Quán tính giảm của thị trường chứng khoán khả năng vẫn còn tiếp diễn

Thị trường vẫn đang có mức định giá thấp so với trung bình 5 năm gần nhất, song trong ngắn và trung hạn vẫn chưa thoát khỏ xu hướng giảm giá.
Tuần qua, VN-Index ghi nhận 4 phiên giảm điểm liên tiếp và phiên cuối tuần hồi phục nhẹ nhờ lực cầu gia tăng quanh ngưỡng hỗ trợ tâm lý 1.100 điểm. (Ảnh minh họa: Vietnam+)

Thị trường chứng khoán vừa trải qua một tuần giao dịch nhiều biến động và đồng điệu với những diễn biến tiêu cực trên toàn cầu. Theo đó, VN-Index ghi nhận 4 phiên giảm điểm liên tiếp. song phiên cuối tuần đã hồi phục nhẹ nhờ lực cầu gia tăng quanh ngưỡng hỗ trợ tâm lý 1.100 điểm.

Cụ thể, VN-Index kết thúc tuần giao dịch đã “bốc hơi” 71,27 điểm (-5,9%), lùi về mức 1.132,11 điểm. Tương tự, HNX-Index cũng giảm 14,19 điểm (-5,4%) và xuống ngưỡng 250,25 điểm.

Thanh khoản gia tăng

Ông Nguyễn Đình Thắng, chuyên viên phân tích Công ty chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội chỉ ra giá trị giao dịch trên sàn HoSE đã tăng 12,8% so với tuần trước và đạt 68.277 tỷ đồng, tương ứng khối lượng 2.841 triệu cổ phiếu, tăng 18,1%. Trái lại, giá trị giao dịch trên sàn HNX đạt 6.502 tỷ đồng và giảm nhẹ 1,2%. Tuy nhiên, khối lượng tương ứng 332 triệu cổ phiếu, tăng 4,6%.

Thanh khoản trên thị trường gia tăng so với tuần trước đó, do áp lực bán tăng mạnh trong các phiên đầu tuần đồng thời dòng tiền bắt đã đáy xuất hiện tại các phiên cuối tuần, điều này giúp cho thanh khoản cải thiện tương đối tốt,” ông Thắng nói.

[Cơ hội thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển trong giai đoạn tới]

Ông Thắng cho biết với mức giảm điểm mạnh trên cả hai chỉ số chính, thị trường chứng khoán chứng kiến sự sụt giảm về vốn hóa trên toàn bộ các nhóm ngành.

Giá trị giao dịch theo ngành trong tuần:

(Nguồn: SHS) 

Cụ thể, nhóm cổ phiếu dầu khí có diễn biến tiêu cực nhất khi giảm tới 11,1% giá trị vốn hóa, tiêu biểu như BSR (-11,8%), OIL (-9,8%), PVD (-10,8%), PVS (-8,8%), PVB (-18,1%), PVC (-13,5%)...

Theo ông Thắng, nguyên nhân chủ yếu đến từ việc giá dầu thế giới tiếp tục sụt giảm cộng thêm nguy cơ suy thoái kinh tế khiến cho nhu cầu dầu cũng đi xuống.

Tiếp theo là nhóm nguyên vật liệu với 8,5% giá trị vốn hóa, chủ yếu từ các cổ phiếu ngành hóa chất và ngành thép, như DGC (-17%), DPM (-5,4%), DCM (-7%)... và HPG (-6,6%), HSG (-8,6%), NKG (-13,5%)...

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu công nghiệp cũng giảm tới 7,3% giá trị, do sự suy yếu của các cổ phiếu xây dựng và vật liệu. Ngoài ra, các ngành khác cũng giảm tương đối,  như tài chính (-7,1%), dịch vụ tiêu dùng (-6,6%), hàng tiêu dùng (-5,9%), tiện ích cộng đồng (-4%), ngân hàng (-3,9%), công nghệ thông tin (-3,1%), dược phẩm và y tế (-2,6%).

Khối ngoại tiếp tục bán ròng

Ông Thắng cho biết các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng trên cả hai sàn trong tuần qua với giá trị ròng đạt 978,66 tỷ đồng. Trong  đó, khối ngoại bán ròng mạnh nhất ở mã NLG với 9,6 triệu cổ phiếu. Tiếp theo là mã KDH với 8,2 triệu cổ phiếu và mã VND với 5,3 triệu cổ phiếu. Ở chiều ngược lại, họ mua ròng nhiều nhất tại E1VFVN30 với 3,9 triệu chứng chỉ quỹ.

Về tổng quan, VN-Index kết thúc tháng Chín ở mức 1.132,11 điểm, giảm mạnh -11,59% so với tháng Tám và quý 3 giảm -5,47% so với quý 2.

Nhận định xu hướng thị trường, ông Thắng cho rằng trong tháng Chín, thị trường chứng khoán chịu rất nhiều áp lực từ việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất mạnh. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng tăng các mức lãi suất điều hành lên thêm 1%. Trên thị trường, các quỹ ETF đang chịu áp lực rút vốn ròng trong bối cảnh lợi tức trái phiếu ở các nước gia tăng.

Điều này khiến cho nhiều nhiều mã cổ phiếu cơ bản tốt cũng liên tiếp chịu áp lực bán mạnh về các vùng hỗ trợ tăng trưởng dài hạn. Thị trường vẫn đang có mức định giá thấp so với trung bình 5 năm gần nhất, song trong ngắn và trung hạn vẫn chưa thoát khỏ xu hướng giảm giá.

“Do đó nhà đầu tư có tỷ trọng hợp lý, quản trị rủi ro ngắn hạn tốt có thể xây dựng danh mục cổ phiếu tốt trong các ngành có tiềm năng tăng trưởng  trong tương lai để theo dõi và có các kế hoạch giải ngân khi thị trường chung ổn định trở lại,” ông Thắng khuyến nghị.

Bên cạnh đó, nhóm phân tích của Công ty chứng khoán Vietcombak (VCBS) chỉ ra Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tỷ giá bán USD từ 23.700 đồng/USD lên 23.925 đồng/USD. Như vậy, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã tăng tỷ giá này thêm 905 đồng, tương đương tăng 3,9%.

“Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, sau khi nâng lãi suất điều hành, Ngân hàng Nhà nước đã tiếp tục sử dụng công cụ tỷ giá cho thấy sức ép lớn vẫn đang duy trì với các chỉ báo ổn định kinh tế vĩ mô. Với bối cảnh xung đột chính trị thế giới tiếp tục leo thang, rủi ro hệ thống gia tăng, nhiều khả năng các thị trường tài chính sẽ tiếp tục quá trình định giá lại,” báo cáo của VCBS đánh giá.

Đối với thị trường chứng khoán, nhóm phân tích của VCBS nhận định VN-Index trải qua một tuần giảm điểm mạnh xuyên thủng hỗ trợ vùng đáy tháng Bảy. Về kỹ thuật, VN-Index chạm vùng 1.100 điểm tương đương với ngưỡng bật hồi trở lại, tuy nhiên các chỉ báo vẫn khá tiêu cực. Cụ thể, chỉ số này chưa có dấu hiệu tạo đáy thứ nhất và nến xanh phiên cuối tuần chưa vượt được một nửa thân nến đỏ của phiên trước đó.

“Vì vậy, không loại trừ việc phiên tăng điểm tại phiên cuối tuần chỉ là phục hồi kỹ thuật và quán tính giảm của thị trường có thể vẫn còn tiếp diễn. Do đó, nhà đầu tư tiếp tục kiên nhẫn chờ đợi thị trường cho tín hiệu cân bằng và không vội vàng bắt đáy, mua đuổi cổ phiếu để quản trị rủi ro trong ngắn hạn,” VCBS đề nghị./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục