Quảng bá du lịch Việt Nam tới các doanh nghiệp lữ hành của Pháp

Biên bản hợp tác giữa chi nhánh Vietravel tại Pháp và Vietnam Airlines, Biên bản hợp tác giữa Trung tâm Văn hóa Việt Nam và Hội Xúc tiến Văn hóa Du lịch Việt Nam tại Pháp đã được trao tại tọa đàm.

Lễ trao Biên bản hợp tác giữa Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp với Hội xúc tiến văn hóa du lịch Việt Nam tại Pháp và châu Âu. (Ảnh: Nguyễn Thu Hà/TTXVN)
Lễ trao Biên bản hợp tác giữa Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp với Hội xúc tiến văn hóa du lịch Việt Nam tại Pháp và châu Âu. (Ảnh: Nguyễn Thu Hà/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, ngày 16/11, tại Trung tâm Văn hóa Việt Nam ở thủ đô Paris, buổi tọa đàm với chủ đề "Du lịch Việt Nam - Tiềm năng và cơ hội" đã được tổ chức.

Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cùng đông đảo đại diện các doanh nghiệp lữ hành đang hoạt động tại Pháp đã tham dự tọa đàm.

Nằm trong khuôn khổ chuỗi hoạt động quảng bá hình ảnh Việt Nam tại Pháp, sự kiện nhằm cung cấp các thông tin cập nhật về du lịch Việt Nam cho các doanh nghiệp lữ hành tại Pháp, tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia trong lĩnh vực này.

Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, ông Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh những tiềm năng tự nhiên và nhân văn của Việt Nam, những sản phẩm đặc trưng, độc đáo, cũng như lợi thế để phát triển du lịch với nhiều hình thức được tập trung khai thác theo hướng phát triển du lịch bền vững.

Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, nhiều điểm đến, sản phẩm du lịch của Việt Nam đã được các trang mạng chuyên về tư vấn, đánh giá du lịch có uy tín như World Travel Award, TripAdvisor, Telegraph... hay các hãng truyền thông lớn như CNN, BBC... xếp hạng hàng đầu thế giới.

Đặc biệt, Việt Nam có 8 Di sản Văn hóa, Thiên nhiên và 15 Di sản Văn hóa Phi Vật thể, 9 Di sản Văn hóa Tư liệu và 3 Công viên Địa chất Toàn cầu đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận.

Cũng theo ông Nguyễn Trùng Khánh, hiện Việt Nam và Pháp có nhiều hoạt động hợp tác trong lĩnh vực du lịch, đạt được nhiều thỏa thuận tạo điều kiện thuận lợi trao đổi khách như ký Hiệp định Hợp tác Du lịch năm 1996; Nghị định thư triển khai Hiệp định Hợp tác Du lịch năm 2005; Ý định thư về Hợp tác Du lịch năm 2018.

Các hãng hàng không Vietnam Airlines, Air France đã mở đường bay thẳng kết nối các thành phố lớn, trung tâm du lịch của hai nước.

Du lịch Việt Nam tích cực tổ chức các hoạt động xúc tiến du lịch tại Pháp như tổ chức các đoàn khảo sát, chương trình giới thiệu du lịch, tham gia hội chợ du lịch quốc tế Top Resa và các hoạt động khác thúc đẩy trao đổi khách giữa hai quốc gia.

Chính phủ Việt Nam đã miễn thị thực cho công dân Pháp đi du lịch Việt Nam từ năm 2015 và mới đây nhất là nâng thời hạn tạm trú cho du khách Pháp lên 45 ngày kể từ ngày 15/8/2023.

Đường bay thẳng thuận lợi; thủ tục xuất nhập cảnh đơn giản; điểm đến, sản phẩm du lịch hấp dẫn, con người nồng hậu, mến khách là những điều kiện lý tưởng thúc đẩy phát triển du lịch giữa hai nước.

Hơn 3 năm qua, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề, trực tiếp đến ngành du lịch thế giới nói chung, bao gồm cả du lịch Pháp và Việt Nam. Đến nay, khi dịch bệnh được kiểm soát, hai nước đã mở lại toàn bộ hoạt động nhằm khôi phục phát triển du lịch.

Ông Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh buổi tọa đàm giới thiệu du lịch Việt Nam lần này là cơ hội tốt để doanh nghiệp du lịch Việt Nam và Pháp chia sẻ thông tin, tiến tới hợp tác kinh doanh, phát triển du lịch hai chiều trong bối cảnh phục hồi sau đại dịch, chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới mạnh mẽ hơn.

Đồng thời ông Khánh bày tỏ tin tưởng rằng buổi tọa đàm cùng với những chương trình giới thiệu văn hóa nghệ thuật đặc sắc của Việt Nam, các hoạt động truyền thông đa dạng và giao lưu du lịch giữa hai nước, sẽ được đẩy mạnh, làm sâu sắc thêm mối quan hệ hữu nghị bền chặt Việt Nam-Pháp và thúc đẩy trao đổi khách du lịch giữa hai quốc gia.

TTXVN_1711dulich2.jpg
Ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch, giải đáp thắc mắc của đại diện các công ty lữ hành Pháp. (Ảnh: Nguyễn Thu Hà/TTXVN)

Chia sẻ với phóng viên TTXVN, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng hàng năm Việt Nam đón khoảng 300.000 khách Pháp đến Việt Nam.

Con số này chưa phải là nhiều và chưa đạt như mong muốn, do đó cần đẩy mạnh xúc tiến và quảng bá du lịch ở thị trường này.

Với mục đích đó, buổi tọa đàm đã được tổ chức để mời các đối tác, công ty lữ hành, những bạn bè Pháp am hiểu về du lịch Việt Nam, thông qua họ, giới thiệu tới khách Pháp đất nước con người Việt Nam, tiềm năng và thế mạnh, bộ sản phẩm du lịch và cách thức làm mới của ngành du lịch, cũng như những chính sách hỗ trợ của Nhà nước Việt Nam để du lịch phục hồi.

Trong buổi tọa đàm trên, đại diện các công ty lữ hành đã được nghe giới thiệu tình hình du lịch Việt Nam, những chính sách mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến Việt Nam.

Đại diện hãng hàng không Vietnam Airlines cũng giới thiệu những sản phẩm dịch vụ và mạng lưới bay phù hợp với thị trường châu Âu và Pháp.

Nhiều hãng lữ hành đã bày tỏ nguyện vọng mong muốn thúc đẩy lượng khách Pháp đến với Việt Nam, đồng thời kiến nghị và chia sẻ những ý kiến giúp du lịch Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn nữa không chỉ ở thị trường Pháp và cả trên trường quốc tế.

Công ty lữ hành Asia Voyage phát triển các gói du lịch đến Việt Nam từ 35 năm nay và mỗi năm đưa khoảng 4.000 khách du lịch tới nước này.

Ông Guillaume Linton, Tổng giám đốc của Asia Voyage cho rằng Việt Nam có thể làm được nhiều hơn nữa để quảng bá hình ảnh của mình ở thị trường Pháp.

Ông chia sẻ : "Chúng tôi mong muốn giới thiệu thị trường Việt Nam nhiều hơn nữa thông qua việc mời các nhà báo, các nhà làm tour chuyên nghiệp, các đối tác du lịch đến khám phá các tuyến du lịch mới để họ biết nhiều hơn những bản sắc rất phong phú và đa dạng của các dân tộc Việt Nam, giới thiệu những điểm đến mới, sản phẩm mới, khác biệt với những nơi khác ở Đông Dương. Đó cũng là lý do chúng tôi đến đây để gặp gỡ trao đổi với các chính khách, nhà quản lý của Việt Nam."

Bà Anoa Suzanne Dussol, Đại sứ Du lịch Việt Nam tại Pháp lại mong muốn phát triển du lịch doanh nghiệp, hội thảo để có thể đưa nhiều doanh nghiệp đến với Việt Nam, trao đổi với những vùng núi phía Bắc và từ đó giúp phát triển đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội ở các khu vực này. Bà cho rằng việc kết hợp văn hóa, du lịch và doanh nghiệp với nhau có thể mang lại lợi ích cho tất cả các bên.

Theo quan điểm của bà Lê Y Linh, Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa và Du lịch tại Pháp và châu Âu, Việt Nam cần coi trọng và tận dụng vai trò của các nhà làm du lịch chuyên nghiệp bởi vì trong thế giới phẳng, Việt Nam có điều kiện cập nhật với sự phát triển du lịch của thế giới, song để mang thông tin đến đúng lúc, đúng chỗ, đúng đối tượng, cung cấp thông tin cần thiết cho khách hàng, Việt Nam cần phải coi trọng vai trò của người làm du lịch chuyên nghiệp.

Bà bày tỏ mong muốn chung tay cùng Cục Du lịch Quốc gia, phối hợp với các doanh nghiệp du lịch trong nước và ở châu Âu để có sự hợp tác chuyên nghiệp và hiệu quả.

Trong khuôn khổ buổi tọa đàm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng và Đại sứ Đinh Toàn Thắng, cùng lãnh đạo Cục Du lịch Việt Nam và các đại biểu đã chứng kiến lễ trao Biên bản hợp tác giữa chi nhánh của nhà tổ chức du lịch Vietravel tại Pháp và Vietnam Airlines, và Biên bản hợp tác giữa Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp với Hội Xúc tiến Văn hóa Du lịch Việt Nam tại Pháp và châu Âu.

TTXVN_1711dulich3.jpg
Khách tìm hiểu sản phẩm thủ công truyền thống tại Triển lãm Sắc màu Văn hóa Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Thu Hà/TTXVN)

Hòa chung không khí tưng bừng của các hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Pháp, với sự bảo trợ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đã phối hợp với Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam và Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp tổ chức triển lãm "Sắc màu Văn hóa Việt Nam" với chuyên đề về tranh lụa và sản phẩm thủ công truyền thống của Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, Đại sứ Đinh Toàn Thắng và khách mời đã cắt băng khai mạc triển lãm trước sự chứng kiến của đông bảo bạn bè Pháp và bà con kiều bào.

Triển lãm nhằm giới thiệu về văn hóa, cuộc sống, con người của Việt Nam qua nét đẹp của nghệ thuật tranh lụa và các sản phẩm thủ công truyền thống của Việt Nam.

Triển lãm chọn lọc trưng bày 40 bức tranh lụa của các họa sĩ đương đại và gần 100 bức ảnh giới thiệu về di sản văn hóa Việt Nam đã được UNESCO công nhận, cùng các sản phẩm thủ công truyền thống của Việt Nam.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục