phương thức và khung thống kê về văn hóa của nước ta chưa thường xuyên cập nhật các khung thống kê mới về các ngành văn hóa và các ngành công nghiệp văn hóa theo các tiêu chuẩn thống kê quốc gia và quốc tế như: UNCTAD, Viện số liệu UNESCO, UN Comtrade, UNDP, World Bank…
Những hạn chế trong công tác thống kê dẫn đến sự thiếu vắng các bằng chứng định lượng có tính thuyết phục về đóng góp của ngành văn hóa đối với sự phát triển kinh tế và xã hội của đất nước, đặc biệt là những đóng góp của các hoạt động văn hóa và sáng tạo đối với việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc mà Việt Nam đã cam kết thực hiện.
“Thiếu cơ sở dữ liệu gây ảnh hưởng tới giá trị lý luận và thực tiễn của công tác hoạch định chính sách ngành văn hóa. Muốn định vị, quảng bá văn hóa thì phải có số liệu, thông tin thuyết phục, chứ không thể nói suông. Đề cương năm 1943 xác định văn hóa là một mặt trận, vậy chúng ta không thể chiến đấu nếu như không biết trong tay chúng ta đang có gì,” Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Phương trăn trở.
Một chuyên gia khác trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa, Tiến sỹ Nguyễn Thị Quý Phương, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn Quốc tế QP Việt Nam cho rằng nước ta đang thiếu thốn cả về kỹ thuật, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực để tạo ra các sản phẩm văn hóa có thể xuất khẩu.
Cụ thể, Tiến sỹ Nguyễn Thị Quý Phương chỉ ra rằng Việt Nam không có một trường quay đủ lớn hay một studio đủ tiêu chuẩn cho khâu sản xuất hậu kỳ các sản phẩm văn hóa. Cơ sở hạ tầng cho ngành du lịch, giải trí đang phát triển khá phong phú nhờ sự đầu tư của các tập đoàn tư nhân song yếu tố văn hóa dân tộc ở các công trình này rất thấp.
Nói thêm về các điểm nghẽn trong công tác quảng bá văn hóa, Tiến sỹ Quý Phương đề cập đến cơ chế, chính sách thuế cho các doanh nghiệp văn hóa chưa phù hợp, chưa có chính sách ưu đãi như các nước trong khu vực như Hàn Quốc, Trung Quốc… gây cản trở cho sự hợp tác công-tư.
Trồng ‘cây văn hóa’ từ bộ rễ giáo dục
Thế kỷ XXI, không gian rộng mở của các mạng xã hội vừa tạo điều kiện phổ biến, quảng bá văn hóa, song cũng mang lại thách thức to lớn cho các nhà quản lý bởi các sản phẩm “thượng vàng hạ cám” đều dễ dàng lan truyền. Những sản phẩm văn hóa yếu kém có thể mang đến cái nhìn lệch lạc, méo mó về văn hóa Việt Nam.
[Thúc đẩy quảng bá văn hóa, bản sắc Việt qua môn nghệ thuật thứ bảy]
Trước vấn đề này, Tiến sỹ Nguyễn Thị Quý Phương cho rằng giải pháp nằm ở ý thức con người.
“Khi bạn phát ngôn ở ngoài xã hội thì tiếng nói của bạn không chỉ đại diện cho một mình bạn, mà còn đại diện cho gia đình, cho cơ quan đoàn thể và xa hơn là cho đất nước của bạn nữa. Do đó, tôi cho rằng ý thức hành xử của con người là yếu tố quyết định, mà ý thức con người phụ thuộc vào giáo dục,” Tiến sỹ Quý Phương nêu quan điểm.
Bà nhắc lại 3 nguyên tắc vận động đã được nêu rõ trong Đề cương về văn hóa năm 1943, đó là dân tộc hoá, đại chúng hoá và khoa học hoá và khẳng định rằng chỉ có giáo dục văn hóa mới tạo ra một hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam.
Khi người Việt Nam hành xử theo chuẩn mực văn hóa thì chúng ta mới có một sức kháng cự văn hóa (cultural resistance), nghĩa là có sức đề kháng trước các hiện tượng văn hóa ngoại lai làm xói mòn văn hóa dân tộc.
Theo Tiến sỹ Quý Phương, có hai cơ chế bảo vệ nền văn hóa quốc gia. Đó là bằng pháp luật và bằng công luận. Thực tế, ở các quốc gia mà phông văn hóa cá nhân phát triển thì cơ chế công luận còn khắt khe hơn cả các chế tài pháp luật. Bất kỳ một hiện tượng văn hóa lai căng hay một nghệ sỹ nào hành xử sai trái sẽ bị thị trường đào thải, công chúng quay lưng.
Đồng tình với quan điểm trên, đạo diễn Lê Quý Dương (tác giả tiết mục rối “Mơ Rồng” đại diện cho nghệ thuật biểu diễn châu Á-Thái Bình Dương dự Đại hội Sân khấu thế giới tại UAE từ 19/2 đến 25/2) khẳng định giáo dục là gốc rễ của văn hóa.
“Nói đến quảng bá văn hóa ra nước ngoài, chúng ta hay nghĩ đến việc đưa các đoàn nghệ thuật đi biểu diễn, song cái chúng ta cần quảng bá không chỉ là một tác phẩm đơn lẻ mà phải là tinh thần văn hóa Việt Nam trong mỗi cá nhân người nghệ sỹ. Mỗi người phải mang một sự tích tụ về văn hóa thì khi ra nước ngoài biểu diễn, họ mới trở thành một đại sứ văn hóa,” đạo diễn Lê Quý Dương chia sẻ.
Theo ông, Việt Nam có một nguồn tài nguyên văn hóa dồi dào, nghĩa là đã có đủ nguyên liệu, vấn đề là thêm gia vị thế nào, chế biến ra sao để làm ra những món ăn ngon chiêu đãi bạn bè quốc tế.
Đạo diễn Lê Quý Dương nhấn mạnh rằng Nhà nước cần phải xây dựng chiến lược bài bản từ đào tạo đến sản xuất, truyền thông… để có những sản phẩm mang hồn cốt văn hóa Việt, mà vẫn đậm đà chất đổi mới, sáng tạo, đủ cuốn hút khán giả quốc tế trong bối cảnh hiện nay./.
Xem toàn bộ loạt tại đây:
Bài 1: Sức mạnh văn hóa Việt Nam – Mạch ngầm chảy suốt lịch sử dân tộc
Bài 2: ‘Soi’ vào Đề cương về văn hóa để bồi đắp ‘căn cước Việt Nam’
Bài 3: Khơi thông dòng chảy để văn hóa Việt Nam tỏa sáng trên trường quốc tế
Bài 4: Niềm tin ở những cánh chim mang hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài