Quảng bá du lịch Việt Nam trước ‘vòng xoáy’ của trào lưu E-marketing

Nhằm thúc đẩy mạnh mẽ e-marketing (tiếp thị trực tuyến) du lịch – xu hướng mới trong thời đại 4.0, thời gian tới đây ngành du lịch Việt Nam sẽ bắt tay với các nền tảng số lớn nhằm xúc tiến quảng bá.
Những gương mặt tham gia sáng tạo nội dung quảng bá cho du lịch Việt trên Tiktok.

Theo kế hoạch xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam năm 2019, một trong những mục tiêu mà ngành du lịch đặt ra và đang triển khai là phối hợp với các nền tảng mạng xã hội trên thế giới như facebook, instargram, youtube và mới đây nhất là Tiktok nhằm thúc đẩy mạnh mẽ e-marketing du lịch – một xu hướng mới trong thời đại 4.0.

Ông Đinh Ngọc Đức, Vụ Trưởng Vụ Thị trường Du lịch, Tổng cục Du lịch đã có những chia sẻ với phóng viên về xu hướng áp dụng công nghệ trong du lịch.

[TikTok cùng quảng bá du lịch Việt Nam tại 90 quốc gia trên thế giới]

Du lịch Việt trước vòng xoáy E-marketing

- E-marketing (tiếp thị trực tuyến) sẽ được sử dụng nhiều trong kế hoạch xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam năm 2019, xin ông có thể nói rõ hơn?

Ông Đinh Ngọc Đức: Vừa qua, được sự ủy quyền của Chính phủ, Bộ Trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký ban hành đề án Nâng cao hiệu quả xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam, và hiện đang triển khai đề án đó. Một trong những nội dung quan trọng của đề án là từng bước tập trung nhiều hơn cho công tác e-marketing. Rõ ràng Việt Nam không thể đứng ngoài xu hướng sử dụng công nghệ trong du lịch.

Hiện nay, Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các địa phương, các doanh nghiệp đang đẩy mạnh hoạt động marketing, phát triển trang web Vietnam.travel cũng như khai thác tối đa các công cụ trên nhiều trang mạng xã hội như facebook, instargram, youtube và vừa qua đại diện Tiktok cũng đến báo cáo và đề xuất một khả năng hợp tác.

Chúng tôi cũng nhận thấy Tiktok là trang mạng xã hội có tốc độ phát triển rất lớn, có tầm ảnh hưởng tới giới trẻ không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Đó cũng là đối tượng khách tiềm năng mà chúng ta đang hướng tới tại các thị trường trọng điểm.

Chính vì vậy chúng tôi đã xem xét và báo cáo với lãnh đạo để đồng hành cùng Tiktok triển khai một chiến dịch quảng bá hình ảnh điểm đến, sản phẩm du lịch Việt Nam thông qua những video ngắn để làm sao tạo xu hướng và khiến cho những khách hàng của Tiktok quan tâm đến Việt Nam, hiểu hơn về du lịch Việt Nam, rồi sau đó họ trải nghiệm và chia sẻ trên Tiktok những cảm xúc của mình tại các điểm du lịch Việt.

Đà Nẵng - một trong những 'trung tâm' du lịch của miền Trung - là điểm đến đầu tiên của chiến dịch.

Đấy chính là công cụ giúp chúng ta tiếp cận thị trường và tất nhiên để xúc tiến quảng bá hiệu quả, thu hút được khách ở các thị trường trọng điểm thì ngành du lịch Việt cần làm nhiều việc với nhiều công đoạn khác nữa.

Ngoài ra, trong công tác xúc tiến quảng bá, chúng tôi cũng quán triệt tinh thần tối đa xã hội hóa. Nguồn lực của chính phủ thì chúng ta luôn luôn phải sử dụng hiệu quả nhưng nguồn lực xã hội hóa cũng cần phải khai thác. Khi tiếp cận với đại diện Tiktok chúng tôi đặt vấn đề và Tiktok cũng cam kết cùng chúng tôi xã hội hóa để đồng hành triển khai các hoạt động trên nền tảng này.

- Vậy lộ trình triển khai dự án này sẽ thế nào, thưa ông?

Ông Đinh Ngọc Đức: Hiện nay, lãnh đạo Tổng cục Du lịch đã giao cho Tạp chí Du lịch cùng với Tiktok triển khai ký kết thỏa thuận, thực hiện một số chiến dịch tại các địa phương được chọn và yêu cầu sau một khoảng thời gian sẽ cùng ngồi lại với nhau để đánh giá hiệu quả hoạt động cũng như hiệu ứng, và khả năng có thể tiếp tục đồng hành cùng Tiktok trên cả quãng đường xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam hay không.

Tiktok: Công cụ quảng bá mới

- Được biết, dự án này do Tiktok Việt Nam, Tổng cục Việt Nam phối hợp cùng Truyền hình cáp Việt Nam thực hiện, vậy bên cạnh việc đăng tải những nội dung sáng tạo ngắn trên Tiktok thì ông đánh giá như nào về hiệu quả quảng bá dạng này trên truyền hình cũng như trên mạng xã hội?

Ông Đinh Ngọc Đức: Video hiện nay đang là công cụ quảng bá rất tốt. Chúng tôi đã và đang xây dựng những video, clip 30 giây, 1 phút, 3 phút để phát sóng trên các kênh truyền hình, các phương tiện thông tin đại chúng và sử dụng cho các chương trình quảng bá du lịch Việt Nam. Còn trên Tiktok là những đoạn video rất ngắn không quá 15 giây do những người tham gia mạng xã hội tạo ra.

Thỏa thuận xúc tiến quảng bá giữa ngành du lịch Việt với đại diện Tiktok Việt Nam.

Bên cạnh đó, ngành du lịch cũng đang làm mạnh e-marketing. Trên trang mạng facebook, instagram và youtube, chúng tôi đã tổ chức và tạo định hướng để các bên liên quan cùng hứng khởi tạo ra những video, clip ngắn.

Nên nhìn nhận vấn đề như này, video, clip là xu hướng mới giúp chúng ta truyền tải thông tin, hình ảnh về điểm điểm đến, sản phẩm du lịch Việt Nam. Video, clip đó có thể sử dụng thông qua rất nhiều công cụ mạng xã hội như facebook, instagram, youtube và bây giờ có thêm Tiktok cùng các kênh truyền hình chính thức.

Tuy nhiên, nhiều công cụ khác nhau thì đòi hỏi nhiều dạng video với những yêu cầu về nội dung, thời gian, chất lượng hình ảnh khác nhau, mặc dù cùng phục vụ công tác xúc tiến quảng bá theo một định hướng về sản phẩm, về thị trường, về các cách tiếp cận do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch xác định cho cả ngành du lịch.

- Vậy nội dung, chất lượng hình ảnh đăng tải trên các kênh e-marketing như Tiktok sẽ do đơn vị nào kiểm duyệt, thưa ông?

Ông Đinh Ngọc Đức: Hiện nay, Tiktok với Tạp chí Du lịch đang phối hợp triển khai. Tiktok khác với những trang mạng xã hội hay nền tảng khác ở chỗ Tiktok sẽ đưa ra những video clip mang tính chất mẫu định hướng, nhằm tạo hứng khởi cho những người tham gia Tiktok, thu hút họ sẽ bằng cảm xúc của mình tạo ra các video, clip ngắn mới đưa lên, tạo sức lan tỏa rộng rãi.

Như vậy, quan trọng nhất là chúng ta định hướng được nội dung, định hướng được cách tiếp cận để tất cả các video clip do người tham gia cộng đồng mạng Tiktok tạo ra theo hướng mà chúng ta đã xác định ban đầu.

- Xin cảm ơn những chia sẻ của ông./.

Ông Đinh Ngọc Đức, chia sẻ về kế hoạch e-marketing trong du lịch Việt thời gian tới.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục