Bài 1: Sức mạnh văn hóa Việt Nam – Mạch ngầm chảy suốt lịch sử dân tộc

Quảng bá văn hóa ra nước ngoài: Niềm tự hào sức mạnh Việt Nam

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc quảng bá văn hóa được Đảng và Nhà nước xem như một “mũi nhọn” trong chiến lược thực hiện chính sách đối ngoại, như một công cụ tạo “sức mạnh mềm” của đất nước.
Nền văn hóa của 54 dân tộc anh em cùng lịch sử hàng nghìn năm đã tạo ra một kho tàng vô giá về di tích, nghi lễ, lễ hội, nghề thủ công... (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Lời tòa soạn:

Tháng 2/1943, Đề cương về văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo đã được thông qua tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng ở xã Võng La, huyện Đông Anh, Hà Nội.

Với khoảng 1.500 chữ, đây được coi là cương lĩnh đầu tiên của Đảng về lĩnh vực văn hóa, là ngọn đuốc sáng soi đường, chỉ lối cho cuộc đấu tranh cách mạng ở Việt Nam.

Có thể khẳng định Đề cương về văn hóa Việt Nam đã trở thành kim chỉ nam để đội ngũ văn nghệ sỹ, trí thức “dùng ngòi bút làm đòn xoay chế độ, mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền” (Sóng Hồng), hay “Nay ở trong thơ nên có thép, nhà thơ cũng phải biết xung phong” (Hồ Chí Minh)…

Suốt 80 năm qua, những tư tưởng của Đề cương về văn hóa Việt Nam luôn được Đảng và Nhà nước ta tiếp nối, góp phần định hướng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế.

Nội dung bản đề cương vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn đến ngày nay, nêu lên những vấn đề căn bản để xây dựng một nền văn hóa độc lập của một quốc gia độc lập, giống như tạo một bộ rễ vững chắc, để “cây văn hóa” của dân tộc phát triển khỏe mạnh và vươn ra thế giới.

Tuy nhiên, giữa dòng chảy của sự hội nhập quốc tế, nhiều luồng văn hóa đang du nhập vào nước ta, tạo ra sự va đập giữa các giá trị truyền thống và các tư tưởng ngoại lai. Chính lúc này, vấn đề làm sao để phát huy sức mạnh văn hóa Việt Nam đang trở nên vô cùng cấp thiết.

Nhân kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời, Báo Điện tử VietnamPlus triển khai loạt bài “Quảng bá văn hóa ra nước ngoài: Niềm tự hào sức mạnh Việt Nam.”

Loạt bài tìm hiểu giá trị thực tiễn của Đề cương về văn hóa Việt Nam trong việc kiến tạo sức mạnh văn hóa dân tộc, từ đó xây dựng “bệ phóng” để hình ảnh Việt Nam lan tỏa trên trường quốc tế.

Bài 1: Sức mạnh văn hóa Việt Nam – Mạch ngầm chảy suốt lịch sử dân tộc

Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, việc quảng bá văn hóa được Đảng và Nhà nước xem như một “mũi nhọn” trong chiến lược thực hiện chính sách đối ngoại, như một công cụ tạo “sức mạnh mềm” của đất nước.

Qua lăng kính văn hóa, Việt Nam hiện lên trong mắt bạn bè quốc tế là một quốc gia giàu bản sắc, năng động, thân thiện và sẵn sàng hợp tác.

Lịch sử làm nên tài nguyên văn hóa

Nhận định về tài nguyên văn hóa Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho rằng Việt Nam là mảnh đất giàu truyền thống và đa dạng văn hóa.

Theo ông Tạ Quang Đông, đất nước ta có nguồn tài nguyên văn hóa dồi dào, đa dạng về loại hình và có giá trị cao trên nhiều phương diện, với gần 4 vạn di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, 59 nghìn di sản văn hóa phi vật thể phân bố trên khắp cả nước.

Hệ thống di sản văn hóa phong phú, cảnh quan kỳ vĩ cùng nhiều di sản được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là tài sản vô giá, có tiềm năng chuyển hóa thành những sản phẩm, dịch vụ độc đáo, đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế, thương mại cũng như tạo dựng thương hiệu, vị thế của văn hóa Việt Nam.

Múa rối là loại hình nghệ thuật đặc sắc của Việt Nam. (Ảnh: Minh Giang/Vietnam+)

Bên cạnh đó, nền văn hóa của 54 dân tộc anh em cùng lịch sử hàng nghìn năm đã tạo ra một kho tàng vô giá về di tích, nghi lễ, lễ hội, trò chơi dân gian, nghề thủ công truyền thống, dân ca, dân vũ, ẩm thực, phong tục tập quán, truyền thuyết, hình tượng anh hùng...

“Tất cả đều có thể trở thành chất liệu tuyệt vời cho sáng tạo, tạo ra những sản phẩm văn hóa nghệ thuật vừa tôn vinh văn hóa dân tộc, vừa tạo ra giá trị riêng,” Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh.

[Công nghiệp văn hóa: Tiềm năng đang chờ được 'đánh thức']

Những năm gần đây, các sản phẩm, dịch vụ văn hóa Việt Nam ngày càng phát triển, đa dạng về nội dung và hình thức, từng bước hình thành một nền công nghiệp văn hóa, bước đầu tham gia tích cực vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Theo thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tổng doanh thu hàng năm của ngành mỹ thuật nước ta đạt khoảng 60 triệu USD; còn thủ công, mỹ nghệ nằm trong số 11 ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của nước ta, tạo lợi nhuận kinh tế và cơ hội việc làm, góp phần lớn vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc. Năm 2022, tổng doanh thu toàn ngành xuất bản đạt gần 4 nghìn tỷ đồng (tăng 33,3%); nộp ngân sách hơn 414,8 tỷ đồng.

Tiến sỹ Nguyễn Thị Quý Phương cho rằng nước ta có một nguồn tài nguyên văn hóa lớn, bồi đắp từ lịch sử lâu đời và rất đáng tự hào. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bàn về sức mạnh của văn hóa Việt Nam, Tiến sỹ Nguyễn Thị Quý Phương, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn Quốc tế QP Việt Nam cho rằng nước ta có một nguồn tài nguyên văn hóa lớn, bồi đắp từ lịch sử lâu đời và rất đáng tự hào. Mỗi lát cắt ở các giai đoạn lịch sử đều có thể là chất liệu tuyệt vời để làm nên các tác phẩm điện ảnh. Ngoài ra, Việt Nam có một nền văn hóa đa dạng được tạo nên từ 54 “mảnh ghép” các dân tộc anh em…

Theo Tiến sỹ Quý Phương, những chất liệu văn hóa đó đã làm nên thời kỳ đỉnh cao của văn hóa Việt trong giai đoạn chiến tranh. Rất nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật đã ra đời trong thời kháng chiến, không chỉ trở thành những tác phẩm đi cùng năm tháng mà còn có sức lan tỏa rộng khắp trên thế giới, kéo theo sự đồng cảm, ủng hộ của lực lượng văn nghệ sỹ nước ngoài.

Ở lĩnh vực điện ảnh, có thể kể tới nhiều thế hệ đạo diễn, nhà sản xuất tâm huyết của Việt Nam đã nỗ lực đưa phim Việt ra nước ngoài như Hồng Sến, Hải Ninh, Đặng Nhật Minh, rồi Phan Đăng Di, Nguyễn Hoàng Điệp, Lưu Huỳnh và gần đây là Trấn Thành, Hà Lệ Diễm…

Vở xiếc Làng tôi hấp dẫn lạ mắt với các tiết mục sử dụng đạo cụ hoàn toàn bằng tre. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Về nghệ thuật biểu diễn, một số sản phẩm nổi bật đã được hình thành, gây ấn tượng mạnh cho công chúng nước ngoài như xiếc “Làng tôi”, chương trình “Đêm vô thức bản địa” của Seaphony (Dàn nhạc dân tộc bản địa Việt Nam), những buổi biểu diễn của dàn nhạc tre nứa Sức Sống Mới…

Và mới đây, không thể không nhắc đến những sản phẩm âm nhạc trẻ trung như “Vũ điệu rửa tay-Ghen Cô Vy” hay “See tình” (Hoàng Thùy Linh) đã có độ phủ sóng rộng khắp mạng xã hội thế giới.

Có thể khẳng định rằng khi xây dựng những sản phẩm nói trên, các nghệ sỹ không chỉ đơn thuần làm nghệ thuật, thỏa sức sáng tạo và đam mê cá nhân mà còn góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài, giới thiệu tới bạn bè quốc tế một vài nét chấm phá về văn hóa Việt Nam.

Xây dựng ‘phông’ văn hóa Việt

Theo Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, để có những sản phẩm chất lượng nghệ thuật cao và mang những giá trị tử tế thì bản thân người sáng tạo phải tự xây dựng cho mình một “phông” văn hóa căn bản, phải đặt mình vào trong một hệ giá trị con người Việt Nam chuẩn mực. Ngược lại, nếu xa rời hệ giá trị đó, người ta sẽ tạo ra những sản phẩm lệch lạc về tư tưởng.

Trên cơ sở đó, ông cho rằng Đề cương văn hóa Việt Nam 1943 có ý nghĩa khai sáng, mở đường cho cách mạng Việt Nam, định hình những tư tưởng, quan điểm, nguyên tắc cơ bản, được bổ sung và phát triển trong nhiều năm tiếp theo. Đó là nguồn sáng, là động lực to lớn để “Nước Việt Nam từ máu lửa/Rũ bùn, đứng dậy sáng lòa” (Nguyễn Đình Thi).

Bản Đề cương về Văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo năm 1943.

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai (7/1948) Tổng Bí thư Trường Chinh đã nêu rõ văn hóa Việt Nam phải thực hiện giao lưu quốc tế rộng rãi, phải “tự bồi bổ cho mình bằng văn hóa xã hội chủ nghĩa và dân chủ mới của thế giới đồng thời phải cống hiến cho kho tàng văn hóa thế giới phần tinh túy của mình.”

Có thể hiểu rằng việc quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài cũng là biểu hiện của “đại chúng hóa”. Ở đó, “đại chúng” được hiểu theo nghĩa rộng hơn, không còn giới hạn trong biên giới Việt Nam mà bao gồm cả nhân dân thế giới. Khi công chúng toàn cầu hiểu biết hơn về Việt Nam thì hình ảnh và uy tín của đất nước cũng sẽ được củng cố, từ đó thu hút sự quan tâm đầu tư ở các lĩnh vực khác như kinh tế, xã hội, du lịch…

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Thế Kỷ khẳng định qua các giai đoạn lịch sử, Đảng ta không ngừng bổ sung, phát triển và đổi mới nội dung Đề cương cho phù hợp với thực tiễn xây dựng, phát triển đất nước.

Dưới ánh sáng của Đề cương về văn hóa Việt Nam và đường lối tư tưởng văn hóa, văn nghệ thời kỳ mới, nền văn học, nghệ thuật của nước ta có nhiều khởi sắc, tiếp nối dòng tư tưởng chủ đạo là chủ nghĩa yêu nước, dân tộc, dân chủ, nhân văn, phản ánh chân thật đời sống của nhân dân; đấu tranh lên án, đẩy lùi cái xấu, cái ác, những lai căng, lạc lõng; ca ngợi vẻ đẹp của đất nước, con người Việt Nam, thành tựu công cuộc đổi mới; tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống, lịch sử dân tộc, những thành tựu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội.

Tài nguyên và động lực đều dồi dào, vậy người Việt sẽ khai thác và phát huy ra sao để quảng bá văn hóa Việt ra nước ngoài?

Các chuyên gia cho rằng tài nguyên và nguồn lực văn hóa Việt Nam rất dồi dào. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Thế Kỷ cho rằng nguồn lực trung tâm để phát triển văn hóa là con người. Trong khi đó, phát triển văn hóa gắn kết chặt chẽ với việc xây dựng con người đang là xu thế của thời đại.

“Hiện các hình thức của sản phẩm văn hóa trong kỷ nguyên số vô cùng đa dạng, rất khó quản lý theo phương thức truyền thống, đặc biệt là trong bối cảnh ai cũng có thể là nhà sáng tạo và phát tán nội dung đó qua mạng xã hội. Thực tế nhiều sản phẩm văn hóa kém chất lượng hoặc thậm chí xấu độc có thể làm sai lệch, méo mó hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế,” Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Thế Kỷ nói.

Bởi vậy, theo ông Kỷ, nhìn nhận các trở lực và khơi thông các điểm nghẽn trong hoạt động quảng bá văn hóa là rất quan trọng để tạo dựng hình ảnh Việt Nam văn minh, hiện đại./.

Xem toàn bộ loạt tại đây: 

Bài 2: ‘Soi’ vào Đề cương về văn hóa để bồi đắp ‘căn cước Việt Nam’

Bài 3: Khơi thông dòng chảy để văn hóa Việt Nam tỏa sáng trên trường quốc tế

Bài 4: Niềm tin ở những cánh chim mang hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục