Quảng bá hình ảnh quýt hồng Lai Vung đến du khách gần xa

Trong suốt thời gian diễn ra lễ hội, nhiều hoạt động văn hóa-văn nghệ, trò chơi dân gian gắn liền với sản phẩm quýt hồng như chuyền quýt, lựa quýt, xếp quýt vào dĩa... được tổ chức.
Quýt hồng của ông Hà Thanh Hồng ở huyện Lai Vung chín, lên màu vàng, bóng đẹp. (Ảnh: Nhựt An/TTXVN)

Chiều 27/12, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Lai Vung (tỉnh Đồng Tháp) Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết, từ ngày 5-8/1/2023, Ủy ban Nhân dân huyện và Báo Nông nghiệp Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp tổ chức Lễ hội quýt hồng lần thứ I chủ đề “Khát vọng vươn lên.”

Lễ hội được tổ chức nhằm tôn vinh, giới thiệu, quảng bá hình ảnh quýt hồng, giá trị văn hóa, kinh tế của các sản phẩm từ quýt hồng Lai Vung. Lễ hội góp phần phát triển du lịch, kinh tế-xã hội địa phương.

Lễ khai mạc sẽ diễn ra lúc 9 giờ, ngày 5/1/2023 tại Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh huyện. Trong 4 ngày diễn ra lễ hội, nhiều hoạt động được tổ chức như: Diễu hành quảng bá quýt hồng Lai Vung; tổ chức không gian trưng bày và bán sản phẩm của nhà vườn ở trong, ngoài huyện; Hội thảo “Bảo tồn và phát huy tiềm năng, giá trị quýt hồng”; Tọa đàm “quýt hồng-tiềm năng của địa phương và cơ hội cho mọi khách hàng”...

Bên cạnh đó, du khách còn có hoạt động tham quan, trải nghiệm không gian sản xuất quýt hồng; tham quan điểm du lịch cộng đồng, làng nghề, di sản, di tích lịch sử-văn hóa, cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP.

[Đồng Tháp: Vùng quýt hồng huyện Lai Vung rộn ràng đón khách]

Trong suốt thời gian diễn ra lễ hội, nhiều hoạt động văn hóa-văn nghệ, trò chơi dân gian gắn liền với sản phẩm quýt hồng như chuyền quýt, lựa quýt, xếp quýt vào dĩa... được tổ chức.

Lai Vung được mệnh danh là xứ sở quýt hồng bởi thời hoàng kim nơi đây có hơn 1.000 ha trồng quýt hồng. Những năm qua, bệnh vàng lá, thối rễ tấn công gây hại đã làm thiệt hại lớn những vườn đang cho trái, làm giảm diện tích trồng loại cây đặc sản này.

Ủy ban Nhân dân huyện đã triển khai Đề án Bảo tồn vườn quýt hồng huyện Lai Vung giai đoạn 2020-2024 và khuyến khích nhà vườn tham gia để được hướng dẫn quy trình, kỹ thuật chăm sóc quýt phát triển tốt. Với sự nỗ lực của chính quyền địa phương, ngành chuyên môn và nhà vườn, nhiều vườn quýt hồng dần phục hồi, phát triển.

Theo Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lai Vung Huỳnh Minh Trí, hiện nay, huyện còn khoảng hơn 200 ha canh tác cây quýt hồng. Tổng sản lượng vụ quýt hồng Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 ước đạt trên 5.000 tấn.

Quýt hồng Lai Vung đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu. Những sản phẩm mang nhãn hiệu quýt hồng Lai Vung là nhãn hiệu được cấp cho sản phẩm quýt hồng được trồng, sản xuất, chế biến và kinh doanh trên địa bàn 4 xã Vĩnh Thới, Tân Phước, Tân Thành, Long Hậu.

Mỗi năm, quýt hồng Lai Vung chỉ cho trái một vụ và thu hoạch vào dịp cận Tết Nguyên đán. Khi chín, quýt hồng chuyển từ màu xanh sang màu vàng, quả to, bóng đẹp. Nhằm phát triển kinh tế gia đình và góp phần quảng bá đặc sản quýt Lai Vung đến du khách gần xa, một số nhà vườn đầu tư thêm cơ sở vật chất, đón khách vào tham quan.

Đến nay, huyện Lai Vung có 8 điểm tham quan vườn quýt hồng ở các xã Long Hậu, Tân Thành, Hòa Thành và Vĩnh Thới, tổng diện tích hơn 8 ha. Với mỗi vé vào cổng 50.000 đồng/người lớn, 30.000 đồng/trẻ em, du khách được thưởng thức quýt hồng, tham quan, chụp ảnh trong vườn quýt, trải nghiệm bơi xuồng, đi cầu khỉ, thưởng thức món ăn đặc sản miền Tây...

Nhiều nhà vườn đầu tư các tiểu cảnh để du khách có bức ảnh đẹp; bố trí khu vực cho khách du lịch tự tay hái những quả quýt hồng mang về làm quà cho người thân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục